Người lính trên mặt trận nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/7/2018 | 8:23:38 AM

YBĐT - Dù đã đi nhiều vùng đất nông thôn mới (NTM), gặp nhiều tấm gương điển hình hiến đất làm đường, nhưng cựu chiến binh (CCB) Đinh Văn Kim ở thôn Tân Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên để lại cho tôi ấn tượng thật đặc biệt.

Con đường bê tông sạch đẹp có phần đất hơn 100 m2 ông Kim đã hiến tặng.
Con đường bê tông sạch đẹp có phần đất hơn 100 m2 ông Kim đã hiến tặng.

Không chỉ hiến hàng trăm mét vuông đất thổ cư, vận động bà con chung tay xây dựng NTM, ông Kim còn vinh dự đại diện cho nông dân Yên Bái được tham dự Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc tại Hà Nội. 

Gặp ông, lắng nghe câu chuyện về cuộc đời, về cách mà ông cũng như người dân Đại Phác vun đắp, xây dựng quê hương tôi lại càng thêm trân quý con người ông.

Dẫn chúng tôi đến nhà ông Đinh Văn Kim, đồng chí Hoàng Kim Chung - Phó Chủ tịch UBND xã vừa đi vừa giới thiệu: "Về Đại Phác, hỏi nhà ông Kim đi đầu trong phong trào hiến đất là đường ai ai cũng biết. Xã chúng tôi cán đích NTM nhanh một phần rất lớn là nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của những người như ông Kim”.
 
70 tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng, ông Kim từng vào sinh ra tử nơi chiến trường trên nhiều mặt trận. Không ít lần bị thương khi chiến đấu nhưng với tinh thần bất khuất, kiên cường của người lính, khi phục hồi ông vẫn tiếp tục cầm súng cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất. Giờ đây, khi sống giữa thời bình, ông lại hết lòng vì quê hương trên mặt trận xây dựng NTM, giữ nguyên phẩm chất người lính Cụ Hồ tiên phong, gương mẫu.

Con đường bê tông sạch đẹp dẫn vào ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Kim chính là phần đất hơn 100 m2 ông đã hiến tặng. Trong căn nhà nhỏ ấy, mọi vật dụng đều giản dị, mộc mạc. Ông Kim với dáng vẻ chất phác, đôn hậu, thấy chúng tôi, ông hồ hởi chào đón. 

Khi nói đến câu chuyện hiến đất làm đường, ông cười khiêm tốn: "Tôi hiến có ít đất cùng góp sức làm đường có gì mà viết đâu! Khi hiến đất chỉ mong có con đường cho bà con đi lại thuận tiện, không mong được khen, thưởng. Vừa là đảng viên, là một CCB thì đương nhiên tôi phải làm gương rồi”.
 
Giữa ngày hè oi ả, uống chén nước lá mát, ngồi nghe ông Kim kể về việc hiến đất làm đường thật giản dị và trân quý. Vẫn rất khiêm tốn, ông Kim chia sẻ: "CCB như chúng tôi giờ cũng chỉ là người nông dân chân lấm, tay bùn. Mà nông dân tài sản lớn nhất chỉ có đất thôi cô ạ. Bao năm nhìn cảnh bà con đi lại trên con đường nhỏ, nắng bụi, mưa bùn tôi vẫn luôn mong ước có một đường rộng rãi, sạch sẽ hơn. 

Vì vậy, khi có chủ trương của địa phương, cả gia đình tôi đều đồng lòng tự nguyện hiến đất, chỉ mong người dân trong thôn và con cháu được đi lại trên con đường sạch sẽ, thông thoáng. Tấc đất tấc vàng nhưng mình hiến đất cho bà con đi thì đất ấy làm được việc ý nghĩa còn quý hơn vàng rất nhiều”.

Ngoài việc đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường, ông Kim cùng gia đình còn ủng hộ tiền và tham gia nhiều công lao động làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Những ngày đầu chung tay xây dựng NTM, không phải ai cũng lập tức ủng hộ và đồng lòng hiệp sức như bây giờ. 

Khi ấy, không ai khác, ông Kim chẳng ngại nắng mưa, đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động để bà con hiểu đúng, hiểu rõ về trách nhiệm cũng như quyền lợi khi xây dựng NTM. Chẳng nói đâu xa, bà Nguyễn Thị Sen - đối diện nhà ông Kim là một ví dụ điển hình.
 
Sau khi hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM, nhà ông Kim hiến bao nhiêu đất, nhà bà cũng hiến bấy nhiêu để có con đường thẳng, đẹp, song song hai dãy nhà. 

Nhìn ra con đường bê tông dài thênh thang, tay nâng niu tấm ảnh chụp tại lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc với niềm vui xen lẫn tự hào ông Kim chia sẻ: "Việc tôi làm không quá lớn lao nhưng được Đảng, Nhà nước khen tặng tôi rất vui. Đây là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiếp tục góp sức mình cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp”.
 
Về xã Đại Phác hôm nay, dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Sự thay đổi đó chính là nhờ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong đó, có những đóng góp không nhỏ của cựu chiến binh Đinh Văn Kim. Ông là tấm gương sáng, điển hình trong việc tuyên truyền, vận động người dân chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM.
 
Lê Thương - Mai Linh

Các tin khác
Ao cá kinh doanh dịch vụ câu cá của gia đình ông Giang cho thu nhập ổn định 90 triệu đồng/năm.

YBĐT - Là thương binh hạng 4/4, cựu chiến binh (CCB) Lương Khuyến Giang ở tổ 8A, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đã phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trở thành gương điển hình trong phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Đông luôn chịu khó tìm tòi cách làm ăn và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

YBĐT - Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi - mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Quyết Tiến, xã Đại Minh, huyện Yên Bình vui vẻ kể chuyện cây bưởi đã gắn bó với gia đình ông từ đời ông bà, bố mẹ. Là giống bưởi đặc sản của vùng đất này, nên hầu như trong xã nhà nào cũng trồng bưởi.

Ông Nguyễn Ngọc Diện luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, được nhân dân quý mến.

YBĐT - Giữa những ngày tháng 7 tri ân, tôi đến thăm thương binh Nguyễn Ngọc Diện ở tổ 9, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái để hiểu hơn về người cựu chiến binh này cũng như thế hệ của ông.

Đồng chí Đặng Phúc Tài - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mười.

YBĐT - Hình ảnh đồng chí Đặng Phúc Tài – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn quên mình lao vào dòng nước cứu cháu nhỏ trong lũ sẽ còn khắc ghi mãi trong tâm trí người dân Nậm Mười – Văn Chấn – Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục