Gương sáng đảng viên
- Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2016 | 8:32:07 AM
YBĐT - Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ nuôi ong, ông Thắng quyết định cùng 11 người có chung hướng phát triển kinh tế ở thành phố Yên Bái, thị trấn Cổ Phúc, xã Nga Quán, xã Minh Quán (Trấn Yên) thành lập Hợp tác xã (HTX) Ong mật Hoàng Liên Sơn. HTX Ong mật Hoàng Liên Sơn đã có trên 2.000 đàn ong, không kể các đàn ong được nuôi vệ tinh.
Ông Trần Đức Thắng (bên trái) với mô hình nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao.
|
“Nuôi ong lấy mật vốn đầu tư không nhiều nhưng không phải vì thế mà dễ dàng làm được. Nuôi ong bắt buộc phải có kinh nghiệm, cần cù, chăm học hỏi và hiểu được từng tập tính của ong” - ông Trần Đức Thắng, tổ 30, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) chia sẻ. Nguyên là Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nghỉ chế độ 4 năm cũng là 4 năm ông Thắng bắt tay vào làm kinh tế. Không chỉ là một đảng viên năng động, gương mẫu, ông Thắng còn rất nhiệt tình tham gia các phong trào thể dục, thể thao tại địa phương.
Giữa lòng thành phố đông đúc, náo nhiệt, ông Thắng may mắn hơn nhiều hộ dân khác khi có diện tích đất ở và canh tác rộng hơn 4.000 m2. Xung quanh nhà, ông trồng biết bao loại cây ăn quả như: mít, ổi, nhãn, bơ, bưởi, táo, roi… vừa để lấy hoa cho ong làm mật, vừa lấy bóng mát và ăn quả. Xen kẽ là thùng nuôi ong, ở giữa là lối đi được xây nền bê tông.
Sau một hồi giới thiệu, ông Thắng mời tôi vào nhà, rót một cốc nước pha lẫn mật ong rồi vui vẻ bảo: “Mật ong có chứa tới hơn 60 chất bổ, là liều thuốc tốt nhất cho tiêu hóa. Không những vậy, đứt tay chảy máu bôi mật ong vào còn có thể làm lành vết thương nhanh chóng. Mỗi sáng, uống một cốc nước mật ong sẽ giúp thanh lọc cơ thể. Cháu uống đi, tốt lắm đấy!”.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề nuôi ong, ông Thắng cho biết, về hưu, nhà lại sẵn diện tích đất nên ông quyết định tập trung nuôi ong quy mô lớn. Lặn lội đi mua ong giống, cứ ai chỉ ở đâu có mô hình hiệu quả từ Tuyên Quang, Phú Thọ… ông lại tới học hỏi. Đầu tiên, ông nuôi 13 đàn, sau 1 năm tăng lên 26 đàn. Nhưng rồi yếu tố thời tiết ảnh hưởng lại chưa có nhiều kinh nghiệm, nuôi trên đồi sau nhà không quy hoạch cẩn thận thế là bị trộm mất 5 đàn, bay mất 7 đàn. Không nản chí, từ số đàn ong còn lại ông Thắng phục hồi lên 34 đàn và đến nay, luôn duy trì 100 đàn, cho thu hoạch 2 vụ/ năm. Giá cả ổn định, mật nhãn giá từ 200 - 250 nghìn đồng/ lít, các loại mật khác giá từ 150 - 220 nghìn đồng/ lít. Mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng từ nuôi ong lấy mật và bán ong giống.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ nuôi ong, ông Thắng quyết định cùng 11 người có chung hướng phát triển kinh tế ở thành phố Yên Bái, thị trấn Cổ Phúc, xã Nga Quán, xã Minh Quán (Trấn Yên) thành lập Hợp tác xã (HTX) Ong mật Hoàng Liên Sơn. Đây là nơi các thành viên HTX cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi ong, tách ong lấy mật. Đồng thời, có thể hỗ trợ vật tư, trang thiết bị trong chăn nuôi và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, HTX Ong mật Hoàng Liên Sơn do ông làm chủ nhiệm đã có trên 2.000 đàn ong, không kể các đàn ong được nuôi vệ tinh. Bên cạnh đó, do nuôi ong lấy mật không mất quá nhiều công chăm sóc nên ông cùng vợ con đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thêm 100 con lợn thịt và lợn nái. Ngoài ra, tận dụng diện tích vườn rộng nhiều cây cối mát mẻ, gia đình ông còn nuôi thêm 400 - 500 con gà thả đồi. Với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, gia đình ông Thắng đem về thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm.
Ông Đỗ Hữu Khôi - Tổ trưởng tổ 30, phường Yên Thịnh cho biết: “Nếu như 10 năm trở về trước, khu vực tổ 30 với dân cư đông nhất phường và “nổi tiếng” vì những tệ nạn xã hội thì đến nay địa bàn chúng tôi đang phát triển mạnh mẽ các mô hình chăn nuôi, thi đua sản xuất, giảm hẳn các tệ nạn xã hội. Trong đó, điển hình là mô hình chăn nuôi của gia đình ông Thắng. Cũng chính ông Thắng là người tiên phong, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao tại khu phố phát triển”.
Được biết, ông Thắng đã tích cực vận động người dân trong tổ dân phố tham gia chơi cầu lông, bóng chuyền hơi… Phong trào dần lớn mạnh, giờ đây, cứ mỗi buổi sáng, buổi chiều hàng ngày, sân nhà văn hóa lại chật kín người tham gia chơi thể thao. Người không chơi cũng đến xem, cổ vũ nhiệt tình, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Thắng còn nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Liên tiếp nhiều năm gia đình ông đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. Đảng viên gương mẫu, sáng tạo, làm kinh tế giỏi như ông Trần Đức Thắng thật xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người cùng học tập, noi theo.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Tại thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên, anh Vũ Thanh Tùng nổi tiếng với biệt danh “Triệu phú ở làng nghèo” bởi ý chí vượt khó trở thành ông chủ một trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn trên địa bàn.
YBĐT - Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo nhất nhì trong thôn, đến nay, gia đình anh Hoàng Văn Toàn, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã trở thành hộ khá giả với mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Đến thôn Ngòi Kè, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, ai cũng biết đến gia đình ông Đặng Văn Nam - 10 năm liền được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Không những thế gia đình ông còn làm kinh tế giỏi ở trong thôn.
YBĐT - Theo lời giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Yên Bình về gương thương binh điển hình làm kinh tế giỏi, chúng tôi tìm đến thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nông Ngọc Trình là thương binh hạng 4/4 ở thôn Yên Mỹ, xã Xuân Lai để tìm hiểu cách làm giàu của ông.