Chàng nghệ sĩ trẻ Yên Bái mê đàn tính

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/10/2022 | 7:30:45 AM

YênBái - "Đã yêu thì không còn ngại điều gì để theo đuổi nó". Học đàn tính từ năm 10 tuổi, cũng là người duy nhất biết chơi đàn tính tại Trung Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, anh Nông Quang Trung đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng của các cuộc thi lớn.

Anh Nông Quang Trung hòa tấu đàn tính trong Cuộc thi
Anh Nông Quang Trung hòa tấu đàn tính trong Cuộc thi "Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc".

Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xuân Lai, Yên Bình, hát Then đã trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của anh Nông Quang Trung (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái). Anh được nghe hát then từ ông bà, bố mẹ, để rồi những câu hát "Hai chói khảu tảng bác tím thơ/ Bác nhằng cấn hai ơi gỏi thả/ Gằm thơ Bác bấu mà pi bươn" (Trăng xuống nhòm cửa Bác đòi thơ/ Bác bận quá, trăng ơi hãy đợi/ Thơ Bác Hồ chỉ lối ta đi) đã kết đọng thành "giọt sữa” ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn anh. 

Anh tâm sự, anh yêu say đắm tiếng đàn tính, mỗi khi ai đó cất tiếng hát hay những lúc tiếng đàn vang lên, trong lòng anh đều dâng lên một cảm xúc khó tả. Với tình yêu nghệ thuật dân tộc, học lên lớp 5, anh quyết định tìm hiểu về đàn tính - loại nhạc cụ được đánh giá là rất khó với một cậu bé 10 tuổi. 

Bắt đầu với những nốt nhạc đầu tiên, ngón tay còn chưa nhuần nhuyễn, lời ca chưa mượt mà, êm ái nhưng bằng niềm say mê và tình yêu nghệ thuật, anh Trung luôn quyết tâm, kiên trì luyện tập hàng ngày để giọng hát được trong, phím đàn được bay bổng. 

Học đàn tính là phải chấp nhận khó khăn do không có thầy dạy chuyên nghiệp. Ban đầu, anh theo học một cụ già trong làng, rồi sau đó phải tự mày mò, nghe thêm từ băng, đĩa để so sánh với kỹ thuật của mình và tự sửa những lỗi sai. Xác định âm chuẩn cũng là một thử thách bởi đàn tính chỉ có 2-3 dây, người chơi đàn phải có đôi bàn tay khéo léo, đôi tai biết thẩm thấu mới có thể đánh đúng nốt, đúng nhịp. 

Anh Trung kể, ngày mới học đàn, bạn bè khuyên anh nên học chơi những nhạc cụ khác vì cho rằng học đàn tính là đi ngược thời đại. Nhưng bỏ qua lời khuyên ấy, anh vẫn kiên quyết theo đuổi đam mê này.
"Bởi đã yêu thì không còn ngại điều gì để theo đuổi nó", anh chia sẻ.

Thêm vào đó, theo anh Trung, để tìm được một cây đàn tốt cũng rất khó. Vì cây đàn cần đảm bảo các yếu tố như: bầu đàn phải đúng kích cỡ, dây đàn và lỗ đàn phải đạt chuẩn, cần đàn phải được làm từ các loại gỗ dẻo như gỗ mỡ, gỗ xoan,… nhưng nhất định phải chọn cây già, ít vân. Có như thế tiếng đàn mới trong, cây đàn mới bền. 

Với năng khiếu và tình yêu sâu sắc dành cho nghệ thuật dân tộc, anh Trung đã luôn nỗ lực luyện rèn, học hỏi. Từ cậu bé 10 tuổi mới chập chững học cầm đàn, gảy đàn, nay anh đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng của các cuộc thi lớn như: Huy chương Vàng Hội diễn "Tiếng hát công nhân, người lao động toàn quốc" năm 2022; giải Nhì Cuộc thi "Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2020; giải A Liên hoan Nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ II...

Là người duy nhất biết chơi đàn tính tại Trung Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, anh Trung được nhiều người yêu quý vì luôn biểu diễn hết mình trong các sự kiện lớn - nhỏ và thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp. Có ai muốn tìm hiểu về đàn tính hay hát then, anh đều sẵn lòng, nhiệt tình chia sẻ. 

Ông Nguyễn Hà Thành - Trưởng đoàn Nghệ thuật dân tộc - Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Yên Bái đánh giá: "Quang Trung là một trong những tài năng trẻ về nghệ thuật dân gian của tỉnh. Thời gian gắn bó với Đoàn, Trung hoạt động rất sôi nổi và có nhiều cố gắng trong sáng tạo nghệ thuật. Với tinh thần ham học hỏi và đam mê đàn Tính, Trung đã phát huy hết khả năng và giành được nhiều kết quả cao trong các kỳ hội diễn. Tôi hy vọng Quang Trung sẽ tiếp tục tìm tòi, học hỏi các chất liệu âm nhạc dân tộc để gìn giữ và quảng bá văn hóa, nghệ thuật dân gian của Yên Bái tới bạn bè ngoài tỉnh”.

Mong muốn "chắp cánh” cho niềm đam mê và tình yêu nghệ thuật của mình, anh Trung dự định, tới đây sẽ mở một lớp học đàn miễn phí để truyền cảm hứng loại hình nghệ thuật dân tộc này tới các bạn trẻ; để hát then, đàn tính sẽ ngày càng trở nên phổ biến và cũng để văn hóa người Tày không bao giờ mai một theo thời gian.

Hoài Linh

Tags Yên Bái đàn tính nghệ thuật bản sắc Nông Quang Trung Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái nhạc cụ hát then

Các tin khác
Ông Hà Văn Liêm (bên phải) giới thiệu diện tích tre Bát độ mới trồng năm 2022 với cán bộ xã.

Gắn bó với cây tre Bát độ ngay từ những ngày đầu, gia đình ông Hà Văn Liêm ở thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên là một trong những hộ ở địa phương đang sở hữu nhiều diện tích tre trong giai đoạn kinh doanh. Vài năm trở lại đây, mỗi vụ măng gia đình ông thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng.

Thương binh Nguyễn Văn Lợi (bên trái) giới thiệu kinh nghiệm chăn nuôi bò 3B với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Trấn Yên.

Tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và mang trong mình thương tật với tỷ lệ 51%, nhưng thương binh Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1965 ở tổ 11, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên vẫn nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương phát triển kinh tế tiêu biểu ở địa phương.

Ông Tạ Quang Đoàn (thứ 2 bên phải) cùng Ban Công tác Mặt trận thôn báo cáo lãnh đạo xã Đại Lịch về công tác vệ sinh môi trường tại thôn Khe Đồng.

Làm trưởng thôn trong suốt hơn 20 năm và thực sự là người có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đó là ông Tạ Quang Đoàn, 71 tuổi - Trưởng thôn Khe Đồng, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn làm trưởng thôn Khe Đồng.

Hội viên Trần Thị Huân làm giàu từ cây quế.

Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân tỉnh Yên Bái triển khai sâu rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục