Ấn Độ khốn đốn vì đứt cáp biển
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2008 | 12:00:00 AM
Hai tuyến cáp quang nối qua biển Địa Trung Hải đã bị trục trặc và mất tín hiệu từ ngày 31/1 khiến cho lưu lượng Internet của Trung Đông và một phần châu Á bị ảnh hưởng nặng nề.
Sơ đồ tuyến cáp biển SEA-ME-WE 4.
|
Ấn Độ là nước bị tác động nhiều nhất bởi sự cố này khiến công ngành công nghiệp outsourcing ngay lập tức chịu những thiệt hại vô cùng lớn. Các công ty của Mỹ và châu Âu như đang ngồi trên đống lửa bởi hàng loạt các hợp đồng outsourcing của họ tại Ấn Độ không thể thực hiện theo tiến độ do sự cố trên.
"Mạng cực chậm nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng xoay xở", Anurag Kuthiala, một kỹ sư tại văn phòng Symantec ở New Delhi, cho biết.
Trong khi thiệt hại chưa được xác định thì những hậu quả ban đầu đã rõ nét: thị trường chứng khoán Dubai hoạt động ì ạch, và nỗi lo lớn nhất là hàng ngàn công nhân lao động không thể gửi tiền về nhà cho gia đình họ.
Sự cố mới nhất lại là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với hạ tầng mạng Internet toàn cầu rằng chúng rất mong manh và dễ bị tổn thương trước những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước đó, cuối năm 2006 tuyến cáp biển gần Đài Loan đã bị đứt trong một trận động đất khiến cho toàn bộ lưu lượng Internet Đông Á bị ảnh hưởng và phải mất 2 tháng mới khôi phục được hoàn toàn.
Hai tuyến cáp trên được đặt gần nhau, lần lượt có tên là FLAG Europe Asia và SEA-ME-WE 4. Hiện nguyên nhân của sự cố này vẫn chưa được xác định, tuy nhiên người ta cho rằng có thể mỏ neo của con tàu nào đó đã mắc vào.
Các quan chức Ai Cập cho biết thời tiết xấu đã ngăn cản những nỗ lực tiếp cận hai tuyến cáp bị hỏng trên. Việc sửa chữa có thể phải mất một tuần sau khi các chuyên gia sửa chữa tiếp cận được hai tuyến cáp này.
Bộ trưởng công nghệ thông tin và truyền thông Ai Cập cho biết dịch vụ Internet tại nước này đã được khôi phục 45% và có thể tăng lên 80% trong ngày 1/2.
Hai tuyến cáp FLAG Europe Asia và SEA-ME-WE 4 có chiều dài hàng trăm nghìn km dưới đáy biển. Chúng cung cấp tín hiệu cho một loạt nước bao gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Ai Cập, Qatar, Ả Rập-Xê út, UAE, Kuwait và Bahrain.
Ấn Độ là nước bị thiệt hại nhiều nhất. Hiệp hội ISP nước này cho biết công suất outsourcing đã giảm một nửa. Đây là ngành công nghiệp IT chính của Ấn Độ mỗi năm mang về hàng tỉ USD.
TeleGeography, một hãng nghiên cứu chuyên về cáp biển của Mỹ, cho biết vụ đứt cáp trên khiến cho đường truyền Internet từ Trung Đông tới châu Âu giảm 75%.
Hiện tại các nỗ lực khắc phục đang được triển khai, tuy nhiên do thời tiết xấu nên các cơ quan chủ quản vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm khôi phục hai tuyến cáp trên.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
"Nga là một quốc gia có chủ quyền và chúng ta sẽ không cho phép bất cứ ai thao túng chiến dịch vận động bầu cử từ bên ngoài". Ngày 30-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố như trên khi ra lệnh cho Cơ quan An ninh liên bang (FSB) tăng cường cảnh giác chống lại bất cứ âm mưu nào của người nước ngoài nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 2-3 tới.
Abu Laith al-Libi, một tướng lĩnh hàng đầu của al-Qaida cũng là kẻ chịu trách nhiệm về vụ đánh bom một căn cứ ở Afghanistan khi Phó Tổng thống Mỹ đang có mặt ở đó, đã bị tiêu diệt ở Pakistan trong một cuộc không kích, một quan chức chính phủ Mỹ hôm qua 31/1 cho biết.
Sáng 31/1, hai tiếng nổ lớn cách nhau vài phút phá huỷ hoàn toàn một cơ sở chế tạo pháo hoa không có giấy phép ở ngoại ô thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, làm chết 20 người và 117 người khác bị thương.
Các bộ trưởng năng lượng 8 nước châu Âu, dẫn đầu là Pháp và Đức, ngày 31-1, đã gửi đơn kiến nghị lên Ủy ban châu Âu (EC) phản đối kế hoạch phân chia các tập đoàn năng lượng. Lá đơn kiến nghị bày tỏ mối lo ngại về đề xuất của EC muốn "tách rời" quy trình sản xuất năng lượng và phân chia các hoạt động này nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên lĩnh vực năng lượng trong bối cảnh giá cả leo thang đột biến.