Ngày 2/1 vừa qua, trên internet xuất hiện một video ghi cảnh một nam giới bị lực lượng an ninh nội địa Nga bắt giữ và đã thú nhận mình phạm tội. Người này thừa nhận đã đăng tải lên mạng xã hội một video về hệ thống phòng không gần thành phố Belgorod của Nga. Thành phố này là mục tiêu của các cuộc tấn công của Ukraine cùng ngày hôm đó.
Điều đáng chú ý là 2 nhân viên an ninh nội địa mặc áo jacket có in chữ Smersh (bằng chữ cái Nga) ở lưng áo.
Trong lịch sử, Liên Xô từng có một cơ quan phản gián mang tên Smersh do lãnh tụ Stalin lập ra trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Ban đầu Smersh được thành lập để tập trung đối phó gián điệp Đức hoạt động bên trong lãnh thổ Liên Xô thời Thế chiến II. Trước khi cơ quan này ra đời vào tháng 4/1943, hoạt động phản gián của Liên Xô do Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) đảm trách.
Về sau, hoạt động phản gián được giao cho Tổng cục III của Bộ Dân ủy Quốc phòng Liên Xô (GUKR-NKO). Cơ quan này được Stalin đặt tên lại thành Smersh. Trong tiếng Nga, từ này có nghĩa là "tiêu diệt gián điệp”. Cái tên này được cho là nhằm gây kinh sợ đối phương.
Nhiệm vụ chính của Smersh là để phanh phui các gián điệp, kể cả trong Hồng quân cũng như dân chúng.
Các hồ sơ được giải mật của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cho thấy, Smersh từng nhận diện được tới… 30.000 gián điệp Đức trong Hồng quân và bắt giữ nhiều quân nhân Liên Xô.
Smersh được giải tán vào năm 1946 sau khi hoàn thành sứ mệnh chính thời chiến.
Tuy nhiên, nước Nga hiện nay đang đối diện với các thách thức trong xung đột Ukraine khiến họ phải khôi phục lại đơn vị này.
Lập Smersh nhằm chống phá hoại ngầm ở các "vùng lãnh thổ mới”
Vào tháng 3/2023, Sergey Aksyonov - lãnh đạo do Nga bổ nhiệm để quản lý bán đảo Crimea, đã đề xuất tạo ra một tổ chức phản gián gợi nhớ lại Smersh. Ông đưa ra đề xuất như vậy do lo ngại "đội quân thứ 5” (hàm ý lực lượng ngầm chống phá) đang hoạt động bên trong Crimea.
Trung tướng Andrei Gurulev thuộc Ủy ban quốc phòng của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cho rằng, một cơ cấu tương tự Smerch thuở trước nên hoạt động trở lại ở Nga. Ông nói: "Ngày nay đối phương đang cố gắng can thiệp vào hoạt động của chúng ta ở các khu vực hậu tuyến. Ở vùng Viễn Đông, chúng ta có tàu ngầm hạt nhân và các chiến hạm mặt nước. Những con tàu này cũng có thể gặp nguy hiểm nên chúng ta cần tiếp cận vấn đề bảo vệ theo cách thức hơi khác một chút”.
Đề xuất của Aksyonov được thực hiện vào ngày 4/12/2023, khi Trung tướng Andrei Gurulev công bố hồi sinh Smersh trong "các lãnh thổ mới”. Tướng Gurulev cho biết, tổ chức Smersh mới sẽ là một cơ quan "hoạt động trong các vùng lãnh thổ mới tương tự như Smersh thời Liên Xô”. Ở đây "lãnh thổ mới” ám chỉ các vùng mà Nga mới sáp nhập từ Ukraine.
Động thái này cho thấy Nga hiện đang gặp phải một số khó khăn thực sự cần phải giải quyết.
Ở các vùng mà Nga mới kiểm soát cũng như các vùng lãnh thổ Nga sát Ukraine, ngày càng có nhiều báo cáo về hoạt động sau chiến tuyến, được thực hiện bởi các lực lượng, nhóm hoặc cá nhân làm việc cho Kiev.
Chẳng hạn, vào tháng 11/2023, vô số hãng truyền thông Nga đưa tin về hoạt động phá hoại ngầm do các nhóm trinh sát Ukraine thực hiện.
Thách thức mà cơ quan an ninh nội địa Nga đối diện mở rộng ra bên ngoài các vùng cận kề Ukraine, như là Belgorod. Hồi tháng 12/2023, cũng có thông tin về một vụ tấn công nhằm vào tuyến đường sắt ở Siberia (được cho là nhằm ngăn chặn các tuyến tiếp tế quân sự của Nga).
Trong thế kỷ 20, nhóm Smersh từng ngăn được nhiều âm mưu ám sát các quan chức Xô viết, bao gồm cả lãnh tụ Stalin, theo hãng truyền thông Lenta của Nga.
Lenta dẫn lời một thành viên kỳ cựu của Smersh giải thích chi tiết về cách thức các thành viên nhóm này ngăn ngừa các tài liệu mật khỏi bị rơi vào tay quân thù thời Thế chiến.
Pelageya Semina nói: "Điều tôi nhớ nhất là cách chúng tôi được đào tạo để tiêu hủy tài liệu mật nếu như chúng có nguy cơ bị đối phương chiếm được - cứ thế mà ăn nuốt… Họ dạy cho chúng tôi cách xé nhỏ tài liệu, cho vào miệng nhai kỹ rồi nuốt”.
(Theo VOV)