Cô giáo Liên đam mê sáng tạo
- Cập nhật: Thứ năm, 1/9/2016 | 2:58:54 PM
YBĐT - “Khoa học là một niềm đam mê của tôi” - đó là tâm sự của cô giáo Chu Thị Tú Liên, người dân tộc Ngái, hiện là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị xã Nghĩa Lộ.
Cô giáo Chu Thị Tú Liên.
|
Suốt 21 năm công tác, bề dày thành tích của cô Liên: 1 huy chương, 7 bằng khen, 8 danh hiệu, 2 kỷ niệm chương, 34 giấy khen, 23 chứng nhận các loại của các cấp, ngành trao tặng. Trong đó, phải kể đến chứng nhận Giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Yên Bái lần thứ V (2011 - 2012); giấy khen Giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ VI (2013 - 2014) của Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái với Đề tài "Một số kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy".
Đây chỉ là số ít trong rất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được cô giáo Liên mày mò học hỏi, sáng tạo và được vinh danh trong các hội thi sáng tạo kỹ thuật của trung ương, tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ. Những giải thưởng trên là tiền đề quan trọng để cô Liên tiếp tục sáng tạo về lĩnh vực “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cụ thể, năm học 2013 - 2014, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Nghĩa Lộ phát động thu thập tư liệu cho Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô Liên đã xây dựng báo cáo Chi bộ, lãnh đạo nhà trường và sau khi được phê duyệt, cô đã tiến hành thực hiện kế hoạch. Sau 4 tháng thu thập tư liệu, chắt lọc, sắp xếp, xây dựng kết cấu cho tập san, tháng 4/2014, cô lựa chọn 180 học sinh và 13 giáo viên chữ đẹp tham gia viết bài, viết cảm nghĩ hoặc rút ra bài học sau khi được đọc, được chép lại các tư liệu.
Tháng 5/2014, cô tiếp tục lựa chọn 13 giáo viên và 111 học sinh chính thức tham gia viết bài cho Tập san “Kỷ niệm 124 năm ngày sinh nhật Bác” trao tặng cho Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày sinh của Bác. Tập san này được đánh giá cao trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ 7, dự kiến sẽ trao giải vào tháng 9/2016.
Với niềm đam mê sáng tạo, cô giáo Liên không chỉ linh hoạt đem những công trình tâm huyết của mình vào giảng dạy ở Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc mà còn phổ biến rộng rãi ở các trường học trong thị xã. Cô cũng trực tiếp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên về soạn giảng bài giảng điện tử.
Nhờ đó, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc có 81,2% cán bộ, giáo viên có thể sử dụng thành thạo máy tính trong quản lý và giảng dạy, trong đó 65% giáo viên có thể tự soạn giáo án điện tử. Cô Liên cũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã giao trọng trách hướng dẫn giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thiết kế chữ viết trên Power Point; soạn bài giảng điện tử. Bản thân cô Liên còn được tham luận sử dụng các phần mềm có hiệu quả trong thiết kế bài giảng điện tử tại hội thảo của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.
Cô giáo Nguyễn Bích Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết: Là cán bộ quản lý của nhà trường kiêm giáo viên giảng dạy, cô Chu Thị Tú Liên là một cô giáo chăm chỉ, sáng tạo, tâm huyết với nghề và tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Cô Liên đã xây dựng website riêng cho nhà trường theo mã nguồn miễn phí của hệ thống thư viện điện tử http://violet.vn.
Chia sẻ về sáng kiến tâm đắc nhất của mình, cô Chu Thị Tú Liên cho biết: "Nhận thấy tiết tập viết đối với giáo viên rất khó khăn vì nếu không viết chữ đẹp sẽ rất khó và ít có thời gian quan sát nắn nót chỉnh sửa chữ viết cho học sinh, nên tôi đã thiết kế phần mềm dạy viết chữ được ứng dụng rộng rãi trong các tiết học. Ngoài đề tài thiết kế chữ viết trên phần mềm Power Point, tôi cũng rất tâm đắc về đề tài thiết kế chương trình quản lý học sinh. Đề tài này được sử dụng trên phần mềm Excel, giúp các thầy cô giáo, các nhà trường quản lý học sinh về tình trạng sức khỏe, học lực và cả đạo đức. Đề tài tiếp cận phần mềm phổ cập giáo dục online với chương trình quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên liên kết với phần mềm Pemis cũng là đề tài rất hữu dụng".
Cô Liên chia sẻ thêm về kinh nghiệm công tác: cùng với việc chịu khó tìm tòi, học hỏi, trong các tiết dự giờ, cô đều quay lại toàn bộ các tiết chuyên đề cấp thị xã, các tiết dạy của giáo viên giỏi hoặc chuyên đề của các trường bạn để bản thân có thể xem lại nếu có phần ghi chép hoặc nghe không đầy đủ và để giáo viên của trường mình được tham khảo học hỏi thêm; cung cấp thêm những nguồn tài nguyên thiết thực, cụ thể để động viên, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên tích cực giảng dạy với những nội dung bài phù hợp. Cùng với đó, cô cũng quay lại các tiết dạy của giáo viên yếu về chuyên môn sao ra đĩa CD cùng với 1 tiết dạy giỏi để giáo viên yếu tham khảo, rút kinh nghiệm...
Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã đem lại những thành tựu to lớn trong mọi hoạt động của con người. Đối với ngành giáo dục, việc vận dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy đã đem lại hiệu quả thật tích cực: thông tin được cập nhật nhanh, chính xác; quản lý nhân sự, chuyên môn nhẹ nhàng và khoa học... Cô giáo Chu Thị Tú Liên đang tận dụng lợi thế đó để biến nó thành công cụ hiệu quả cho công việc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của thị xã.
Nguyễn Thư (Đài TT-TH Nghĩa Lộ)
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, phong trào hội viên hội nông dân tham gia phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu được nhân rộng trên địa bàn xã Minh Quân (Trấn Yên). Một trong số hội viên điển hình đó là anh Lê Văn Hoàng ở thôn Linh Đức, làm kinh tế giỏi từ mô hình vườn, ao, chuồng, rừng (VACR).
YBĐT - Đứng trước hơn một mẫu đất trồng cây ăn quả của gia đình, ông Hoàng Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên vẫn không khỏi xúc động trước thành quả từ bao nhiêu công sức, mồ hôi của mình nay đã được đền đáp.
YBĐT - Khi có tiếng nói của ông, mọi người đều nghe theo, từ đó mọi việc đều được giải quyết suôn sẻ, từ vận động bà con trong thôn đóng góp xây bể chứa nước dẫn về bản đến đồng lòng hiến đất, đóng góp tiền, công sức làm đường bê tông, xây dựng hệ thống kênh mương, đường điện sinh hoạt, chung tay xóa nhà dột nát, làm nhà sinh hoạt cộng đồng…
YBĐT - Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ nuôi ong, ông Thắng quyết định cùng 11 người có chung hướng phát triển kinh tế ở thành phố Yên Bái, thị trấn Cổ Phúc, xã Nga Quán, xã Minh Quán (Trấn Yên) thành lập Hợp tác xã (HTX) Ong mật Hoàng Liên Sơn. HTX Ong mật Hoàng Liên Sơn đã có trên 2.000 đàn ong, không kể các đàn ong được nuôi vệ tinh.