Đông Nam Á tìm cách khôi phục ngành du lịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/9/2021 | 9:22:49 AM

Các quốc gia Đông Nam Á đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để khôi phục ngành du lịch và phục hồi kinh tế.

Người dân Thái Lan xếp hàng chờ tiêm vaccine tại thủ đô Bangkok.
Người dân Thái Lan xếp hàng chờ tiêm vaccine tại thủ đô Bangkok.

Thái Lan

"Đất nước của những nụ cười" đang một lần nữa tìm cách quyến rũ thế giới sau mười tám tháng phải áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19 gắt gao khiến ngành du lịch gần như sụp đổ. Giới chức Thái Lan cho biết sẽ cho phép những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine không phải trải qua thời gian cách ly bắt buộc tại thủ đô Bangkok và chín khu vực khác kể từ ngày 1/11 tới.

Chín khu vực được liệt kê trong danh sách bao gồm các địa điểm du lịch nổi tiếng như Chiang Mai, Phangnga, Krabi, Hua Hin, Pattaya, and Cha-am. Đây là sự mở rộng của chính sách thúc đẩy du lịch sau khi đã được áp dụng thí điểm thành công ở đảo Phuket và Samui từ hồi tháng 7 vừa qua.

Không chỉ giới hạn chính sách nới lỏng với những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine, chính phủ Thái Lan còn dự định giảm thời gian cách ly trên toàn quốc với du khách kể từ ngày 1/10, theo đó thời gian cách ly sẽ được giảm xuống còn bảy ngày với những người đã tiêm một mũi vaccine và mười ngày với những ai chưa được tiêm chủng.

Năm 2019, Thái Lan đã thu hút được 40 triệu du khách quốc tế, và nước này kì vọng sẽ sớm đạt được con số trên một khi đại dịch đã cơ bản được khống chế.

Malaysia

Hãng hàng không Malaysia (MAB) vừa tung ra chương trình kích cầu du lịch nội địa, theo đó sẽ có 6500 người dân Malaysia được nhận các voucher trị giá 100 ringgit có giá trị sử dụng đến ngày 31/12. Trước đó, MAB đã phát hành các tấm vé máy bay giảm giá trên tất cả các tuyến bay nội địa, chương trình kéo dài đến ngày 8/12.

Giám đốc marketing của MAB, bà Lau Yin May, bày tỏ sự tin tưởng rằng các gói kích thích này sẽ mang lại hiệu quả.

"Chúng tôi đã nhận thấy xu hướng tích cực trong việc đặt mua vé máy bay, điều thể hiện niềm tin của khách hàng đối với việc du lịch và chúng tôi tin chắc rằng việc mở thêm các địa điểm du lịch trong nước sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phục hồi của ngành du lịch và kinh tế của đất nước".

Bên cạnh các chương trình giảm giá, chính phủ Malaysia khuyến khích các địa phương đẩy mạnh các dịch vụ homestay, chế tạo các đồ thủ công và các tour du lịch sinh thái nhằm thu hút khách du lịch. Trước đó, vào ngày 16/9, chính phủ Malaysia đã mở thí điểm các tour du lịch đến đảo Langkawi đối với những du khách đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Các du khách được yêu cầu thực hiện kiểm tra COVID-19 48 giờ trước khi khởi hành và phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính tại sân bay hoặc bến phà.

Cũng giống như các nước Đông Nam Á, ngành du lịch Malaysia đã chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Khách sạn Malaysia, tỷ lệ phòng trống ở nước này vẫn sẽ duy trì ở mức rất cao là trên 70% cho đến cuối năm 2021, và tỷ lệ này có thể sẽ được cải thiện đôi chút trong năm 2022.

Năm 2019, ngành du lịch đã tạo ra 3,6 triệu việc làm, chiếm 23,6% tổng lao động.

Indonesia

Quốc gia từng là tâm dịch của Châu Á đang xem xét một cách thận trọng việc nối lại các tour du lịch cho du khách quốc tế. Indonesia dự kiến cho phép du khách trở lại hòn đảo Bali nổi tiếng từ đầu tháng 10, nhưng cần thực hiện các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ, bao gồm cung cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, trải qua ba cuộc kiểm tra COVID-19 trước khi đến hòn đảo và sau khi đến nơi lại phải cách ly thêm 8 ngày.

Những quốc gia được chào đón bao gồm Pháp, Ukraine, Nga, Áo, Ba Lan, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore và Nhật Bản.

