Đây là con số đáng báo động vừa được đưa ra tại hội nghị về châu Phi diễn ra tuần qua ở thủ đô Khartoum (Sudan), do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức.
Hội nghị diễn ra 2 năm một lần, là nơi các bộ trưởng và đại diện các bên liên quan gặp nhau để xem xét những thành tựu, thách thức, ưu tiên trong phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi.
Báo cáo về an ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới năm 2017 cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng tại Lục địa đen đã tăng từ 21% lên gần 23% trong giai đoạn 2015-2016, tương đương mức tăng từ 200 triệu người lên 224 triệu người.
Điều này đồng nghĩa với việc cứ 4 người châu Phi thì có 1 người bị suy dinh dưỡng. Trợ lý Tổng Giám đốc FAO về châu Phi Bukar Tijani cho biết, thực trạng trên là một vấn đề đáng lo ngại bởi dân số châu lục này dự kiến sẽ đạt 1,7 tỷ người vào năm 2030.
Cuối năm 2017, FAO cũng cảnh báo bất chấp lượng cung lương thực dồi dào trên toàn cầu, những đợt hạn hán, lũ lụt và xung đột kéo dài ở một số khu vực đang gia tăng và gây ra nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Ước tính 37 quốc gia trên thế giới, trong đó có 29 nước châu Phi cần phải nhận viện trợ lương thực từ bên ngoài.
Ông B.Tijani cho rằng, số người suy dinh dưỡng gia tăng và tình trạng mất an ninh lương thực liên quan trực tiếp tới tác động từ biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai như lũ lụt, hạn hán, mất mùa. 70% người dân châu Phi sống nhờ vào nông nghiệp. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với những thách thức về mặt kỹ thuật, năng lực, thiên tai, sâu bệnh.
Ngoài ra, bất ổn an ninh tại các nước như Somalia, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi cũng là nguyên nhân khiến tình hình tồi tệ hơn. Tình trạng mất an ninh lương thực cũng là nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều người phải rời bỏ nhà cửa và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác.
Nguồn lao động trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp tại châu Phi là vấn đề được các chuyên gia đặc biệt quan tâm. Với 200 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 24, đây là châu lục có dân số trẻ nhất thế giới. Ngành Nông nghiệp và nền kinh tế nông thôn có thể góp phần giải quyết thách thức từ an ninh lương thực thông qua lực lượng lao động trẻ, song yếu tố đầy tiềm năng này vẫn chưa được xem xét một cách hiệu quả.
Ngoài ra, các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng giúp người dân tiếp cận thị trường lương thực cũng là một giải pháp cần thiết với châu Phi, bởi những quốc gia tại châu lục này vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết bài toán vận chuyển sản phẩm từ các trang trại đem đi phân phối khắp toàn quốc.
Các báo cáo tại hội nghị cũng chỉ ra rằng, kinh tế châu Phi đang có sự cải thiện, với thị trường lương thực và nông nghiệp ước tính lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Điều này tạo cơ hội cho các khoản đầu tư mới vào châu lục này.
Nhiều nước đã thành công trong việc dần thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua việc kết hợp các phương pháp sản xuất nông nghiệp bền vững mới như trồng cây di động, tưới tiêu hiệu quả, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chuẩn bị các phương án dự phòng khi thời tiết khắc nghiệt, tạo chuỗi cung ứng lương thực xanh và bền vững.
(Theo HNMO)