Hết kiên nhẫn, Thái Lan ra tay với thủ lĩnh biểu tình
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/2/2014 | 1:19:09 PM
Chính quyền của nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm qua (6/2) vừa tuyên bố, họ đã thành lập 12 lực lượng đặc biệt đảm nhiệm nhiệm vụ truy tìm và bắt giữ 19 thủ lĩnh hàng đầu của lực lượng biểu tình, trong đó có ông Suthep Thaugsugan. Đây là những người đang bị “truy nã” vì vi phạm sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đang được áp đặt ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận.
|
Tòa án Hình sự Thái Lan hôm qua đã phê chuẩn yêu cầu của chính phủ về việc bắt giữ các thủ lĩnh của phe biểu tình chống chính phủ. Theo tòa án, họ đang có trong tay “đầy đủ bằng chứng” để khẳng định hàng loạt thủ lĩnh của lực lượng biểu tình đã vi phạm sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà chính phủ ban hành ở thủ đô Bangkok và các khu vực xung quanh trước thềm cuộc bầu cử hôm 2/2 vừa rồi.
Giới lãnh đạo của cuộc biểu tình có thể sẽ bị bắt giữ cho đến khi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, Tòa án Hình sự Thái Lan tuyên bố.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan – ông Chalerm Yoobamrung cho hay, ông sẽ thành lập 12 lực lượng đặc nhiệm để truy tìm, theo dõi và bắt giữ 19 thủ lĩnh hàng đầu của Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân – chính là lực lượng biểu tình chống chính phủ hiện nay. 19 vị thủ lĩnh này đều đang phải đối mặt với lệnh bắt giữ.
Mỗi lực lượng đặc nhiệm đều có một chỉ huy và phó chỉ huy, ông Chalerm – Giám đốc Trung tâm Duy trìTrật tự và Hòa bình Thái Lan cho biết.
Theo Tòa án Hình sự Thái Lan, 18 nhân chứng cùng với các bằng chứng, đặc biệt là một loạt đoạn băng hình, đã cung cấp cho họ đủ cơ sở và lý do để nghi ngờ rằng 19 thủ lĩnh của phe biểu tình, trong đó có Tổng thư ký Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (PDRC) Suthep, đã phối hợp, bắt tay cùng xúi giục và hậu thuẫn cho các hành động gây ra những tình huống khẩn cấp ở đất nước. Cụ thể, những người này đã trực tiếp lãnh đạo một loạt cuộc biểu tình đường phố bất chấp sắc lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ hồi tháng trước.
Nếu cảnh sát không thực hiện lệnh bắt trong vòng một năm sau khi lệnh truy nã được phát đi thì Tòa án có thể triệu tập các sĩ quan cảnh sát để thẩm vấn và có thể thu hồi lại lệnh bắt giữ.
Trước đó, hôm 5/2, giới chức Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi cựu Phó Thủ tướng Suthep – thủ lĩnh hàng đầu của lực lượng biểu tình chống chính phủ, ra đầu hàng thay vì để bị bắt giữ bởi cảnh sát.
"Ông Suthep nên đầu hàng các cơ quan chức năng bởi họ không muốn dùng vũ lực để bắt giữ ông ta. Ông ấy có khoảng 50 tay súng theo sau để bảo vệ và chúng tôi ghét phải nhìn thấy thêm bất kỳ tình trạng đổ máu nào”, Bộ trưởng Chalerm tuyên bố.
Ông Chalerm từ chối bình luận về việc làm thế nào để các lực lượng chức năng có thể bắt giữ được thủ lĩnh Suthep cùng với 18 người khác mà không dùng đến vũ lực trong khi những người biểu tình vẫn đang tụ tập tại một số địa điểm ở trung tâm thủ đô.
Suthep đối mặt với lệnh bắt giữ thứ hai?
Ngoài đối mặt với lệnh bắt giữ vì vi phạm sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, thủ lĩnh Suthep còn có khả năng bị Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan bắt giữ nếu tiếp tục không đến trình diện theo lệnh triệu tập của Văn phòng Trưởng Công tố viên Thái Lan.
Phát ngôn viên của Văn phòng Trưởng Công tố viên Thái Lan ( AGO) hôm 5/2 đã bác bỏ yêu cầu của thủ lĩnh biểu tình Suthep đòi hoãn lệnh triệu tập ông này lần thứ ba. AGO tuyên bố, thủ lĩnh then chốt của lực lượng biểu tình chống chính phủ sẽ bị bắt giữ nếu không trình diện trước tòa án để đối mặt với những lời buộc tội vào ngày 13/2 tới.
Theo phát ngôn viên của AGO – ông Nanthasak Poolsuk cho biết, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva của Đảng Dân chủ đã bị Tòa án Hình sự Thái Lan buộc tội vì vai trò của họ trong cuộc đàn áp đẫm máu người biểu tình áo đỏ năm 2010 khi họ còn đang cầm quyền. Chiến dịch đàn áp này đã khiến gần 100 người biểu tình thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Tuy nhiên, ông Suthep mới đây tiếp tục đề nghị hoãn buộc tội ông này đến ngày 6/3 với lý do đưa ra là ông ta đang phải dẫn dắt các cuộc biểu tình chống chính phủ của bà Yingluck nên không thể trình diện trước tòa. Đây là lần thứ ba ông Suthep trì hoãn lệnh triệu tập của tòa.
Phản ứng trước diễn biến trên, Văn phòng Trưởng Công tố viên Thái Lan đã ngay lập tức bác bỏ yêu cầu của ông Suthep, nói rằng, việc trì hoãn thêm nữa chỉ khiến vụ án bị kéo dài. Vì thế, Văn phòng Trưởng Công tố viên Thái Lan đã phát đi một lệnh triệu tập mới, yêu cầu ông Suthep phải trình diện trước tòa để nghe các cáo buộc vào ngày 13/2 tới. Nếu không tuân theo lệnh triệu tập trên, tòa án sẽ đề nghị bắt giữ ông này.
Giới thủ lĩnh biểu tình tỏ thái độ thách thức trước lệnh bắt giữ của chính quyền Thái Lan, tuyên bố đầy cứng rắn rằng, những diễn biến đó sẽ chẳng gây ảnh hưởng gì được đến chiến dịch kéo dài nhiều tháng qua của họ nhằm lật đổ nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và tiến hành các cuộc cải cách chính trị cũng như bầu cử.
Một thủ lĩnh của Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (phe biểu tình) cho hay, họ sẽ chống lại lệnh bắt giữ và rằng quyết định của tòa án “sẽ không làm ảnh hưởng đến chiến dịch của PDRC".
"Chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng, khi lệnh triệu tập được đưa ra, chúng tôi sẽ không trốn chạy nhưng chúng tôi cũng sẽ không nộp mình cho cảnh sát bởi chúng tôi phải chiến đấu chống lại chính phủ”, tờ Bangkok Post dẫn lời thủ lĩnh biểu tình Sathit Wongnongtoey cho biết.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Hải quân Italia vừa cứu được 1.123 người chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ khi dòng người nhập cư lén lút từ Bắc Phi tới đạt mức kỷ lục.
Thái Lan lên kế hoạch tiến hành bầu cử bổ sung giữa lúc phe đối lập gây sức ép đòi giải tán đảng cầm quyền.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt xung đột vũ trang trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông Sochi, một ngày trước khi diễn ra lễ khai mạc.