"Cleopatra" ra rạp sau 50 năm: Vẫn là phim tốn kém nhất
- Cập nhật: Thứ ba, 2/7/2013 | 2:22:05 PM
Nhân kỷ niệm 50 năm tác phẩm điện ảnh bất hủ Cleopatra (1963) do huyền thoại màn bạc Liz Taylor thủ vai chính, ngày 12/7 phim sẽ được tung trở lại các rạp chiếu khắp nước Mỹ sau khi đã qua xử lý bằng kỹ thuật số.
Huyền thoại điện ảnh Elizabeth Taylor trong chân dung Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra
|
Cho đến nay, tác phẩm điện ảnh này vẫn là bộ phim tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh. Tính theo thời giá hiện nay, kinh phí làm bộ phim này lên tới hơn 300 triệu USD, hơn cả siêu phẩm điện ảnh Avatar của đạo diễn James Cameron (237 triệu USD).
Làm Cleopatra phải tiêu tiền như rác
Các chuyên gia khẳng định, đừng bao giờ hy vọng làm một bộ phim về Cleopatra với kinh phí thấp. Muốn kể câu chuyện về Nữ hoàng Ai Cập trên màn bạc, các nhà làm phim phải xác định sẽ “tiêu tiền như rác”.
Tuy nhiên, một số nhà làm phim vẫn thích được mạo hiểm như vậy. Năm 1934, nhà làm phim Cecil B DeMille từng nói với tờ The New York Times khi ông thực hiện dự án điện ảnh về Cleopatra do Claudette Colbert thủ vai chính: “Thà sản xuất một bộ phim tốn 1,5 triệu USD và thu về 3 triệu USD còn hơn làm một dự án điện ảnh chỉ tốn 200.000 USD và thu về 400.000 USD”.
Năm 1917, hãng phim Fox của Holly- wood đã đầu tư khoản tiền lớn: 300.000 USD để làm một bộ phim về Cleopatra, do Theda Bara thủ vai chính. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, kinh phí làm phim thực ra lớn hơn nhiều. Đến nay, bản phim này đã bị mất (chỉ còn lại một số ít đoạn ngắn), song nhìn vào ảnh chụp các cảnh phim, người ta có thể thấy hãng Fox chi rất mạnh tay cho trang phục trong phim.
Nhiều thế hệ nhà sản xuất đã xem Cleopatra là mỏ vàng doanh thu đầy tiềm năng. Nhưng Tổ chức Rank ở Anh đã thất bại khi họ quyết định khai thác đề tài này. Năm 1945, họ đã thuê nhà sản xuất kiêm đạo diễn Hungary Gabriel Pascal làm bộ phim Caesar and Cleopatra. Những người cùng thời cho rằng, Pascal không tạo được những khuôn hình đẹp và không biết kể chuyện. Pascal chỉ có một ưu thế là nhận được sự ủng hộ của George Bernard Shaw, người cho phép ông làm phim dựa theo những vở kịch của mình.
Có điều, cái cách Pascal phung phí tiền vào dự án điện ảnh này đã khiến không ít người bị “choáng”, nhất là khi ông làm phim Caesar and Cleopatra vào thời điểm Anh đang suy yếu kinh tế sau Thế chiến 2. Khi kết thúc, phim tốn kém 5,5 triệu USD dàn dựng và vào thời điểm đó, đây là dự án điện ảnh có kinh phí cao nhất.
Nhưng đáng tiếc, phim đã không thuyết phục được khán giả bởi nữ diễn viên Vivien Leigh không thể hiện được cảm xúc mạnh mẽ khi lột tả Cleopatra. Khán giả cũng không khỏi ngạc nhiên khi Claude Rains, một người với gương mặt lúc nào cũng lộ vẻ buồn rầu lại được chọn thủ vai Caesar. Đáng buồn nữa là nữ diễn viên Leigh đã bị sảy thai trong khi quay phim và bà nhận thấy quá trình làm việc với Pascal hết sức chán nản và trì trệ.
Liz Taylor từng suýt chết khi quay Cleopatra
Thành công của Theda Bara trong bản phim Cleopatra năm 1917 chính là lý do khiến Spyros Skouras, ông chủ của Fox vào cuối những năm 1950, quyết định “đánh bạc” với Nữ hoàng Ai Cập để góp phần kéo hãng phim thoát khỏi tình trạng khó khăn kinh tế.
