Khắc ghi lời Bác

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/6/2014 | 9:03:04 AM

YBĐT - Sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao Phan Thanh, là một người con dân tộc Nùng, tuổi thơ của cậu bé Hoàng Nừng gắn liền với những câu khắp cọi của dì, của mẹ lúc đưa nôi, tiếng sáo trên lưng trâu, tiếng hát mỗi dịp hội làng, lễ tết.  Âm nhạc đã ngấm dần và trở thành một phần không thể thiếu trong ông như một cái duyên trời định.

Nghệ sĩ Hoàng Nừng và người học trò cũ Hoàng Thị Chí.
Nghệ sĩ Hoàng Nừng và người học trò cũ Hoàng Thị Chí.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác: “Gốc của văn hóa mới là dân tộc”, “Dân tộc nào thì văn hóa ấy”, ở cái tuổi 75, nghệ sĩ Hoàng Nừng - “con chim quý” của núi rừng “đất ngọc” Lục Yên vẫn đang miệt mài sưu tầm, biểu diễn và truyền dạy những làn điệu dân ca đặc trưng của người dân tộc Tày, Nùng những mong thức dậy những câu hát phưn, điệu hát khắp, hát cọi vốn được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân đất này.

Đã lâu lắm rồi, nghệ sĩ Hoàng Nừng mới có dịp trở lại thăm nhà của bà Hoàng Thị Chí - một trong những người học trò đầu tiên được ông phát hiện và truyền dạy những làn điệu dân ca của người Tày, người Nùng. Cô học trò nhỏ năm nào giờ đã là một nhà giáo sắp về hưu, có đầy đủ cháu nội, cháu ngoại nhưng sức sống của những làn điệu khắp, cọi vẫn đang chảy tràn trong huyết mạch của bà.

Cũng tại ngôi nhà sàn này, gần 40 năm trước, nghệ sĩ Hoàng Nừng đã được nghe những câu khắp, cọi mượt mà, trầm bổng mà tha thiết vang lên. 40 năm sau, vẫn giọng hát ấy, điệu và lời hát ấy, những câu khắp, cọi có phần trầm ấm, sâu lắng hơn nhưng vẫn nhẹ nhàng thấm sâu vào lòng người.

Bà Hoàng Thị Chí tâm sự: “Là người con của dân tộc Tày nhưng tôi chỉ thực sự yêu thích và tự hào về những làn điệu dân ca của dân tộc mình qua tiếng hát và những lời truyền dạy của nghệ sĩ Hoàng Nừng. Tiếp nối lòng đam mê và khát khao bảo tồn những làn điệu dân ca dân tộc của thầy Nừng, chúng tôi cũng đang tích cực sưu tầm, tham gia biểu diễn và truyền dạy lại những làn điệu khắp, hát cọi cho con cháu mình để gìn giữ, phát huy nét bản sắc rất riêng, độc đáo của dân tộc mình”.

Sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao Phan Thanh, là một người con dân tộc Nùng, tuổi thơ của cậu bé Hoàng Nừng gắn liền với những câu khắp cọi của dì, của mẹ lúc đưa nôi, tiếng sáo trên lưng trâu, tiếng hát mỗi dịp hội làng, lễ tết.  Âm nhạc đã ngấm dần và trở thành một phần không thể thiếu trong ông như một cái duyên trời định. Năm 23 tuổi, ông xung phong đi bộ đội, được cử đi học 3 năm trung cấp âm nhạc rồi về công tác tại Đoàn Văn công tư lệnh Tây Bắc, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên phủ lịch sử.

Như cá gặp nước, được lưu diễn nhiều nơi, gặp gỡ với những nghệ nhân tên tuổi và tham gia nhiều khoá đào tạo, Hoàng Nừng đã nhanh chóng phát huy tài năng âm nhạc của mình. Ông thường xuyên được đi lưu diễn ở nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, phục vụ Bác Hồ và những người lính của Bác trên mọi trận tuyến. Chính vì thế, ông may mắn và vinh dự được gặp Bác Hồ 6 lần.

Nghệ sĩ Hoàng Nừng chia sẻ: “Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in lời dặn dò của Bác: “Các cháu tuy không trực tiếp cầm súng nhưng công việc của các cháu đang làm là rất quan trọng. Các cháu hãy cố gắng hơn nữa, hãy để mỗi lời ca tiếng hát của các cháu trở thành những viên đạn nhằm vào kẻ thù”. Lời dặn dò ấy đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh và trở thành động lực, để tôi không ngừng học hỏi phục vụ nhiều hơn nữa cho kháng chiến, để mỗi câu hát như “những viên đạn nhằm vào quân thù”. Và cũng chính từ lời dặn dò đó mà tôi vẫn gắn bó với sự nghiệp âm nhạc, với những làn điệu dân ca dân tộc đến tận bây giờ”.

Năm 1969, ông chuyển về Đoàn Ca múa tỉnh Yên Bái, rồi được phân công công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh. Năm 1978, ông chuyển về công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên. Trên mảnh đất quê hương, ông đã miệt mài, ngày đêm lặn lội đến khắp mọi nơi, đi tìm điệu hát giao duyên của các dân tộc như: Tày, Nùng, Xa Phó… Càng đi sâu và tìm hiểu, cảm nhận được những cái hay, độc đáo, ông càng say mê và bắt đầu tham gia sưu tầm, nghiên cứu những làn điệu dân ca của các dân tộc.

Trải qua gần một thế kỉ, có thể nói kho tàng sưu tầm và sáng tác của Hoàng Nừng cứ dày lên theo năm tháng. Biết bao nhiêu giọt mồ hôi, và  nước mắt thấm ướt từng trang giấy. Những kỉ niệm không thể nào quên, có vất vả, gian lao, có cả những phút giây đẹp đẽ, thăng hoa trong âm nhạc. Những làn điệu mà ông sưu tầm được về khắp, cọi giờ đây tính bằng con số hàng trăm.

Luôn khắc sâu những lời Bác dạy: “Dân tộc nào thì văn hóa ấy”, “Văn hóa dân tộc là vốn quý, là chìa khóa và bệ đỡ cho nền văn hóa một nước. Phải biết nâng niu, quý trọng văn hóa dân tộc mới có khả năng khai thác và phát triển nó lên”, hầu hết các ca khúc của ông mang âm hưởng làn điệu khắp, then của dân tộc Tày, Nùng, giai điệu dễ nhớ, lời ca mượt mà, mộc mạc tạo cảm giác gần gũi với đồng bào dân tộc. Nhờ đó, những bài hát của ông được sử dụng nhiều trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện.

Tiêu biểu như những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, con người, đồng thời cổ vũ những phong trào thi đua yêu nước như bài: “Gửi người trai bản” cổ vũ phong trào thanh niên đi bộ đội ; “Đảng đưa ta về trọn vẹn ngày vui”; hay bài Gái Mường Lai sáng tác 1972 cổ vũ phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là bài “Đẹp mãi quê ta” viết về quê hương Lục Yên của ông được hát trong dịp huyện đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động…

Trăn trở với sự sinh tồn của các làn điệu dân tộc, ông đã tình nguyện đến các bản làng vận động và dạy dỗ cho rất nhiều con em, dân bản các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Nhờ đó mà Lục Yên luôn có một đội văn nghệ sẵn sàng đi tham dự tất cả các cuộc thi, liên hoan tiếng hát dân ca dân tộc của vùng Tây Bắc, của cả nước và luôn đạt giải cao. Riêng ông, ông không hề bỏ qua bất kỳ một hội thi nào. Tuy tuổi ngày càng cao, song rất nhiều người vẫn bắt gặp Hoàng Nừng với mái tóc bạc phơ đi về các bản làng, sưu tầm và truyền dạy, giới thiệu cho thế hệ sau những làn điệu dân ca của dân tộc.

Với nghệ sĩ Hoàng Nừng, trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, niềm vinh dự nhất chính là 6 lần được gặp Bác Hồ. Và mỗi câu nói, mỗi lời dặn dò của Bác đã và đang được ông thể hiện bằng việc làm cụ thể để rồi từ đó, hàng trăm làn điệu dân ca dân tộc đã được ông góp nhặt, sưu tầm để truyền lại cho thế hệ sau.

Mai Thu

Các tin khác
Chị Hương chăm sóc đàn gà.
(Ảnh: Đoàn Hà)

YBĐT - Chúng tôi theo đảng viên Hoàng Thị Hương, thôn Đỗng Hảo, xã Bình Thuận vượt qua quãng đường 2km để đến khu rừng của gia đình chị. Hôm nay, chị phải thuê thêm vài lao động địa phương để phát quang cây cỏ, chăm sóc rừng.

Ông Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây  lắp Hồng Hà (phải) nhận bằng sáng tạo của Liên đoàn Lao động tỉnh.

YBĐT - Để thực hiện có hiệu quả phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã rất chú trọng ghi nhận và biểu dương kịp thời thành quả trong sản xuất do công nhân, lao động (CNLĐ) trực tiếp đóng góp.

Trung úy Lý Minh Hiển (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội áp giải tội phạm truy nã về quy án.

YBĐT - Với khuôn mặt rám nắng, phong thái tự tin, bản lĩnh cùng sự năng nổ, tận tụy trong công việc, Trung úy Lý Minh Hiển thuộc Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Yên Bái luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong công tác truy nã tội phạm.

Một buổi họp dân để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa bàn.

YBĐT - Đến xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, nói đến anh Phạm Ngọc Khảm - Trưởng Công an xã người dân trong xã ai cũng quý trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục