Người phụ nữ Thái làm kinh tế giỏi

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/1/2019 | 8:13:09 AM

Dù tuổi đã cao nhưng bà Lò Thị Chài, dân tộc Thái ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã vượt qua những hạn chế về nhận thức để tìm tòi và tự lực vươn lên phát triển kinh tế, đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo, nuôi dạy con cháu chăm ngoan, học giỏi.

Bà Lò Thị Chài chăm sóc vườn rau sạch góp phần đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Bà Lò Thị Chài chăm sóc vườn rau sạch góp phần đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Cái lạnh buốt của vùng cao không làm thay đổi lịch trình một ngày lao động của bà Lò Thị Chài. 5 giờ 30 phút sáng, khi ngoài trời vẫn còn mù sương dày đặc, bà Chài lại lục tục ra khu trang trại nuôi trên 500 con gà, vịt để nhặt trứng. 

Bà Chài tâm sự: "Trước kia, gia đình tôi làm mãi chẳng đủ ăn. Cách đây khoảng 5 - 6 năm, qua ti vi, sách báo, biết được việc muốn nuôi con gì tốt trước tiên phải có kiến thức về con đấy, biết cách chăm sóc, phòng, chữa bệnh. Được tham gia những lớp tập huấn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thăm những mô hình thoát nghèo từ chăn nuôi, những người cao tuổi phát triển kinh tế rất thành công đã thôi thúc tôi làm kinh tế. Từ nuôi một vài con để cải thiện bữa ăn, tôi mạnh dạn nuôi vài chục con. Khi nuôi vài chục con đã ổn, không còn bị chết bệnh, rủi ro nữa nên tôi tăng đàn dần. Gà, vịt có cả bán thịt, bán trứng và riêng tiền trứng mỗi tháng đều đều tôi thu về trên 4 triệu đồng”. 

Đến khi mặt trời ló rạng, bà Chài trở về cùng chồng tất bật chuẩn bị nấu cám ngô, sắn cho đàn lợn chục con, rồi lại quay sang cắt cỏ cho ao cá rộng 1.000m2. Được biết, gia đình bà Chài chăn nuôi thêm lợn, đào ao thả cá là do nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc của thị trường ngày càng cao. 

Thấy tôi tò mò về việc dù đã 66 tuổi mà vẫn luôn chân luôn tay làm việc không mệt mỏi, bà Chài chia sẻ: "Cụ Hồ đã dạy "Lao động là vinh quang”. Lao động không những tạo ra của cải, vật chất cho bản thân, cho xã hội mà còn rèn luyện cho con người vượt qua gian khó để lao động kiếm đồng tiền chính đáng từ mồ hôi, công sức của mình; đồng thời, lại đỡ đần được con cháu gánh nặng về kinh tế cũng như có thể nâng cao sức khỏe dẻo dai”.

Ngoài nuôi gà, vịt, cá, bà Chài còn làm máy xay xát gạo, trồng rau sạch để vừa dùng vừa bán tăng thêm thu nhập với mức bình quân trên 300.000 đồng/ngày. Từ những nguồn thu trên, mỗi tháng mang lại cho gia đình bà Chài trên 15 triệu đồng. 

Thành công trong phát triển kinh tế, nhưng việc nuôi dạy con cháu thành người mới là điều bà Chài tự hào nhất. Bà Chài đã cùng chồng lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Các con của bà đều đã lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định, các cháu chăm ngoan, học giỏi. Cùng đó, bà Chài còn nhiệt tình truyền lại kinh nghiệm làm kinh tế cho bà con hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

Nói về bà Lò Thị Chài, ông Lò Văn Chiến - Chủ tịch xã Hát Lừu dành nhiều lời khen ngợi: "Bà Lò Thị Chài nhiều năm qua luôn là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của xã để cho mọi thế hệ học tập noi theo. Gia đình bà Chài được mọi người quý mến vì lối sống giản dị, hòa đồng, nuôi dạy con cháu trưởng thành lại hay tạo điều kiện, giúp đỡ những hộ khó khăn cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Lê Thương

Các tin khác

Tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh vùng cao, thầy giáo Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải luôn được đồng nghiệp quý mến, học sinh kính trọng.

Ông Nguyễn Quốc Huy cho cá ăn.

Ở thôn Ao Luông 1, xã Sơn A, huyện Văn Chấn, ông Nguyễn Quốc Huy được nhân dân trong vùng quý nể. Từ chỗ là công dân mãn hạn tù trở về địa phương ông đã không ngừng cố gắng vươn lên, để khẳng định những người đã vấp ngã như ông hoàn toàn có thể làm lại cuộc đời.

Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng anh Sùng A Giàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã có tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống gia đình ấm no và luôn là đầu tàu của nông dân trong xã.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Tiến (bên phải) kiểm tra sản xuất ván bóc tại xưởng chế biến.

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Minh Tiến ở thôn An Lạc 4, xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua phát triển kinh tế với mô hình sản xuất ván bóc cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục