Biển Đông tiếp tục là vấn đề được quan tâm tại Hội nghị ASEAN+3, EAS 5 và ARF 22

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/8/2015 | 7:49:32 AM

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 48 và các hội nghị liên quan, ngày 6-8 đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 22 (ARF 22).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị.

Tại ARF 22, các bộ trưởng nhất trí thời gian tới cần nâng cao vai trò của ARF trong xử lý các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ở khu vực; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, ứng phó thiên tai và cứu trợ nhân đạo; thông qua kế hoạch công tác và nhiều hoạt động của ARF trong thời gian tới.

Trước đó cùng ngày cũng đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 5 (EAS FMM-5). Biển Đông tiếp tục là vấn đề được các nước quan tâm và trao đổi nhiều tại các hội nghị. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thông tin về những diễn biến phức tạp hiện nay ở biển Đông, nhấn mạnh lập trường của Việt Nam và ASEAN về duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Phó Thủ tướng đề nghị các nước đối tác tiếp tục ủng hộ lập trường cùng các nỗ lực của ASEAN, và đóng góp tích cực, xây dựng cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và quan hệ hữu nghị ở khu vực.

Chiều tối cùng ngày đã diễn ra lễ bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 và các hội nghị liên quan với các đối tác.

* Thông cáo chung ASEAN quan ngại về tình hình Biển Đông

Các ngoại trưởng trong khối ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến trên biển Đông, trong đó có hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo, và kêu gọi các bên kiềm chế những hành động làm gia tăng tranh chấp.

Thông cáo chung của Hội nghị Các ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 48 cho hay các ngoại trưởng đã thảo luận các vấn đề về Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây và đang diễn ra ở khu vực này.

Thông cáo cũng "ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số bộ trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".

Các quan chức ngoại giao tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đảm bảo các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) về xây dựng lòng tin lẫn nhau, kiềm chế các hành động làm phức tạp và gia tăng các tranh chấp, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực.

"Các bên liên quan cần giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982", thông cáo viết.

Các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Trước đó, tại Hội nghị Các quan chức Cấp cao (SOM) ASEAN-Trung Quốc lần thứ 9 về thực hiện DOC, hai bên đã nhất trí tiến tới giai đoạn tham vấn tiếp theo và thương lượng cũng như giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến Bộ Quy tắc COC đang được đề xuất. Các ngoại trưởng cho hay các quan chức cấp cao sẽ tiếp tục triển khai và làm việc với Trung Quốc trong vấn đề này.

ASEAN cũng ghi nhận đề nghị của Indonesia về việc thiết lập đường dây nóng liên lạc ở cấp cao giữa chính phủ các nước thành viên và Trung Quốc nhằm xử lý những tình huống khẩn cấp.

AMM và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 4 đến 6/8, với sự tham gia của 27 quốc gia, gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và một số đối tác khác.

ASEAN đều ra thông cáo chung sau mỗi cuộc gặp thường niên của ngoại trưởng các nước trong khối. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao cho hay các nước đã tranh cãi gay gắt về nội dung hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trước khi đưa ra thông cáo chung trên. Ngay trước khi hội nghị ASEAN diễn ra, Trung Quốc đã tuyên bố không muốn đưa vấn đề biển Đông ra bàn luận. Nhưng nước chủ nhà Malaysia đã bác bỏ điều này.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng thuộc ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia. Hoạt động mở rộng các bãi đá trên biển Đông và xây dựng tiền đồn quân sự tại đây đang làm dấy lên lo ngại.

Mỹ cùng các quốc gia ASEAN đã kêu gọi dừng cải tạo đất và xây dựng cùng các hoạt động có vấn đề khác trên biển Đông. Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối thực hiện. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm qua nói hoạt động cải tạo đất ở 7 bãi đá trên biển Đông "đã dừng", nhưng nhiều người cho rằng Bắc Kinh dừng cải tạo để chuyển sang giai đoạn xây dựng ở các đảo nhân tạo này.

(Theo HNMO - VnExpress)

Các tin khác
Chuyển mảnh vỡ nghi là của máy bay MH370 trên đảo La Reunion ngày 29/7.

Theo Reuter/AFP, ngày 6/8, Trung Quốc kêu gọi Malaysia tiếp tục điều tra số phận chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines sau khi Kuala Lumpur tuyên bố một phần cánh máy bay dạt vào đảo Reunion (Pháp) trên Ấn Độ Dương hồi tuần trước là của chiếc máy bay này.

Nga không tham vọng lao vào một cuộc chạy đua vũ trang nhưng có đủ khả năng cần thiết đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.

Một loại máy bay không người lái của Không quân Mỹ.

Trong một bước đi được thông báo là “gia tăng cường độ” chống nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng thực chất là để giúp phe đối lập Syria trong nỗ lực nhiều năm qua lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, ngày 5/8, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo bắt đầu các cuộc không kích đầu tiên vào lãnh thổ Syria từ một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cảnh tượng chụp từ trên không vụ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima.

70 năm trước, một bé gái may mắn đã sống sót khỏi thảm kịch bom nguyên tử lịch sử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản). 70 năm sau, cô bé đã thay đổi, tuổi tác đã cao, sức khỏe yếu đi song những kí ức kinh hoàng về vụ đánh bom thảm sát đó vẫn còn nguyên vẹn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục