Thỏa thuận sơ bộ về gói trừng phạt thứ 17 lên Nga kể từ tháng 2/2022 - đã được ký kết vào sáng 14/5 trong cuộc họp của các Đại sứ EU và dự kiến sẽ được các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khối chính thức phê duyệt vào tuần tới.
Hungary - nước từng chỉ trích gay gắt các hạn chế kinh tế nhằm vào Nga, trong năm nay đã hai lần gần như chặn việc gia hạn các hạn chế này - không phản đối gói trừng phạt mới. Những cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên diễn ra mà không có bất kỳ tranh cãi lớn nào.
"Cuộc chiến này phải kết thúc. Chúng tôi sẽ duy trì áp lực cao đối với Nga" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố.
Một lần nữa, mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt là "hạm đội bóng tối" - mà Điện Kremlin đã triển khai để lách các hạn chế của phương Tây đối với hoạt động buôn bán dầu mỏ và duy trì nguồn thu nhập quan trọng nhằm tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Hạm đội này bao gồm các tàu cũ, không có bảo hiểm, bị nghi ngờ có hành vi gian dối - bao gồm truyền dữ liệu giả mạo, tắt máy phát tín hiệu để trở nên "vô hình" và thực hiện nhiều lần chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác nhằm che giấu nguồn gốc của các thùng dầu. Các tàu này cũng đang bị giám sát vì tham gia vào hoạt động phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng.
Cho đến nay, khối này đã nhắm mục tiêu vào 153 tàu chở dầu từ "hạm đội bóng tối" của Nga, tất cả đều bị từ chối tiếp cận các cảng và dịch vụ của EU. Lệnh trừng phạt mới bổ sung thêm 189 tàu, nâng tổng số lên hơn 350.
Thỏa thuận hôm 14/5 cũng đưa 75 cá nhân và thực thể có liên quan đến tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và hơn 30 công ty - bao gồm một số công ty ở Kazakhstan, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - vào danh sách đen. Các cá nhân và thực thể này bị nghi ngờ cung cấp cho Moscow các mặt hàng sử dụng kép mà phương Tây đã cấm.
Đường đi của dầu mỏ Nga
Thỏa thuận cũng cấm xuất khẩu các hóa chất do EU sản xuất có thể được sử dụng để sản xuất tên lửa.
Khi gói trừng phạt thứ 17 gần như đã hoàn thành, Brussels sẽ xem xét bước tiếp theo.
Việc thiếu tiến triển trên mặt trận ngoại giao đã thúc đẩy lời kêu gọi trên khắp châu Âu về việc thắt chặt áp lực kinh tế đối với Nga như một cách để buộc Moscow phải chấp nhận lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã không tỏ ra sẵn sàng tham gia vào đề xuất này.
"Chúng tôi có thể xác nhận rằng nếu không có lệnh ngừng bắn, chúng tôi có thể xem xét các lệnh trừng phạt tiếp theo" - một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết vào ngày 13/5.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu các ngành dịch vụ tài chính, dầu khí của Nga là những mục tiêu trừng phạt tiềm năng.
"Mục tiêu của châu Âu là yêu cầu Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn 30 ngày trên bộ, trên không và trên biển, để thảo luận về vấn đề lãnh thổ và đảm bảo an ninh cho Ukraine" - ông Macron cho biết.
(Theo VTV)