Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đêm 3/12 ban bố thiết quân luật với lý do "bảo vệ đất nước trước mối đe dọa từ Triều Tiên và dẹp bỏ các thế lực chống phá nhà nước, thân Triều Tiên, cũng như bảo vệ trật tự hiến pháp tự do". Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc áp đặt tình trạng thiết quân luật trong vòng 44 năm qua.
Điều 77 Hiến pháp Hàn Quốc quy định Tổng thống có quyền ban bố thiết quân luật nhằm ứng phó với chiến tranh, thảm họa hoặc các tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Thiết quân luật tại Hàn Quốc được chia làm hai loại gồm khẩn cấp và an ninh. Tình trạng thiết quân luật mà Tổng thống Yoon ban bố là loại khẩn cấp, có hiệu lực trên toàn quốc từ 23h ngày 3/12 (21h giờ Hà Nội).
Khi tình hình thiết quân luật khẩn cấp được ban bố, chính quyền Hàn Quốc có thể áp đặt những biện pháp quyết liệt nhằm thay thế hệ thống quản trị dân sự bằng chế độ quân sự, đình chỉ các tiến trình pháp lý dân sự.
Sắc lệnh ban bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon nghiêm cấm mọi hoạt động chính trị, trong đó có họp quốc hội và các hội đồng địa phương, hoạt động của các đảng phái, hội đoàn chính trị, cũng như các cuộc tuần hành, biểu tình kích động bất ổn xã hội.
Toàn bộ các cơ quan truyền thông, báo chí được đặt dưới sự kiểm soát của Bộ tư lệnh Thiết Quân luật, quyền tự do ngôn luận bị hạn chế. Quyền lực của chính phủ và tòa án được điều chỉnh theo những điều luật liên quan.
Lệnh thiết quân luật yêu cầu các nhân viên y tế, kể cả những bác sĩ nội trú đang đình công hoặc rời bỏ vị trí, phải quay lại bệnh viện thực hiện nhiệm vụ và tiếp tục làm việc toàn thời gian trong 48 giờ, nếu không sẽ bị trừng phạt theo quy định của luật quân sự.
Những người vi phạm lệnh thiết quân luật có thể bị bắt giam, khám xét mà không cần lệnh của tòa theo Điều 9 Đạo luật Thiết Quân luật. Chính phủ của Tổng thống Yoon cam kết sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu bất tiện với người dân bình thường trong quá trình thiết quân luật.
Sau khi ban bố thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc có trách nhiệm thông báo ngay lập tức cho quốc hội. Nếu đa số nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc phải tuân thủ điều này.
Sau khi thiết quân luật được Tổng thống Yoon ban bố, đảng Dân chủ (DP) đối lập đã yêu cầu các nghị sĩ lập tức tới trụ sở quốc hội ngay trong đêm để "bảo vệ nền dân chủ" và bỏ phiếu bãi bỏ thiết quân luật.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh Hàn Quốc đã phong tỏa toàn bộ lối ra vào trụ sở quốc hội, khiến các nghị sĩ đối lập không thể vào bên trong để bỏ phiếu. Lãnh đạo DP Lee Jae-myung đã cảnh báo các đồng nghiệp về nguy cơ bị bắt theo quy định của luật quân sự.
Tổng thống Yoon nói rằng ông ban bố thiết quân luật để "bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ Triều Tiên và dẹp bỏ các thế lực chống phá nhà nước, thân Triều Tiên, cũng như bảo vệ trật tự hiến pháp tự do", đề cập tới phe đối lập tại quốc hội.
Thiết quân luật thường chỉ là biện pháp tạm thời, được ban bố trong thời gian ngắn, nhưng cũng có thể kéo dài nếu tổng thống không ra lệnh dỡ bỏ hay quốc hội thông qua nghị quyết bãi bỏ với đa số phiếu ủng hộ.
Hiện chưa rõ thiết quân luật ở Hàn Quốc sẽ kéo dài trong bao lâu. Giới quan sát cho rằng chính trường Hàn Quốc những ngày tới sẽ chứng kiến những cuộc tranh luận quyết liệt về lệnh thiết quân luật của Tổng thống.
Hàn Quốc đã 10 lần ban bố thiết quân luật, trong đó lần đầu là ngày 15/8/1948, cũng như trong cuộc nổi dậy Yeosu-Suncheon cùng năm và Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Sau thập niên 1960, chính quyền Hàn Quốc cũng nhiều lần áp đặt thiết quân luật nhằm dẹp yên rối loạn chính trị. Tuy nhiên, biện pháp này cũng từng bị lạm dụng khi đảng cầm quyền Hàn Quốc muốn duy trì quyền lực thông qua các sửa đổi hiến pháp.
Sau khi Hàn Quốc chuyển từ chính quyền quân sự sang chế độ dân chủ vào cuối thập niên 1980, thiết quân luật thường dược xem là tàn tích của quá khứ. Hiến pháp Hàn Quốc hiện chỉ cho phép ban bố thiết quân luật trong những tình huống thực sự khẩn cấp, trong khi Tổng thống Yoon vẫn chưa làm rõ được mức độ khẩn cấp trong quyết định lần này của mình.
(Theo VnExpress)