Mãi tự hào là người lính

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/7/2018 | 2:08:46 PM

YBĐT - Trong mưa bom bão đạn, người lính vận tải Lương Nam Thành vẫn đêm ngày bám đường, dũng cảm, mưu trí đối phó với quân thù để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường miền Nam. Trở về địa phương, ông tiếp tục phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” vững vàng trước mọi khó khăn và là hộ phát triển kinh tế tiêu biểu ở thôn Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình cựu chiến binh Lương Nam Thành (thứ 2, bên phải) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình cựu chiến binh Lương Nam Thành (thứ 2, bên phải) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng như bao thanh niên khác, năm 1971, chàng thanh niên Lương Nam Thành hăng hái đăng ký đi bộ đội. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện lái xe ô tô, anh được biên chế vào Đoàn 559 thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược cung cấp cho bộ đội ở các mặt trận.
 
Từ đây, ông Thành đã đi khắp các cung đường từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ hậu phương lớn miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Người lái xe ấy dù ở bất kể cung đường nào, dù địch có đánh phá ác liệt đến mấy vẫn luôn sẵn sàng lên đường.
 
Chiến trường càng gian khó bao nhiêu lại càng hun đúc cho ông thêm lòng dũng cảm, mưu trí để lọt qua vòng vây quân địch, bảo đảm vận chuyển đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm kịp thời đến các cánh quân trên khắp các mặt trận.

Có nhiều đóng góp trong quân ngũ, ông Thành vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Năm 1980, ông ra quân trở về địa phương, song phải đối mặt với nhiều khó khăn vì bị nhiễm chất độc màu da cam, mất 61% sức lao động.
 
Ông Thành kể: "Gia đình có 5 người con thì một đứa bị ảnh hưởng chất độc da cam không nhận thức được, kinh tế chỉ quanh quẩn với mấy sào lúa, nương ngô... cho nên đói, nghèo luôn bủa vây”.
 
Năm 1991, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho dân cùng với nhiều hỗ trợ, đãi ngộ khác nhưng chẳng mấy người dám nhận thêm đất trong lúc vẫn phải lo từng bữa cơm. Lúc này, ông lại là một trong ít người ở xã dám làm đơn xin nhận 3 ha đất đồi để thực hiện quyết tâm có đất làm kinh tế xóa đói giảm nghèo.
 
"Người lính vận tải phải bảo đảm những chuyến hàng đến đích an toàn. Để làm được điều đó, họ phải có niềm tin vào bản thân từ những cú đánh lái nhỏ nhất” - ông lý giải về quyết định của mình.
 
Có đất đồi, cả gia đình ông phải "thắt lưng buộc bụng” miệt mài khai hoang, vỡ đất thực hiện kế hoạch trồng cây lấy gỗ, trồng bưởi Đại Minh quanh vườn nhà và chuyển đổi 1 sào ruộng thành ao thả cả. 

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, "ăn chắc, mặc bền”, đời sống gia đình ông dần vượt qua những ngày khó khăn nhất. Rồi dành dụm ông có tiền cho các con ăn học và xây dựng nhà cửa.
 
Ông chia sẻ: "Sau gần 30 năm phát triển kinh tế từ trồng rừng, nuôi cá, vườn cây ăn quả đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá tại địa phương. Gần 3 ha gỗ keo có thể cho thu nhập trên 100 triệu đồng/1chu kỳ, 1 sào nuôi cá thương phẩm cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm và 30 gốc bưởi Đại Minh 20 năm tuổi cho thu nhập gần 30 triệu đồng/vụ”.

Đóng góp máu xương trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước rồi lại quyết tâm vượt lên khó khăn phát triển kinh tế, cựu chiến binh Lương Nam Thành xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo.

Văn Dương

Các tin khác
Không quản khó khăn, cựu thanh niên xung phong Trần Đức Huy luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

YBĐT - Sinh ra khi đất nước còn chìm trong chiến tranh, như bao thanh niên khác, năm 1976, chàng thanh niên 19 tuổi Trần Đức Huy theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). 

YBĐT - "Một gia đình văn hóa tiêu biểu, mẫu mực, có bề dày truyền thống cách mạng” - đó là lời nhận xét của hầu hết bà con nhân dân khu dân cư Hồng Thanh, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, khi nhắc tới gia đình ông Trần Thi và bà Vương Thị Ngân.

Phạm Thị Ngọc Ánh đã giành giải Nhì trong Hội thi tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, vòng sơ khảo, Cụm thi số 2.

YBĐT - Sinh năm 1987, là Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, đã đạt nhiều danh hiệu như: "Giảng viên dạy giỏi cấp trường”, "Giảng viên dạy giỏi toàn quốc”, Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…Đó là cô gái người dân tộc Dao - Phạm Thị Ngọc Ánh.

YBĐT - Hơn 11 năm công tác gắn bó với các bệnh nhân tại Khoa ngoại, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, bác sỹ Giàng A Lu không nhớ chính chính xác trong chừng ấy năm, mình đã mổ cho bao nhiêu bệnh nhân; chỉ nhớ năm 2017, anh đã trực tiếp phẫu thuật mổ cho trên 200 ca...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục