Tuổi cao chí càng cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/11/2016 | 1:50:58 PM

YBĐT - Thông qua phong trào, nhiều tấm gương NCT tích cực phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã xuất hiện.

Ông Lý Công Lợi (bên phải) giới thiệu vườn bưởi Khả Lĩnh của gia đình ông với cán bộ xã Yên Bình.
Ông Lý Công Lợi (bên phải) giới thiệu vườn bưởi Khả Lĩnh của gia đình ông với cán bộ xã Yên Bình.

Những năm qua, Phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” đã và đang được triển khai hiệu quả, rộng khắp trong các cấp hội người cao tuổi (NCT) huyện Yên Bình. Thông qua phong trào, nhiều tấm gương NCT tích cực phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã xuất hiện. Ông Lý Công Lợi ở thôn Đình Thi - hội viên Hội NCT xã Yên Bình, huyện Yên Bình là một trong những tấm gương tiêu biểu như vậy.

Dù đã bước qua tuổi 80, nhưng ông Lý Công Lợi luôn được bà con lối xóm kính nể bởi đức tính cần cù, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Nhiều năm làm lãnh đạo xã Yên Bình, sau khi về nghỉ chế độ, ông Lợi bắt tay ngay vào làm kinh tế. Ông chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi từng chăn nuôi lợn, nhưng quy mô manh mún. Khi đã có kinh nghiệm cùng nguồn vốn tiết kiệm, tôi mở rộng chuồng trại, tích cực tìm tòi, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật mới và hiện nay, tôi luôn duy trì gần 10 con lợn nái, hơn 20 con lợn thịt”.

Chăn nuôi lợn đi vào ổn định, không mất quá nhiều công chăm sóc, còn lại một diện tích đất sản xuất khá lớn, ông Lợi quyết định trồng cây ăn quả. “Qua tìm hiểu sách báo và bạn bè gần xa, nhận thấy giống bưởi Khả Lĩnh có nhiều đặc điểm phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương, nên tôi quyết định trồng 30 gốc bưởi. Không ngờ, bưởi sinh trưởng tốt, năm nào cũng cho thu hoạch cao” - ông Lợi vui vẻ cho biết. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn vận động vợ con khai thác 4 ha đất đồi rừng để trồng keo, bạch đàn, trồng 8 sào chè, 2 mẫu ruộng nước và mở rộng diện tích ao thả cá.

Nhờ mô hình chăn nuôi tổng hợp, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông có lãi từ 250 - 300 triệu đồng. Không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, ông Lý Công Lợi còn là người đi đầu trong các phong trào của địa phương. Đặc biệt là trong thực hiện Cuộc vận động “Không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ 3” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động.

Là người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng, ông đích thân đến từng nhà trong thôn, xóm tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên. Giới thiệu những tấm gương thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, gia đình ấm no, hạnh phúc, để mọi người dễ hiểu và tin tưởng làm theo. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, thôn Đình Thi nói riêng và xã Yên Bình nói chung không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn và tình trạng các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 đã giảm hẳn.

Nói về tấm gương ông Lý Công Lợi, ông Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Yên Bình cho biết: “Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Lợi đã không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao mà còn góp phần giúp xã Yên Bình hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ông là người chồng, người cha, người ông gương mẫu, luôn nhắc nhở con cháu làm giàu bằng sức lao động, sống có nghĩa có tình. Với bà con lối xóm, ông luôn được quý mến, kính trọng và là người bạn đáng tin cậy, năng nổ trong các hoạt động chung”.

Mai Linh

Các tin khác
Anh Đỗ Trọng Lưu (bên trái) giới thiệu với lãnh đạo xã Đại Lịch  về quy trình chăn nuôi lợn khép kín của gia đình.

YBĐT - Áp dụng thành công mô hình chăn nuôi lợn khép kín, anh Đỗ Trọng Lưu ở xã Đại Lịch (Văn Chấn) đã đạt mức thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Bà con dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ sản xuất các sản phẩm mây, tre đan truyền thống.

YBĐT - Mục đích chính làm ngành hàng này trước mắt là phát triển kinh tế gia đình, sau là để tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Anh Nguyễn Thành Công (bên trái) luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng nuôi thỏ.

YBĐT - Mô hình nuôi thỏ bán công nghiệp với quy mô 2.000 con của đoàn viên Nguyễn Thành Công, thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Cô giáo Hoàng Thị Thúy Hằng trên giờ lên lớp.

YBĐT - “Cô Hằng là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cô đã có nhiều cải tiến và sáng kiến trong công tác giảng dạy, cũng như đóng góp trong việc bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi cho nhà trường...”. Đó là những nhận xét của bạn bè, đồng nghiệp về cô giáo Hoàng Thị Thuý Hằng - giáo viên Tổ Khoa học Tự nhiên, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục