Người cựu chiến binh năng động

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2018 | 1:48:22 PM

YBĐT - Vượt lên khó khăn để chiến thắng đói nghèo và trở thành điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình chăn nuôi, làm dịch vụ cưới hỏi nên thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, đó là ý chí, nghị lực, tinh thần năng động của ông Nguyễn Quốc Huy ở thôn Ao Luông 1, xã Sơn A, huyện Văn Chấn.

Ông Huy chăm sóc vịt.
Ông Huy chăm sóc vịt.

Cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn A đến nhà ông Huy khi biết tin ông là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ câu cá giải trí. Đang tất bật chỉ đạo đội thợ xây kè lại hệ thống ao nuôi cá, ông Huy phân trần: "Tranh thủ làm gấp kẻo mấy hôm nữa mưa to làm không xong. Bây giờ nhu cầu giải trí của người dân khá cao, mình phải nắm bắt được cơ hội ngay thì mới thắng. Mà đã nghĩ là phải làm luôn”.
 
Ông Huy kể về những ngày mới khởi nghiệp của mình. Rời quân ngũ năm 1980 rồi lập gia đình và lần lượt 4 người con ra đời trong khi cuộc sống thời bao cấp gặp vô vàn khó khăn. Từ chạy xe ôm, buôn rau, bán củi, đốt than đến làm phu hồ, hễ việc gì có tiền là ông làm, song cuộc sống vẫn hoàn khó khăn khi các con ông đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhưng ý chí của người lính đã thôi thúc ông phải vượt lên tất cả để chiến thắng đói nghèo.
 
Với một xã thuần nông, ngành nghề phụ không có, nếu chăm chỉ thâm canh tăng vụ lúa ngô thì cuộc sống cũng tạm đủ ăn, còn trở nên khá giả chắc sẽ rất khó. Vậy là, năm 1993, ông mạnh dạn nhận đấu thầu hơn 1,6 ha mặt nước hồ trong thôn để nuôi cá. Một năm 2 vụ cá, nuôi theo hình thức gối vụ bán lứa này lại tiếp tục thả lứa khác và bình quân mỗi năm ông thu về 3 tấn cá, trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng.
 
Nhận thấy nếu chỉ nuôi cá cũng khó có thể thoát nghèo, vậy là, năm 2000 ông lại mua thêm ngan vịt về nuôi trong hồ. Bình quân mỗi lứa 200 con, nuôi theo hình thức quay vòng và cứ lứa này bán lại nhập lứa mới. Bình quân mỗi năm ông Huy xuất bán hơn 2 tấn ngan, trừ chi phí thu lãi 50 triệu đồng. Có thêm chút vốn, ông lại đầu tư nuôi lợn nái, lợn thịt, nấu rượu.
 
 Cứ như vậy, cuộc sống gia đình ông dần thoát nghèo và có của ăn của để. Chưa muốn dừng lại ở đó, sau khi đi dự đám cưới ở một số tỉnh miền xuôi, thấy dịch vụ cho thuê đồ đám cưới khá phát triển, vậy là năm 2007, ông lại đầu tư mua phông bạt, bàn ghế, bát đũa, tăng âm, loa đài để cho thuê.

Không chỉ làm giàu cho mình, với vai trò là Phó thôn, kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, nhận thấy còn nhiều gia đình nghèo không có vốn để phát triển sản xuất, ông đã thành lập nhóm hộ chăn nuôi giúp các gia đình vươn lên thoát nghèo. Với vai trò là trưởng nhóm đứng ra vay vốn, quản lý, tạo điều kiện cho các hộ có việc làm tăng thu nhập, những năm vừa qua, ông Huy đã giúp cho hàng chục hộ có việc làm, vươn lên thoát nghèo.
 
Ông Huy chia sẻ: "Giúp hộ nghèo bằng vốn, con giống thì mình không thể, bởi nguồn vốn có hạn nên chỉ có cách thành lập nhóm hộ chăn nuôi để giúp mọi người cộng đồng trách nhiệm. Tôi là trưởng nhóm sẽ lo vay vốn, mua con giống, lo đầu ra cho sản phẩm, còn các hộ thì đảm nhiệm công việc chăn nuôi. Mục tiêu trước mắt chỉ có thể giúp cho được vài hộ khó khăn trong thôn, nhưng khi nguồn vốn lớn, tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi và lúc đó có thể giúp thêm những hộ nghèo khác”.

Nhận thấy nhu cầu câu cá giải trí khá phát triển, sẵn có hệ thống ao hồ, nguồn nước, vậy là đầu năm 2018 ông lại đầu tư thêm 100 triệu đồng cải tạo hệ thống ao nuôi với diện tích hơn 1.000 m2 làm dịch vụ câu cá giải trí.
 
Ông Huy cho biết: "Ngày nay, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân khá cao, nhất là những ngày nghỉ. Nhiều người có thú vui câu cá giải trí, mình có điều kiện để làm thì phải tranh thủ chứ mai này già rồi thì muốn làm cũng chẳng được. Hơn nữa, tôi cũng muốn từ mô hình của gia đình sẽ khuyến khích các hộ dân trong thôn, trong xã phát triển, nhân rộng mô hình câu cá dịch vụ này, bởi hiện nay, ở một số địa phương mô hình câu cá giải trí khá phát triển, mang lại thu nhập khá”.

Hơn 10 năm làm Phó thôn, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, gánh vác trọng trách của gia đình và xã hội, ông Nguyễn Quốc Huy luôn ý thức được việc mình làm trước hết vì gia đình, sau nữa là vì bà con trong thôn. 

Phương châm đó, đã giúp ông vượt lên mọi khó khăn để chiến thắng đói nghèo, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Những phần thưởng cao quý của tỉnh, huyện, các cấp, ngành dành tặng là minh chứng cho sự nỗ lực không cam chịu đói nghèo của ông Huy.

Thanh Tân

Các tin khác

YBĐT - 30 km đường thôn bản được tu sửa, mở mới hơn 10 km đường vào khu sản xuất trọng điểm, vận động dân hiến hơn 3 ha đất, hàng nghìn ngày công… và làm nên những con số ấy có công sức không nhỏ của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Dế Xu Phình - ông Chang Sông Lử.

Ông Huệ (bên trái) giới thiệu về quy trình sản xuất rau an toàn của gia đình với lãnh đạo xã Văn Phú.

YBĐT - Sau nhiều năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, năm 2016, ông Nguyễn Đình Huệ được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tuy Lộc.

Em Đoàn Thị Thảo Linh và Nguyễn Đình Trung Đức cùng nghiên cứu hoàn thiện chiếc máy thu hoạch rau cầm tay.

YBĐT - Với ước mơ về một nền nông nghiệp hiện đại, 2 em Đoàn Thị Thảo Linh và Nguyễn Đình Trung Đức, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã chế tạo thành công chiếc máy thu hoạch rau cầm tay, phù hợp với các vườn rau quy mô lớn trồng theo hướng an toàn ở Yên Bái.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung bó mía chuẩn bị đi bán.

YBĐT - 25 năm trồng mía đã giúp cho gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở thôn 4, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái có thêm một nguồn thu nhập ổn định. Cây mía trên đất bãi bồi nơi đây cũng trải qua nhiều đổi thay, giá cả thị trường lên xuống, diện tích ngày càng thu hẹp nhưng chị Nhung đã lựa chọn cách đi riêng để gắn bó cùng loại cây này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục