Ukraine bỏ phiếu chọn phương Tây, rời bỏ Nga
- Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2014 | 8:16:27 AM
Người dân Ukraine hôm nay (26/10) đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng có tính quyết định đến tương lai của quốc gia Đông Âu này. Đây là cuộc bầu cử được cho là sẽ làm sâu sắc thêm mâu thuẫn trong nội bộ Ukraine vốn đang bị chia rẽ vì cuộc chiến tương tàn ở miền đông nhưng sẽ củng cố sức mạnh cho Tổng thống Petro Poroshenko trong nỗ lực rời bỏ Nga và hướng về phương Tây.
![]() |
Ảnh minh họa
|
Cuộc bầu cử quốc hội ngày hôm nay ở Ukraine được cho là sẽ sự mở đầu cho hành trình tiến về phương Tây của quốc gia Đông Âu.
Những người theo đường lối chủ nghĩa dân tộc và cải cách ở Ukraine đang nỗ lực tìm cách lái “con thuyền” Ukraine ra khỏi vòng ảnh hưởng của nước láng giềng Nga và họ được cho là đang thống trị trong cuộc bầu cử ngày hôm nay. Trong số đó, Liên minh của Tổng thống Petro Poroshenko được dự đoán sẽ giành chiến thắng nhưng vẫn sẽ vẫn phải cần thiết lập liên minh cầm quyền.
Cuộc bầu cử quốc hội ở Ukraine diễn ra 8 tháng sau khi xảy ra một cuộc nổi dậy đường phố lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych và châm ngòi cho một cuộc đối đầu với Nga cũng như một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa điện Kremlin và các đồng minh phương Tây của Ukraine.
Cuộc chiến ở khu vực công nghiệp miền đông Ukraine với 3.700 người thiệt mạng và vụ Crimea rời bỏ Ukraine, quay trở về với Nga đã phủ bóng đen lên cuộc bầu cử ngày hôm nay.
Các điểm bỏ phiếu đã bắt đầu mở cửa lúc 8h sáng nay theo giờ địa phương và cuộc bỏ phiếu sẽ kéo dài cho đến tận 20h tối nay. Theo số lượng cử tri đăng ký tính đến ngày 30/9, có khoảng 34.670.184 người sẽ đi bỏ phiếu, trong đó có 516.136 người ở nước ngoài.
Có tổng số hơn 32.000 điểm bỏ phiếu mở cửa trong ngày hôm nay và 112 điểm bỏ phiếu được mở cho các công dân Ukraine ở 72 quốc gia. Số lượng điểm bỏ phiếu lớn nhất ở nước ngoài của Ukraine là ở Nga với 6 điểm bỏ phiếu, sau đó là đến Đức với 5 địa điểm.
Các cử tri ở Crimea và hai khu vực nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine gồm Luhansk và Donetsk không đi bỏ phiếu. Số lượng cử tri ở những nơi này là vào khoảng 5 triệu người. Như vậy, 27 ghế trong tổng số 450 ghế trong Quốc hội mới của Ukraine sẽ bị bỏ trống.
Cuộc bầu cử hướng về phương Tây
Các cuộc thăm dò dư luận ở Ukraine cho thấy, hầu hết người dân nước này đều ủng hộ cho các cải cách kinh tế, dân chủ, đặc biệt là cuộc chiến chống tham nhũng, và dần tiến tới gia nhập Liên minh Châu Âu (EU).
Trước thềm cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Poroshenko đã cam kết về “một Quốc hội hoàn toàn mới”, một quốc hội “cải cách, không tham nhũng, ủng hộ Ukraine, thân phương Tây và không thân Xô-viết”.
Cuộc bầu cử quốc hội sớm ở Ukraine diễn ra vào thời điểm khi mà cuộc chiến ở miền đông Ukraine còn lâu mới có thể giải quyết được. Trong bối cảnh này, hầu hết các đảng phái tham gia tranh cử đều hướng các chính sách của họ đến phương Tây.
Theo Hiến pháp Ukraine, Quốc hội Ukraine (được gọi là Verkhovna Rada) là cơ quan lập pháp duy nhất của đất nước. Các nghị sĩ được bầu trong nhiệm kỳ 5 năm và Quốc hội chỉ bắt đầu làm việc sau khi có ít nhất 300 thành viên được lựa chọn.
Các cuộc thăm dò dư luận ngay tại điểm bỏ phiếu cho thấy Liên minh của Tổng thống Poroshenko đang đứng đầu với 16% phiếu ủng hộ. Tiền thân là Đảng Đoàn kết, Liên minh của Tổng thống Poroshenko là một đảng bảo thủ tự do được thành lập bởi chính Tổng thổng đương nhiệm của Ukraine hồi năm 2001.
Các chính sách mà đảng của ông Poroshenko đưa ra được gọi là “Chiến lược 2020” và nó nhằm thực hiện các chính sách đặc biệt giúp Ukraine gia nhập vào Liên minh Châu Âu (EU) trong vòng 6 năm tới.
Đứng thứ hai trong cuộc đua lần này với khoảng 7% số phiếu ủng hộ là Đảng Cực đoan của ông Oleg Lyashko. Được dẫn đầu bởi một cựu phóng viên và một nhà hoạt động tích cực của phóng trào Maidan ủng hộ Châu Âu, Đảng Cực đoan được miêu tả là một nhóm dân chủ cực đoan ủng hộ Châu Âu.
Các đảng khác bao gồm Đảng Mặt trận Nhân dân Ukraine được đồng sáng lập hồi tháng 9 bởi Thủ tướng Arseny Yatsenyuk với cương lĩnh dựa trên ý tưởng hội nhập Châu Âu và chế độ miễn visa với Châu Âu; và Đảng Tổ Quốc Liên hiệp Toàn Ukraine do cựu Thủ tướng Yulia Timoshenko. Đảng của bà Timoshenko đang kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để đưa Ukraine gia nhập NATO và áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Việc chính quyền mới và Quốc hội mới ở Ukraine thực hiện chính sách hướng về phương Tây là điều không thể đảo ngược. Lý do là những người dân ủng hộ Nga ở Ukraine sẽ không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này. Khu vực miền đông thân Nga đã kiên quyết tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội ngày hôm nay.
Hai khu vực Luhansk và Donetsk sẽ tiến hành một cuộc bầu cử riêng vào ngày 2/11 tới. Các khu vực miền đông tuyên bố sẽ đi theo con đường riêng của họ, đó là tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn kết của họ với nước láng giềng Nga.
(Theo VnMedia)
Các tin khác

Ngày 26-10 tại Bangkok, Thái Lan, đã khai mạc phiên họp lần thứ 8 của các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về việc thực thi Tuyên bố các bên về ứng xử biển Đông (DOC). Cuộc họp kéo dài đến ngày 29-10, được xem là một trong những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng biển Đông.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đương kim Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ngày 26,27/10.

AFP đưa tin ngày 26/10, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố nội các mới, trong đó có nữ ngoại trưởng đầu tiên, sau nhiều ngày trì hoãn do những quan ngại của cơ quan chống tham nhũng nước này về một số ứng cử viên.

BBC ngày 26-10 dẫn lời các quan chức địa phương cho biết, lực lượng an ninh Iraq vừa giao tranh với lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và giành lại hầu hết thị trấn miền Trung Jurf al-Sakhar, cách thủ đô Baghdad 60km.