Nhà làm phim cựu trào Rouben Mamoulian được thuê làm đạo diễn phim. Peter Finch thủ vai Caesar và Keith Baxter vào vai Marc Anthony. Phim được quay tại Pinewood Studios ở Anh. Fox đã chi tới 7 triệu USD để tái tạo thành Roma cổ tại vùng Buckinghamshire thôn dã.
Tuy nhiên sau đó, dự án điện ảnh này đã bị “xếp xó” do thời tiết ở Anh quá xấu và Liz Taylor thì suýt chết vì bị mắc bệnh viêm phổi. Thế nhưng, trang phục và bối cảnh quay phim của dự án điện ảnh này không hoàn toàn bị bỏ phí bởi sau này chúng đã được sử dụng cho phim Carry On Cleo (1964).
Khi dự án điện ảnh được xúc tiến lại vào mùa Thu năm 1961, Joseph L Mankiewicz được mời làm đạo diễn. Nổi tiếng với những bộ phim hài dí dỏm, chua cay như A Letter to Three Wives và All About Eve, nhiều người cho rằng ông không phải là lựa chọn phù hợp cho bộ phim sử thi chiến tranh này.
Trong khi đó, Mankiewicz lại tự làm mình kiệt sức khi ông vừa viết kịch bản phim mới, vừa dàn dựng phim Cleopatra. Sau này, ông mô tả Cleopatra là phim “được dàn dựng trong sự hoang mang, được quay khi tâm trạng lộn xộn”.
Cuối đời, Mankiewicz mong muốn được chỉnh sửa tác phẩm điện ảnh của mình. Ông muốn phát hành thành 2 bản riêng biệt, thêm chi tiết vào các mối tình gây chấn động của Nữ hoàng Cleopatra, đầu tiên là với Caesar (Harrison) và sau đó là với Marc Anthony (Richard Burton). Tuy nhiên, lúc đó ông chủ hãng phim là Darryl Zanuck đã bác bỏ ý tưởng đó với lý do, mối tình lãng mạn giữa 2 diễn viên chính trong phim là Taylor và Burton đang thu hút sự quan tâm của báo giới và công chúng.
Lý An và Jolie sẽ làm phim mới về Cleopatra Sau gần một thế kỷ khi phim Cleopatra do Theda Bara thủ vai xuất hiện, giờ đây, một bộ phim mới về Nữ hoàng Ai Cập lại đang được lên kế hoạch sản xuất. Nhà sản xuất nổi tiếng Scott Rudin đã lựa chọn cuốn tiểu sử về Cleopatra của Stacy Schiff, mang tựa đề Cleopatra: A Life, để đưa lên màn bạc. Nhiều khả năng, nhà làm phim Lý An sẽ là đạo diễn phim và nữ minh tinh Hollywood Angelina Jolie là diễn viên chính. Nhiều người đã đặt hy vọng rằng cũng như Taylor, Jolie rồi sẽ truyền được sự mê hoặc của Cleopatra tới người hâm mộ điện ảnh. |
Các tin khác
Ngày 2/7/2013, Tập đoàn FPT chính thức phát động Giải thưởng Tình nguyện Chim Én 2013 lần thứ 5 trên website http://chimen2013.vicongdong.vn/ với chủ đề “Hành trình vì một Việt Nam nhân ái”. Đương kim Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo sẽ đồng hành xuyên suốt cùng chương trình với vai trò sứ giả.
Các chú Minions dễ thương đóng vai phụ trong bom tấn hoạt hình "Despicable Me" năm 2010 sẽ trở thành trung tâm trong phần 2 của bộ phim hoạt hình bom tấn được nhiều người đón đợi.
Nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức đã dành thời gian hơn 3 năm để nghiên cứu chuyên sâu về trang phục cổ Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ X- thế kỷ XIX và hoàn thành cuốn sách Ngàn năm áo mũ.
Với mong muốn thay đổi để lôi kéo sự chú ý của khán giả, Vietnam's Next Top Model 2013 sẽ mở rộng đối tượng tuyển chọn cho cả các người mẫu nam.