83 người chết trong vụ đánh bom thánh đường Hồi giáo Pakistan

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/1/2023 | 3:17:49 PM

Số người chết trong vụ đánh bom tự sát ở thánh đường Hồi giáo thành phố Peshawar hôm 30/1 đã tăng lên 83, nhiều nạn nhân đang nguy kịch.

Hiện trường vụ đánh bom liều chết thánh đường Hồi giáo ở thành phố Peshawar, thủ phủ tỉnh Khyber Pakhtunkhw, tây bắc Pakistan ngày 30/1.
Hiện trường vụ đánh bom liều chết thánh đường Hồi giáo ở thành phố Peshawar, thủ phủ tỉnh Khyber Pakhtunkhw, tây bắc Pakistan ngày 30/1.

Muhammad Asim Khan, phát ngôn viên bệnh viện Lady Reading ở Peshawar, thủ phủ tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở tây bắc Pakistan, hôm nay cho biết nhiều thi thể được chuyển đến trong đêm, nâng số người chết trong vụ đánh bom tự sát từ 32 lên 83. Con số này có thể tiếp tục tăng lên, bởi nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.

"Hầu hết nạn nhân thiệt mạng là cảnh sát", Asim Khan nói, thêm rằng ít nhất 20 cảnh sát đã được chôn cất sau lễ cầu nguyện, với những chiếc quan tài được xếp thành hàng và phủ cờ Pakistan.

Ghulam Ali, thống đốc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, cho biết cuộc điều tra sẽ được tiến hành để xác định kẻ đánh bom tự sát đã xâm nhập thánh đường Hồi giáo như thế nào. "Đã có lỗ hổng an ninh", ông cho biết thêm.

Giới chức chưa xác định được cá nhân hay tổ chức nào đứng sau vụ đánh bom, dù Sarbakaf Mohmand, chỉ huy Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), nhóm vũ trang Hồi giáo bị cấm ở Pakistan, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

"Sáng nay chúng tôi sẽ dỡ bỏ phần cuối cùng của mái nhà bị sập để có thể đưa thêm thi thể ra khỏi đống đổ nát, nhưng chúng tôi không hy vọng tìm thấy bất kỳ người sống sót nào", Bilal Ahmad Faizi, phát ngôn viên tổ chức cứu hộ, cho hay.

Kẻ tấn công kích nổ đai bom tự sát khi khoảng 300 tín đồ đang tập trung bên trong thánh đường Hồi giáo hôm 30/1. Vụ nổ lớn làm một bức tường đổ sập xuống nơi nhiều người đang hành lễ.

Thánh đường xảy ra vụ đánh bom nằm trong khu vực an ninh cao, nơi đặt trụ sở của cảnh sát và đơn vị chống khủng bố tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Đây là vụ tấn công mới nhất nhằm vào lực lượng an ninh ở Peshawar, cũng là vụ đánh bom đẫm máu nhất tại khu vực này kể từ sau cuộc tấn công tự sát của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến 58 người chết hồi tháng 3/2022.

Shahid Ali, một cảnh sát sống sót sau vụ tấn công, cho biết vụ nổ xảy ra vài giây sau khi buổi cầu nguyện bắt đầu. "Tôi thấy khói đen bốc lên và chạy ra ngoài nên thoát nạn", người đàn ông 47 tuổi cho hay.

Các tỉnh trên khắp Pakistan đang được đặt trong tình trạng báo động cao sau vụ đánh bom, với các trạm kiểm soát được tăng cường. Tại thủ đô Islamabad, các tay súng bắn tỉa đã được triển khai trên các tòa nhà và lối vào thành phố.

"Những kẻ khủng bố muốn tạo ra nỗi sợ hãi bằng cách nhắm mục tiêu vào những người thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Pakistan", Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết trong một tuyên bố.

Vụ tấn công xảy ra cùng ngày Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohamed bin Zayed Al Nahyan dự định đến thăm Islamabad, nhưng chuyến đi đã bị hủy phút chót do thời tiết xấu. Pakistan cũng đang chuẩn bị tiếp đón phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong nỗ lực đạt thỏa thuận về khoản cứu trợ quan trọng để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ sắp xảy ra.

Peshawar nằm gần biên giới với Afghanistan, là nơi nhiều phiến quân Hồi giáo vẫn hoạt động mạnh suốt nhiều năm qua. Một trong số đó là TTP, nhóm vũ trang Hồi giáo từng thực hiện hàng chục vụ tấn công đẫm máu khiến hàng trăm người chết ở Pakistan từ năm 2007.

TTP là thực thể độc lập với lực lượng Taliban ở Afghanistan, nhưng có chung hệ tư tưởng. Họ từng kiểm soát nhiều khu vực ở biên giới Pakistan - Afghanistan và áp đặt luật Hồi giáo tại khu vực này. Các tay súng TTP bị đẩy khỏi Pakistan sang nước láng giềng Afghanistan từ năm 2010, nhưng đang dần xuất hiện trở lại sau khi Taliban giành lại quyền lực hồi tháng 8/2021.

Tổ chức này hồi tháng 11/2022 tuyên bố hủy lệnh ngừng bắn với chính phủ Pakistan và ra lệnh cho các tay súng mở các cuộc tấn công trên khắp lãnh thổ.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2022.

Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập cuộc họp khẩn sau khi Nga công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Hai đối thủ của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha là ông Prawit Wongsuwan (trái) và bà Paetongtarn Shinawatra (phải).

Có vẻ như cuộc khủng hoảng chính trị từ năm ngoái ở Thái Lan đang được giải quyết bằng cuộc tổng tuyển cử ngày 14-5 tới.

Người biểu tình Israel xuống đường trong đêm muộn.

Ngày 26/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, châm ngòi cho một đợt biểu tình quy mô lớn. Trước đó, ông Gallant quay lưng với chính phủ để kêu gọi dừng kế hoạch cải cách tư pháp gây chia rẽ.

Nhiều quốc gia châu Phi đang thiếu các dịch vụ nước uống an toàn.

Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên hợp quốc bế mạc cuối tuần qua sau khi thông qua một kế hoạch hành động “cột mốc” với gần 700 cam kết nhằm bảo vệ “lợi ích chung toàn cầu quý giá nhất của nhân loại”. Sự kiện được đánh giá là cơ hội để tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề về nước và tránh một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục