Từ sự việc người dân xô xát với doanh nghiệp
Sự việc xảy ra vào ngày 31/5/2008. Khi Công ty cổ phần Hà Quang (trụ sở tại Hà Nội) tiến hành làm đường lên mỏ để khai thác quặng sắt tại thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng thì có khoảng 30 người dân ở thôn Nậm Chậu ngăn cản không cho Công ty làm đường lên mỏ. Đến ngày 2/6/2008, lại có khoảng 40 người dân ở thôn Nậm Chậu và Sài Lương tiếp tục ngăn cản hoạt động của Công ty cổ phần Hà Quang, mặc dù trước đó Công ty Hà Quang đã phối hợp với UBND xã Nậm Búng tổ chức họp với đại diện thôn và nhân dân ở 2 thôn Nậm Chậu và Sài Lương để đền bù cho một số hộ dân ở 2 thôn này và Lâm trường Văn Chấn với tổng số tiền 131 triệu 549 ngàn đồng (40% đền bù cho Lâm trường Văn Chấn và 60% đền bù cho các hộ dân). Nhưng nhiều hộ dân vẫn không đồng tình với mức đền bù của Công ty Hà Quang.
Trong tháng 6/2008, Công ty và UBND xã tiếp tục tổ chức họp với đại diện thôn và nhân dân ở thôn Nậm Chậu và Sài Lương; một số người dân đề nghị Công ty cổ phần Hà Quang phải đền bù cho mỗi hộ dân 5 triệu đồng, nhưng Công ty không thể đáp ứng được yêu cầu trên. Đến ngày 22/7/2008, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Văn Chấn, UBND xã Nậm Búng và Lâm trường Văn Chấn hoàn thành việc giao đất cho Công ty cổ phần Hà Quang. Thì ngay hôm sau (ngày 23/7/2008), có khoảng 80 người dân ở thôn Nậm Chậu và Sài Lương cùng một số kẻ quá khích phá hỏng 1 ngôi nhà 5 gian của Công ty cổ phần Hà Quang, trị giá gần 30 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, đến ngày 7/8/2008, lại có khoảng 100 người dân ở thôn Nậm Chậu và Sài Lương tập trung lên khu vực khai thác mỏ để yêu cầu Công ty cổ phần Hà Quang ngừng hoạt động. Trước sự việc đó lãnh đạo xã Nậm Búng và Công an huyện Văn Chấn đã kịp thời tuyên truyền, giải thích cho nhân dân, nhưng một số đối tượng quá khích đã có hành vi chống người thi hành công vụ, sau đó ép chủ tịch UBND xã Nậm Búng và 2 chiến sĩ Công an huyện về thôn Nậm Chậu, huyện đã phải cử tổ công tác lên giải tán đám đông và đưa cán bộ ra khỏi thôn.
Tiếp sau đó UBND xã Nậm Búng, Công ty cổ phần Hà Quang và đại diện dân ở thôn Nậm Chậu, Sài Lương đã tổ chức một số cuộc họp hoà giải và phương án hỗ trợ cho nhân dân 2 thôn nhưng không đạt kết quả. Trong cuộc họp ngày 22/8/2008, một số kẻ quá khích tiếp tục lôi kéo, kích động một bộ phận nhân dân, yêu cầu Công ty cổ phần Hà Quang chấm dứt việc khai thác khoáng sản ở Nậm Búng và có hành vi lăng mạ, đe doạ cán bộ…
…Đến ổn định tình hình
Trước tình hình bất ổn tại xã Nậm Búng, ngày 12/9/2008, Huyện ủy Văn Chấn ra Quyết định thành lập đoàn công tác vận động quần chúng tại xã Nậm Búng và thành lập đoàn công tác chỉ đạo phát triển sản xuất tại xã Nậm Búng để ổn định lại tình hình địa phương này.
Ông Sa Quang Phụng - Trưởng Ban Truyên giáo Huyện uỷ, Trưởng đoàn công tác vận động quần chúng tại xã Nậm Búng cho biết: “Ngay khi thành lập, đoàn công tác của huyện đã lên kế hoạch cụ thể để về xã Nậm Búng thực hiện nhiệm vụ. Đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn Đảng ủy xã củng cố toàn diện hệ thống chính trị, xây dựng nề nếp hoạt động lãnh đạo, khắc phục yếu kém.Cụ thể: chỉ đạo Đảng ủy xã phân công các đồng chí Thường trực Đảng ủy, Ban chấp hành Đảng bộ xã và cán bộ chủ chốt phụ trách tới từng thôn, đôn đốc, củng cố lại hoạt động của hệ thống chính trị ở tất cả các thôn bản trong xã. Đồng thời đoàn giúp đỡ đội ngũ cán bộ cơ sở từ xã đến các thôn, quán triệt sâu sắc hơn, cụ thể hơn các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước và các cấp chính quyền về xây dựng Đảng bộ, chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của địa phương…”.
Sau 3 tháng về làm việc, “ba cùng” tại Nậm Búng, đoàn công tác của huyện phối hợp với Đảng uỷ, UBND và các ngành, đoàn thể trong xã đã tuyên truyền, vận động nhân, lấy giáo dục, thuyết phục, vận động nhân dân làm chính gắn với kiên quyết xử lý một số kẻ cầm đầu quá khích và xử lý nghiêm theo Điều lệ Đảng đối với một số cán bộ, đảng viên vi phạm. Tình hình ở Nậm Búng, đặc biệt là ở thôn Sài Lương và Nậm Chậu đã ổn định trở lại. Ban Công an xã và lực lượng công an viên tổ chức họp dân kiểm điểm các đối tượng vi phạm, lấy lời khai, lập hồ sơ các đối tượng cầm đầu và quá khích trong vụ phá hoại tài sản của Công ty cổ phần Hà Quang; tham mưu cho UBND xã ra quyết định xử phạt hành chính 10 đối tượng ở thôn Sài Lương và Nậm Chậu. Phạt 500 ngàn đồng đối với Triệu Trung Hoa và Triệu Trung Hưng ở thôn Sài Lương, Triệu Trung Sín ở thôn Nậm Chậu; cảnh cáo 7 đối tượng, trong đó có 4 đối tượng ở thôn Nậm Chậu và 3 đối tượng ở thôn Sài Lương.
Qua kiểm tra, Đảng bộ xã đã tiến hành kiểm điểm 1 đồng chí tại Chi bộ Chấn Hưng III và 2 đồng chí Chi bộ Sài Lương vi phạm Quy định số 115 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm, đồng thời báo cáo Huyện uỷ ra quyết định xử lý bằng hình thức cảnh cáo đối với 3 đảng viên vi phạm nêu trên tới các chi bộ trong toàn xã…
Cùng với việc kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, đoàn công tác của huyện phối hợp với các đoàn thể trong xã vận động nhân dân sản xuất vụ xuân, qua vận động có 4 thôn tham gia gieo cấy được 62 ha lúa vụ xuân, trong đó thôn Sài Lương và Nậm Chậu làm được trên 3 ha; vận động học sinh bỏ học trở lại lớp học; tổ chức Hội trại Chữ thập đỏ, kêu gọi ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được 2 triệu 240 ngàn đồng.
Đặc biệt, sau khi Đảng bộ xã kiện toàn, củng cố các ban mặt trận tại 10/10 thôn bản và hoạt động của các đoàn thể, hội; tổ chức tốt Ngày hội đoàn kết toàn dân tại tất cả các thôn bản trong xã; tổ chức đêm giao lưu văn nghệ toàn xã… Với nhiều hoạt động thiết thực, đã giúp nhân dân trong xã hiểu biết hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với quê hương đất nước, đoàn kết lao động sản xuất, không nghe theo lời của một số kẻ xấu lôi kéo, tụ tập gây mất trật tự xã hội trên địa bàn.
Đối với Công ty cổ phần Hà Quang đã hoàn tất các thủ tục và bắt đầu tiến hành khai thác từ tháng 10/2008. Quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền và nhân dân được duy trì tốt. Tình hình ở xã Nậm Búng nói chung và 2 thôn Nậm Chậu và Sài Lương nói riêng đã ổn định trở lại.
