Hãng tin AP dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng phe đối lập có thể giành được 35-38 trong số 222 ghế quốc hội mới, gấp đôi so với con số 19 hiện tại. Liên minh Barisan đã lãnh đạo Malaysia kể từ năm 1957 do phe đối lập yếu và bị chia rẽ về tư tưởng. Tuy nhiên, năm nay Barisan sẽ phải đối mặt với những lá phiếu chống đối do tình trạng giá tiêu dùng tăng cao, cũng như những căng thẳng về chủng tộc và tôn giáo.
"Người dân đang trở nên ngán ngẩm - Hãng tin Reuters dẫn lời doanh nhân Sharil Azul - Giá cả cao kéo chi phí sinh hoạt tăng vọt, ngay cả giá sữa bột cho trẻ em cũng tăng. Chúng tôi muốn phe đối lập có cơ hội. Có thể họ sẽ làm một điều gì đó tốt hơn". Còn ông R.Munusamy, người gốc Ấn, nhấn mạnh: "Họ (chính quyền) không quan tâm đến người dân. Nhiều lời hứa đã không trở thành hiện thực".
Ngoài lạm phát, chính quyền của Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi còn bị phê phán là không mạnh tay với tình trạng tham nhũng và tội phạm, đặc biệt là gây căng thẳng giữa người gốc Malay đa số và người gốc Trung Quốc và Ấn Độ thiểu số. Thời gian gần đây, hàng loạt vụ kiện cáo liên quan đến tôn giáo giữa các cộng đồng luôn được xử với phần thắng nghiêng về người gốc Malay. Trong khi đó, người gốc Ấn đang giận giữ khi hàng loạt đền Hindu bị chính quyền ra lệnh phá hủy hồi năm ngoái.
Phản ứng lại, Thủ tướng Abdullah khẳng định bất ổn và hỗn loạn sắc tộc sẽ xảy ra nếu người dân từ bỏ liên minh Barisan. Reuters cho biết hiện Barisan chiếm 90% số ghế quốc hội. Các chuyên gia dự báo ghế thủ tướng của ông Abdullah có thể bị lung lay nếu sau bầu cử liên minh Barisan chỉ còn lại dưới 80% số ghế.
(Theo TTO)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu