Lực lượng Taliban đã tràn vào thủ đô Kabul, Afghanistan kể từ Chủ nhật, ngày 15/8 (theo giờ địa phương), trong bối cảnh hoảng loạn và hỗn loạn, gây sốc cho chính phủ Afghanistan và dường như đã đặt dấu chấm hết cho 20 năm hiện diện của Mỹ trên đất nước này.
Chỉ một tháng trước, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bảo vệ quyết định chấm dứt sự can dự của Mỹ ở Afghanistan, ông thậm chí còn khẳng định khó có khả năng Taliban giành được chính quyền tại quốc gia này.
"… Tôi tin tưởng vào năng lực của quân đội Afghanistan, những người được đào tạo bài bản hơn, trang bị tốt hơn và có năng lực hơn"- Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tuy nhiên, trong 7 ngày, đội quân đó đã sụp đổ!
Các thành phố quan trọng lần lượt rơi vào tay Taliban. Những người Mỹ trong nhiều năm huấn luyện lực lượng Afghanistan và chiến đấu cùng họ để ngăn chặn Taliban, giờ phải sơ tán hầu hết khỏi Đại sứ quán ở thủ đô Kabul.
Kênh truyền hình Al Jazeera ngày 15/8 đưa tin Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cùng phu nhân đã rời đất nước. Theo kênh truyền hình trên, cùng đi còn có Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan.
Đến cuối ngày, Taliban đã có mặt ở Phủ Tổng thống Afghanistan.
Khi Mỹ không còn hiện diện ở Afghanistan
Taliban đã chiếm được các vùng nông thôn, mọi thành phố lớn và giờ đây thủ đô Kabul đã thất thủ thực sự, theo tờ New York Times.
Chính quyền ở Kabul đã sụp đổ chỉ bốn tháng sau khi Washington tuyên bố hồi tháng 4 rằng Mỹ sẽ rút quân. Những chuyến bay quân sự của Mỹ được bố trí nhanh chóng để sơ tán các nhà ngoại giao Mỹ và nhân viên Đại sứ quán ở Afghanistan.
Cuộc tấn công chớp nhoáng đem đến kết quả là sự đầu hàng trên diện rộng của lực lượng chínhh phủ, và trong các đoạn băng ghi hình về cuộc tuần hành của Taliban, người ta thấy hình ảnh các trực thăng bị chiếm giữ và cả những trang thiết bị mà Mỹ trang bị cho quân đội Afghanistan trị giá hàng triệu USD cũng đã thuộc về Taliban.
Người dân xếp hàng dài ở sân bay Kabul để kịp chuyến bay thương mại cuối cùng rời Afghanistan (Ảnh: New York Times)
Trong một thỏa thuận vào tháng 2/2020 với Mỹ, Taliban đã đồng ý đàm phán với chính phủ Afghanistan về hình thức xây dựng chính phủ chia sẻ quyền lực và một lệnh ngừng bắn lâu dài. Lực lượng này cũng cam kết giảm bạo lực, đình chỉ các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt ở các thành phố và không tấn công quân Mỹ khi họ rút đi.
Những diễn biến đáng chú ý này xảy ra bất chấp việc Mỹ đã đổ hơn 83 tỷ USD vào vũ khí, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng an ninh của Afghanistan trong hơn 2 thập kỷ. Xây dựng bộ máy an ninh Afghanistan là một trong những phần quan trọng trong chiến lược của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tìm cách chuyển giao việc kiểm soát an ninh và rút quân đội về nước từ 10 năm trước, với mong muốn tạo ra một đội quân được mô phỏng theo hình ảnh của quân đội Mỹ.
Sau khi lực lượng của mình bao vây thủ đô Kabul ngày 15/8, thủ lĩnh của Taliban ở Doha (Qatar) cho biết lực lượng Taliban đã ra lệnh cho các tay súng kiềm chế gây ra bạo lực tại thủ đô Kabul, mở đường thoát an toàn cho bất cứ ai lựa chọn việc ra đi, yêu cầu phụ nữ đi tới các khu vực được bảo vệ.
Khi tuyên bố đã bao vây thủ đô Kabul, lực lượng Taliban cũng tuyên bố không có ý định chiếm thủ đô bằng vũ lực, đồng thời khẳng định "sẽ không có ai bị đe dọa mạng sống, tài sản và phẩm giá; cuộc sống của người dân Kabul sẽ không gặp nguy hiểm". Theo đó, Taliban cam kết đảm bảo an ninh cho các quan chức chính phủ cho đến khi hoàn tất tiến trình chuyển giao quyền lực, các thành viên lực lượng Afghanistan được phép trở về nhà. Sân bay, bệnh viện, các dịch vụ khẩn cấp cũng sẽ không bị gián đoạn. Một quan chức trong lực lượng Taliban cho biết người nước ngoài tại Kabul có thể rời đi nếu muốn, hoặc có thể đến đăng ký lưu trú với chính quyền mới trong vài ngày tới.
Bản đồ các khu vực dưới sự kiểm soát của lực lượng Taliban sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Bên trái là bản đồ thể hiện tình hình vào 5/5. Bên phải là bản đồ thể hiện tình hình vào 14/8. Màu cam sẫm là khu vực do Taliban kiểm soát. Màu cam nhạt là khu vực tranh chấp. Màu trắng là khu vực do chính phủ kiểm soát. (Ảnh: New York Times)
Vì sao Afghanistan thất thủ?
Về lý thuyết, quân chính phủ Afghanistan áp đảo Taliban. Trên giấy tờ, lực lượng an ninh của Afghanistan có khoảng 300.000 người, gồm có quân đội, không quân và cảnh sát. Song trên thực tế, chính quyền Kabul luôn phải chật vật với công tác tuyển mộ, xây dựng lực lượng để đạt mục tiêu về quân số.
Quân chính phủ cũng có ưu thế về cả nguồn lực tài chính và vũ khí. Trong gần 20 năm qua, Afghanistan nhận được nguồn tiền lớn từ Mỹ, dùng để trả lương, huấn luyện, mua sắm vũ khí.
Ở chiều ngược lại, dù quân Taliban ít hơn quân chính phủ nhưng thực tế họ lại tỏ ra mạnh hơn so với những dữ liệu chính thức. Học viện Quân sự West Point của Mỹ ước tính Taliban có khoảng 60.000 thành viên. Nhưng bên cạnh đó họ có mạng lưới các nhóm vũ trang và những người ủng hộ Taliban, đưa quân số của phong trào này có thể vượt quá 200.000 người. Quân Taliban mới đây cũng có thêm lượng vũ khí, khí tài chiếm được từ lực lượng an ninh Afghanistan, một phần đáng kể trong số này do Mỹ viện trợ như xe quân sự Humvee, súng máy, pháo, súng cối, kính quan sa ban đêm…
Các binh lính Taliban có vũ trang bên ngoài khách sạn Intercontinental ở Kabul hôm 15/8. Họ được lệnh không làm hại đến dân thường (Ảnh: New York Times)
Như vậy nếu so sánh về lực lượng và nguồn lực, có thể thấy quân đội chính phủ vẫn áp đảo Taliban. Thế nhưng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định rút những binh lính Mỹ còn lại về nước, 300.000 binh lính Afghanistan đã nhanh chóng gục ngã. Các chuyên gia phân tích cho rằng dù chính quyền Afghanistan đã nhận được những khoản tiền khổng lồ song thực tế nguồn tiền đã được sử dụng như thế nào, bị thất thoát ra sao và có thực chất hay không là điều cần làm rõ.
Cũng theo New York Times, binh sĩ và cảnh sát Afghanistan lộ rõ thất vọng, tức giận trước giới lãnh đạo khi cho rằng họ bị làm ngơ trước những yêu cầu cơ bản. Các binh sĩ than phiền về việc không được trả lương hoặc không nhận được lương thực, đạn dược. Điều này có thể là nguyên nhân tại sao Taliban nhanh chóng chiếm được rất nhiều thành phố, tỉnh lỵ ở Afghanistan chỉ sau hơn một tuần.
Một chiếc trực thăng rời Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm 15/8. Đến cuối ngày, đại sứ quán Mỹ bị đóng cửa, cờ bị hạ xuống (Ảnh: New York Times)
Còn quá sớm để nói về tương lai mới của Afghanistan
Ngay sau khi chiếm quyền tại Kabul, người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban, ông Mohammad Naeem, khẳng định rằng phong trào này không mong muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế.
Phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera, ông Naeem cho hay Taliban hiện có một số kênh liên lạc với các quốc gia bên ngoài và mong muốn phát triển những kênh này. Trước đó, người phát ngôn này cho biết không cơ quan ngoại ngoại giao hay bất kì trụ sở nào ở Afghanistan bị lực lượng này biến thành mục tiêu, khẳng định Taliban sẽ đảm bảo an toàn cho công dân và các phái bộ ngoại giao. Người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban khẳng định lực lượng này "sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia". Theo đó, Taliban sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại.
Người dân hỗn loạn đi rút tiền mặt tại ngân hàng ngay khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul (Ảnh: New York Times)
Một người đàn ông bị đám đông giẫm đạp bên ngoài một ngân hàng ở Kabul vào 15/8 khi hàng trăm người đổ xô đi rút tiền mặt (Ảnh: New York Times)
Hiện cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một hiện hữu. Khoảng 400.000 thường dân tại Afghanistan đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ đầu năm nay, nhất là khi Taliban mở rộng chiến dịch tấn công từ hồi tháng 5.
Nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức, Đan Mạch… đang gấp rút sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân khỏi quốc gia Nam Á này. Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng cường thêm binh lính triển khai ở Afghanistan để hỗ trợ việc sơ tán. Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden dường như vẫn không thay đổi lập trường về việc rút quân khỏi Afghanistan.
(Theo VTV)