Bộ trưởng Kinh tế sáng tạo và Du lịch Indonesia, ông Sandiaga Uno, cho biết nước này cần cẩn trọng trước các biến thể mới.

"Chúng tôi không muốn mất cảnh giác, điều sẽ cho phép các biến thể như Delta lọt vào trong nước".

Việc mở cửa du lịch chưa phải là ưu tiên lớn nhất của Indonesia vào lúc này, sau khi nước này vừa trải qua đợt bùng phát tồi tệ khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Hiện nay trên khắp Indonesia mới chỉ có hai thành phố là Jakarta và Manado tiếp nhận các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, Indonesia sẽ xem xét mở thêm các đường bay và giảm số ngày cách ly bắt buộc từ 8 ngày xuống còn 5 ngày.

Singapore

Singapore là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á áp dụng chính sách sống chung với COVID-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Bất chấp số người mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây, chính phủ Singapore vẫn kiên định với chính sách đã đề ra.

Do diện tích nhỏ hẹp và dân số ít hơn 6 triệu người, nguồn thu nhập của ngành du lịch Singapore dựa chủ yếu vào du khách quốc tế. Ngày 8/9, Singapore đã cho phép những du khách Đức đã tiêm hai mũi vaccine được nhập cảnh mà không phải trải qua thời gian cách ly nếu vượt qua được các cuộc kiểm tra COVID-19. Đây là những vị khách quốc tế đầu tiên đến Singapore sau 18 tháng kể từ khi dịch bùng phát. Nếu chương trình thí điểm này thành công, Singapore sẽ mở cửa cho thêm nhiều quốc gia khác.

Ngoài ra, Singapore còn cho phép những người đi du lịch ngắn hạn từ Macau, Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục và Đài Loan được nhập cảnh nước này mà không cần phải chứng minh đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Trong thời gian tới, Singapore sẽ xem xét mở cửa biên giới hạn chế với Malaysia, áp dụng cho những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine.

Philippines

Hiệp hội Marketing và Khách sạn giảm giá tại Philippines đã tung ra gói giảm giá lớn nhất từ trước đến nay nhằm khôi phục ngành du lịch. Những khách du lịch nội địa có thể giảm giá phòng tới 70% tại 80 khách sạn nếu tham gia vào chương trình "Giảm giá trực tuyến tháng 9".

Bộ Du lịch Philippines cũng sẽ thực hiện chương trình "Nhiều niềm vui đang chờ đợi" nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, theo đó Philippines sẽ mở hàng loạt các địa điểm và tour du lịch mới. Hiện nay đã có trên 51% lao động trong ngành du lịch Philippines đã tiêm vaccine. Còn tính riêng tại thủ đô Manila, tỷ lệ lao động ngành du lịch và khách sạn được tiêm vaccine đạt tới trên 94%.

(Theo VTV)

Các tin khác
Từ trái qua: Các ứng viên Taro Kono, Fumio Kishida, Sanae Takaichi và Seiko Noda trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 17/9.

Ngày 29/9, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tổ chức bỏ phiếu để bầu chủ tịch mới, gần như đồng nghĩa với việc chọn ra thủ tướng mới của Nhật Bản. Cuộc cạnh tranh những ngày trước bỏ phiếu diễn ra quyết liệt khiến giới chuyên gia khó đoán ứng viên nào có cơ hội lớn nhất.

Ảnh minh họa: Reuters

Lựa chọn của Australia trong việc đứng về phía Mỹ và chống lại Trung Quốc được đánh giá là “ván bài chiến lược lớn nhất trong lịch sử” Australia. Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào cũng đều phải trả bằng “cái giá” nhất định.

Người dân theo dõi một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên được phát qua truyền hình ở nhà ga Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo KCNA, Viện Hàn lâm Khoa học quốc phòng Triều Tiên sáng 28/9 đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới Hwasong-8 tại Toyang-ri, thuộc huyện Ryongrim của tỉnh Jagang.

Thủ tướng Haiti Ariel Henry vừa công bố sắc lệnh sa thải 9 thành viên của CEP.

Các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân về hiến pháp dự kiến diễn ra trong vài tháng tới tại Haiti đã bị trì hoãn vô thời hạn sau khi 9 thành viên trong Hội đồng Bầu cử lâm thời (CEP) của nước này bị Thủ tướng Ariel Henry sa thải ngày 27/9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục