Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Hường vẫn hăng say lao động với mong muốn không ngừng mở rộng phát triển sản xuất chăn nuôi, kinh doanh tổng hợp làm gương cho con cháu. Trước đây, gia đình ông chủ yếu phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn và nuôi dê, nhưng do chăn nuôi nhỏ lẻ, kỹ thuật nuôi còn hạn chế nên dịch bệnh nhiều, đầu ra không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao.
Với ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu, ông Hường luôn trăn trở với câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi qua mạng Internet và đọc được bài viết về mô hình nuôi hươu sao tại tỉnh Ninh Bình và Nghệ An, ông quyết định vào tận nơi để tham quan, học hỏi.
Nhận thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung khá hiệu quả, trong khi hươu dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, từ năm 2014, ông Hường đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với số vốn tiết kiệm của gia đình chuyển đổi sang nuôi hươu sao.
Để tiết kiệm chi phí, ông cải tạo lại khu chuồng chăn nuôi lợn trước đây cho phù hợp để nuôi hươu và sử dụng đệm lót sinh học để đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ, thoáng mát.
Ông Hường chia sẻ: "Hươu dễ thích nghi với điều kiện khí hậu, chỉ cần vệ sinh chuồng trại tốt, giữ ấm vào mùa đông và cung cấp đủ thức ăn là được. Thức ăn của hươu cũng giống như trâu, bò, dê chủ yếu là cỏ voi và các phụ phẩm nông nghiệp. Mỗi năm, gia đình vừa bán hươu giống và nhung hươu thu về khoảng trên dưới một trăm triệu đồng...”.
Là người luôn năng động, nhận thấy nhu cầu về sản xuất nông nghiệp và mặt hàng vật liệu xây dựng của người dân, ông Hường đầu tư mở thêm cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Đặc biệt, những năm gần đây, sẵn nguồn vật liệu sắt, thép, xi măng, ông Hường tiếp tục nghiên cứu sản xuất chậu hoa cây cảnh và các loại kiểu dáng hàng rào bê tông, tăng thu nhập cho gia đình.
Được biết, ngoài những khách hàng quen, ông Hường còn đăng bán hàng trên mạng xã hội vì thế ngày càng có nhiều khách hàng từ các địa phương lân cận tìm đến để mua hươu giống, nhung hươu hay chậu hoa cây cảnh, hàng rào bê tông của gia đình ông.
Sản xuất kinh doanh hiệu quả, ông Hường không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo được việc làm cho lao động địa phương lúc nông nhàn. Sau khi trừ các khoản chi phí, trung bình tổng thu nhập của gia đình ông Hường đạt trên 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ là tấm gương CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội CCB, ông Hường còn luôn gương mẫu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của Hội như thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới; hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, động viên bà con thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông Hường cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giúp đỡ bà con, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Hoàng Chí Viện - Chủ tịch Hội CCB xã Minh Xuân, chi hội CCB thôn Kiên Cố hiện có 14 hội viên. Hội viên Chi hội luôn gương mẫu, đi đầu trong đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh. Bên cạnh đó, Chi hội CCB thôn Kiên Cố còn xây dựng được quỹ chi hội cao nhất trong xã hiện nay, trung bình đạt trên 2 triệu đồng/người.
"Cá nhân Chi hội trưởng Nguyễn Văn Hường là gương điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Với tinh thần lao động cần cù, ham học hỏi và năng động đã giúp ông Hường vươn lên từ một gia đình nghèo khó trở thành một điển hình sản xuất giỏi. Hàng năm, ông Hường luôn được tổ chức hội CCB các cấp tặng giấy khen vì đã có thành tích trong lao động sản xuất và nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua. CCB Nguyễn Văn Hường là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua "CCB gương mẫu” để mọi người học tập và làm theo…" - Chủ tịch Viện nói.
Vũ Đồng