Những ngày qua, nông dân Pháp đã đổ các thùng sản phẩm nhập khẩu ra đường và dựng nhiều rào chắn trên tuyến cao tốc chính nối thủ đô Paris với thành phố Lille ở phía Bắc đất nước. Liên minh các hội nông dân địa phương cũng kêu gọi người tham gia biểu tình dựng rào chắn trên các ngả đường ở bên trong và xung quanh Paris. Đây là lần đầu tiên trong năm 2024 vùng thủ đô của Pháp rơi vào tình trạng gián đoạn giao thông quy mô lớn do biểu tình của nông dân. Trước đó, ngày 25-1, hàng trăm chiếc máy kéo đã chặn ngang đường cao tốc A16 nối Pháp với Bỉ.
Những gì xảy ra lúc này bắt nguồn từ bức xúc dai dẳng của nông dân Pháp. Gần một năm trước, hàng nghìn nông dân đã kéo đến Quảng trường Invalides (gần trụ sở Bộ Nông nghiệp Pháp ở Paris), để phản đối gánh nặng từ chi phí sản xuất, giá năng lượng tăng vọt đến các quy định gắt gao về sử dụng thuốc trừ sâu khiến giao thông vùng thủ đô Paris ùn tắc hàng trăm kilômét.
Giữa tháng 11-2023, nông dân Pháp đã triển khai nhiều cuộc biểu tình dưới sự dẫn dắt của Liên minh quốc gia Các nghiệp đoàn Nông dân (FNSEA) và Nghiệp đoàn Nông dân trẻ (SJA). Giữa tháng 1-2024, phong trào biểu tình trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Bắt đầu từ Toulouse, phong trào lan rộng ra các địa phương. Các nghiệp đoàn nông dân cho biết, để tăng cường áp lực với chính phủ, phong trào biểu tình sẽ mở rộng ra miền Bắc nước Pháp trong những ngày tới đây.
Lần này, yêu sách của nông dân Pháp cao hơn nhiều, với những phát biểu bày tỏ sự "ngạt thở” trước các chính sách quản lý của chính phủ. Theo đó, người nông dân Pháp đang phải chịu quá nhiều quy định chồng chéo tạo ra những thủ tục hành chính phức tạp, "không phù hợp với thực tế," đặc biệt là các điều khoản chiểu theo tiêu chuẩn của Thỏa thuận Xanh châu Âu. Sáng kiến chính trị được Ủy ban châu Âu (EC) hậu thuẫn này buộc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải thực hiện quá trình chuyển đổi sinh thái.
Cùng với đó là những yếu tố "đổ dầu vào lửa", như giá nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao làm sụt giảm lợi nhuận của nhiều nông trang. Đầu năm 2024, thêm một thông tin không vui đối với bất cứ người dân lao động nào tại Pháp, đó là việc hóa đơn tiền điện sẽ tăng 8-9%. Nhiều nông dân cho biết chỉ kiếm được 500 euro/tháng trong khi phải lao động vất vả 60 tiếng mỗi tuần, cùng hàng giờ giải quyết đống giấy tờ thủ tục hành chính về tiêu chuẩn chất lượng và nhấn mạnh rằng, họ "không sống nổi với nghề”. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Pháp được cho là chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể, khiến người nông dân cảm thấy mình giống như "những người vô hình” trong các cuộc tranh luận chính trị về hậu quả của lạm phát và khủng hoảng.
Các hiệp hội nông dân đã gửi cho Chính phủ Pháp bản yêu sách chi tiết, với yêu cầu trước mắt là hỗ trợ khẩn cấp "cho những lĩnh vực đang gặp khủng hoảng nhất", giải ngân các khoản trợ cấp thuộc khuôn khổ Chính sách Nông nghiệp chung châu Âu (CAP) và lâu dài là "từ bỏ thương mại tự do", tạo một mức thu nhập xứng đáng cho tất cả nông dân. Các hiệp hội nông dân Pháp khẳng định, yêu cầu đưa ra không phải để đàm phán, "mà là một yêu sách hoàn chỉnh” chính phủ phải thực hiện.
Rõ ràng, diễn biến thực tế đang đặt chính phủ của tân Thủ tướng Gabriel Attal trước áp lực lớn. Để tạm ổn định tình hình, Điện Elysee đã công bố một số biện pháp nhằm xoa dịu người nông dân, trong đó có việc "đơn giản hóa đáng kể" một số quy trình kỹ thuật và dần chấm dứt thuế nhiên liệu diesel cho xe nông nghiệp. Thủ tướng Gabriel Attal cũng xác nhận, Paris sẽ vẫn phản đối việc EU ký thỏa thuận thương mại tự do với nhóm Mercosur, trong bối cảnh nông dân Pháp tố cáo "sự cạnh tranh không lành mạnh” từ các nước Mỹ Latinh. Tuy nhiên, những "liều thuốc giảm đau” này chưa đủ, khi hai hiệp hội nông dân lớn của Pháp trong một động thái phản hồi đã tuyên bố tiếp tục biểu tình.
Làn sóng biểu tình của nông dân Pháp sẽ là một thách thức lớn với nhiệm kỳ của đương kim Thủ tướng Gabriel Attal, đòi hỏi phải có phương án giải quyết căn cơ, bền vững. Những giải pháp "tháo ngòi nổ” - nếu khả thi - cũng cần sớm triển khai, để tránh phong trào biểu tình của nông dân có thể kéo theo những tầng lớp khác trong xã hội Pháp.
(Theo HNMO)