YBĐT - Đã từng bươn chải mưu sinh với hàng chục công việc khác nhau, cuối cùng ông cũng đã lựa chọn cây phật thủ để gắn bó dài lâu. Là người ưa tìm tòi và thử nghiệm những điều mới mẻ nên ông chẳng ngại gì những lời đàm tiếu từ hàng xóm, thậm chí cả nghi ngại của những người thân trong gia đình.
Với cây phật thủ cũng vậy mà thôi bởi lúc người dân nơi vùng ông đang sinh sống ở thị trấn phố huyện còn chưa biết đến giá trị của nó thì ở miền xuôi đã cung chẳng đủ cầu, cao điểm nhất dịp tết để bày mâm ngũ quả.
Qua những thương lái dưới xuôi thường xuyên trú chân tại nhà mình để tìm mối hàng, ông nhanh chóng nắm bắt cơ hội và quyết định chuyển đổi giống cây trồng. Công việc buôn bán đi lại nhiều nơi đã giúp ông thấy ngay giống cây phật thủ không cách xa mình mấy. Đó là một xã cách thị trấn vài chục cây số, đồng bào dân tộc Tày địa phương có những cây phật thủ mọc tự nhiên giữa vườn tạp lâu nay. Vậy nên không mất tiền mua, ông chỉ cần ngỏ lời, bà con sẵn sàng cho không. Đền đáp bao tháng ngày bỏ công chăm sóc, phật thủ mang lại lợi nhuận ngày càng cao.
Chưa dừng lại, ông tính toán đến tương lai xa hơn nữa, khi mình không cần phải tự mang đi bán lẻ mà thương lái phải tự tìm đến mình. Ông đã tích cực vận động mọi người trong thôn cùng trồng phật thủ để tạo thị trường hàng hóa đủ lớn. Một, hai, ba người... làm theo rồi mốc thời gian tính bằng năm, hai năm, năm năm... thôn ông giờ mỗi dịp chuẩn bị đón tết cổ truyền là nhộn nhịp thương lái tới mua phật thủ.
Ở một nơi khác xa xôi và khó khăn hơn lại có một người đàn ông mạnh dạn đưa về hai trăm cây bưởi Diễn đầu tiên trồng trên đất đồi. Vốn rặt quen đất chỉ trồng sắn, trồng ngô, mấy ai tin ông có thể được hái trái ngọt từ cây bưởi.
Ông đã chăm cây như chăm một đứa trẻ đang non sức giữa một môi trường đầy lạ lẫm với chính nó. Khó mà tường tận nổi bao nhiêu bận ông lên xuống, ngược xuôi về quê dưới xuôi học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc của anh em, họ hàng để lại mang lên đồi cao áp dụng. Học hỏi một phần, một phần khác lại phải theo dõi, sát sao thực tế, dựa vào điều kiện tự nhiên của đồng đất, từng ngày trông ngóng cây bưởi phát triển ra sao mà điều chỉnh hợp lý.
Bước sang năm vườn bưởi bói quả, thời tiết như muốn tiếp tục thử thách lòng kiên trì và bản lĩnh của ông. Những cơn mưa dài tưởng như không dứt trên vùng đất có tiếng ít mưa xưa nay, người không trồng bưởi dường như còn cố nén cả tiếng thở dài hộ ông. Thế nhưng trong ông luôn rõ ràng niềm hy vọng cho con đường mình đang mở lối với những bước đầu tiên.
Cuối thu, vườn bưởi vừa đẹp lứa quả bói lại vừa đẹp một niềm tin. Những đồng tiền đầu tiên vợ ông mang về từ những quả bưởi đầu tiên, dù chưa nhiều giá trị nhưng thật nhiều sức mạnh. Giao thông ngày càng thuận lợi, ông vận động mọi người cùng trồng bưởi để một ngày không xa, thôn ông sẽ trở thành địa chỉ cung cấp sản phẩm bưởi hàng hóa đầu tiên có thương hiệu ở khu vực này.
Mãnh liệt trong ông một niềm tin như vậy.
Nguyễn Thơm
YBĐT - Mùa đông ở vùng cao, thời tiết mưa lạnh triền miên. Để có quần áo mặc, giải pháp thông dụng nhất là sấy quần áo bên bếp lửa nhưng giải pháp này lại mang nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, 2 em học sinh Lò Văn Chung và Lý Văn Tuấn - Trường THCS Tú Lệ (Văn Chấn) đã sáng tạo ra Hệ thống sấy quần áo bằng bếp lửa, khắc phục nhược điểm của việc sấy quần áo truyền thống với giá thành rẻ.
YBĐT - Người đảng viên 54 năm tuổi đời, hơn 20 năm tuổi Đảng, 5 năm làm trưởng thôn và hiện đang làm Phó Bí thư Chi bộ thôn Phán Hạ, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ làm trồng lúa, chăn nuôi, dịch vụ xay xát. Gia đình ông đã hiến hơn 200m2 đất để con đường chật hẹp ngày nào được mở rộng lên 3,5 mét.
YBĐT - Cuối tháng 1/2018, gần 6.000 con gà Minh Dư của anh Nguyễn Tiến Sơn ở thôn 8, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên chuẩn bị xuất bán. Giá gà thời điểm này theo chia sẻ của anh, nếu thương lái mua từ 5 tấn trở lên thì có mức 60.000 đồng/kg, nếu từ 1 tấn trở xuống là 63.000 đồng/kg.
YBĐT - Đây là năm thứ 6, gia đình chị Hoàng Thị Đào, thôn Sơn Hạ, xã Mai Sơn, huyện Lục Yên trồng hoa đào bán vào dịp tết. Với hơn 1 mẫu đất đồi và đất ruộng, chị làm nghề trồng đào với hàng nghìn gốc mỗi năm.