Một số bài học rút ra
Nậm Búng là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, có 3 dân tộc Kinh, Thái Dao cùng chung sống ở 10 thôn bản, riêng 2 thôn Nậm Chậu và Sài Lương, đồng bào Dao chiếm tới trên 99%, trình độ dân trí còn thấp, song công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong những năm qua chưa tốt nên một số cán bộ và một bộ phận nhân dân không hiểu đúng chính sách, pháp luật về đất đai, về đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…
Đảng ủy, UBND xã Nậm Búng và Công ty cổ phần Hà Quang lại chưa thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn về những nội dung và hình thức công khai để dân biết, do đó chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân khi doanh nghiệp thực hiện dự án. Trong khi đó, trên địa bàn thôn Nậm Chậu và Sài Lương cùng một thời điểm lại có tới 5 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác quặng sắt; các doanh nghiệp lại mạnh ai nấy làm, có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.
Một số doanh nghiệp đã đồng ý yêu cầu của một số người dân là hỗ trợ đồng đều cho tất cả các hộ của 2 thôn. Vì thế người dân hiểu sai chính sách mới yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường cho toàn bộ các hộ dân ở thôn Sài Lương và Nậm Chậu, ngăn cản không cho doanh nghiệp hoạt động khai thác.
Bài học rút ra nữa đó là sự lãnh đạo của Đảng uỷ, UBND đối với công tác Đảng và hoạt động của các đoàn thể còn yếu kém, trì trệ nên khi sự việc xảy ra, thì Mặt trận và các đoàn thể cũng không làm gì được vì hàng ngày không thường xuyên gần gũi dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân và khi sự việc xảy ra mới đến vận động thì dân không nghe. Một số đồng chí cán bộ chủ chốt xã làm việc quan liêu, có lãnh đạo nhưng không kiểm tra nên khi đoàn công tác của huyện phối hợp kiểm tra nắm bắt tình hình hoạt động ở chi bộ thôn mới phát hiện ra Chi bộ thôn Trung Tâm bỏ sinh hoạt 12 tháng mà trước đó xã không biết.
Đoàn thanh niên chậm củng cố, Chi đoàn Sài Lương không có bí thư trong thời gian dài; Đoàn xã không tổ chức sơ kết hoạt động 9 tháng… Đáng trách là đồng Bí thư Đoàn xã lại là Bí thư Chi bộ thôn Trung Tâm nhưng lại để chi bộ và Đoàn xã hoạt động trì trệ…
Những ngày đầu tháng 4/2009, chúng tôi trở lại Nậm Búng, đi trên quốc lộ 32 qua địa phận 10 thôn bản trong xã đến đâu cũng gặp bà con nông dân sôi nổi thi đua lao động sản xuất, chỗ thì thu hoạch chè, chăm sóc lúa xuân, chỗ thì chuẩn bị đất trồng rừng kinh tế… trong các trường học từ mầm non đến THPT, học sinh say mê học bài, ôn tập chuẩn bị tốt cho kỳ thi kết thúc năm học. Nậm Búng đã bình yên trở lại! Nhưng Nậm Búng vẫn còn nhiều việc phải làm! Khi đến thôn Nậm Chậu và Sài Lương để thăm quan mô hình lúa xuân của đồng bào Dao thì thật buồn là cả cánh đồng rộng khoảng 30 ha ở thôn Nậm Chậu và Sài Lương xã chỉ vận động nhân dân gieo cấy được trên 3 ha, nhiều thửa ruộng bên cạnh nước chảy trắng bờ nhưng dân không làm để cỏ mọc, trong khi đó tỷ lệ đói nghèo ở 2 thôn này vẫn khá cao.
Bí thư Đảng ủy xã Bàn Phúc Kiều băn khoăn: “Lâu rồi tôi mới xuống đây, lúa xấu quá, cán bộ huyện về rồi, cán bộ thôn thì không chỉ đạo nhân dân chăm sóc, bảo vệ để trâu vào phá thế này thì chẳng biết mô hình có thành công không”. Tôi đáp lời Bí thư Kiều. Mô hình có thành công hay không? Vụ xuân năm 2010, cánh đồng gần 30 ha ở Nậm Chậu và Sài Lương có được phủ kín bằng màu xanh của cây lúa hay không? Tất cả là nhờ vào sự chỉ đạo của Bí thư và đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã đấy!
Minh Hằng
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu