Hy Lạp đứng trước nguy cơ bị loại khỏi Eurozone

Ngày 15-6, tin tức về cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ - cơ hội cuối cùng để Hy Lạp nhận được khoản giải ngân cuối cùng 7,2 tỷ EUR trong gói cứu trợ trị giá 240 tỷ EUR dành cho nước này - đã kết thúc thất bại, khiến cho cả châu Âu thêm lo lắng. Việc hai bên không đạt được thỏa thuận nào đồng nghĩa thời gian rơi vào tình trạng vỡ nợ với nguy cơ ra khỏi khu vực đồng Euro (Eurozone) của Hy Lạp ngày càng gần.

Các bên đổ lỗi cho nhau

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp với bộ ba chủ nợ đã liên tục rơi vào bế tắc trong suốt 5 tháng qua do hai bên không thể giải quyết bất đồng liên quan đến các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Mặc dù cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày lần này đạt được một số tiến bộ, song cuộc đàm phán vẫn không thành công như mong đợi do các bên vẫn tồn tại những bất đồng lớn liên quan đến kế hoạch của chính quyền Athens và những yêu cầu của nhóm chủ nợ (gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Liên minh châu Âu - EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB). Các bên đổ lỗi cho nhau về kết quả đàm phán. Theo Reuters, phía EU cho rằng Athens vẫn không đưa ra được ý tưởng nào mới nhằm đảm bảo có đủ số tiền để trả cho IMF khoản nợ 1,6 tỷ EUR trước cuối tháng này.

Về phần mình, chính quyền Hy Lạp chỉ trích các chủ nợ, cho rằng những yêu cầu về cắt giảm thêm lương hưu và tiền lương công chức mà chủ nợ đưa ra là “vô lý” và quá khắt khe. Athens nhấn mạnh việc không đạt được kết quả cuối cùng là do lỗi của IMF. Nhà kinh tế hàng đầu của IMF, ông Olivier Blanchard, khẳng định để đạt được thỏa thuận cuối cùng, Hy Lạp phải xử lý hệ thống lương hưu, hiện đang là gánh nặng chiếm tới 16% trong nền kinh tế nước này. Athens một mực khẳng định sẽ không bao giờ chấp thuận các yêu cầu mà chủ nợ đưa ra, chống chế rằng họ vẫn sẵn sàng đàm phán nhưng các quan chức EU và IMF nói họ không được đàm phán nữa.

Chờ đợi một quyết địnhkhó khăn

Đổ vỡ trong đàm phán cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp không tránh khỏi phá sản và phải ra khỏi Eurozone. Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker vẫn thuyết phục rằng với những nỗ lực cải cách lớn hơn của Hy Lạp và thiện chí của các nước chủ nợ, một giải pháp tích cực vẫn có thể đạt được vào cuối tháng này, thời điểm gói cứu trợ dành cho Hy Lạp hết hiệu lực. Theo kế hoạch, các bên sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề khủng hoảng nợ của Hy Lạp trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính sẽ được tổ chức tại Luxembourg trong ngày 18-6 tới. Tại cuộc họp này, với khả năng đạt một thỏa thuận kỹ thuật là hầu như không có, các bộ trưởng có thể sẽ đưa ra những quyết định khó khăn về địa vị thành viên của Hy Lạp trong Eurozone.

Tuy nhiên, theo NY Times, có vẻ như cuộc gặp này cũng sẽ để lại một sự bế tắc trừ phi hai bên tiến đến với sự nhượng bộ hơn nữa. Thậm chí, ngay sau khi cuộc đàm phán trên thất bại, EC đưa ra nhận định rằng “Các cuộc đàm phán có thể sẽ phải kéo đến tận cuối tháng 6”. Còn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức kiêm Phó Thủ tướng nước này Sigmar Gabriel viết trong một bài bình luận đăng trên tờ Bild ngày 15-6 rằng: “Nguy cơ Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone đang ngày càng trở nên rõ ràng. Các nhà lý thuyết trò chơi của Hy Lạp đang đánh bạc với tương lai của đất nước họ và của châu Âu nữa”.

Tuần này, châu Âu có thể sẽ đưa ra những quyết định khó khăn về địa vị thành viên của Hy Lạp trong Eurozone. Còn trong lúc này, cuộc đàm phán vừa thất bại trên cũng có thể chặn sự hỗ trợ của ECB cho các ngân hàng Hy Lạp đang gặp khó khăn. Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố ông sẽ cắt viện trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp nếu tình thế cho thấy sẽ không có một thỏa thuận nào giữa Hy Lạp và các chủ nợ.

                                                                      (Theo SGGP)

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện của Tổng thống Trump

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện của Tổng thống Trump

Ngày 3-7, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện của Tổng thống Donald Trump, trị giá 4,5 nghìn tỷ USD - gói chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai mang tính biểu tượng mà ông gọi là "Dự luật Lớn và Đẹp", ngay trước thời hạn chót do ông ấn định là Quốc khánh Mỹ - ngày 4-7.

Ứng cử viên Thủ tướng Hàn Quốc Kim Min-seok.

Hàn Quốc đã có Thủ tướng mới

Nguồn tin từ Quốc hội Hàn Quốc cho hay, trong phiên họp toàn thể vừa diễn ra hôm nay 3/7, ứng cử viên cho chức vụ Thủ tướng do Tổng thống nước này chỉ định đã chính thức được phê chuẩn.

fb yt zl tw