Hoa hồng quế xao xuyến nở hai bên đường dẫn lối, đóa lan tỏi bâng khuâng tím trên vòm cổng nghiêng cong, ngôi nhà của cô Hoàng Thị Vỵ ở thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình ấm áp và bình yên. Ấm áp và bình yên lúc vợ chồng cô thay nhau trông chừng bọn trẻ chờ bố mẹ đón về. Ấm áp và bình yên những nụ cười của bố mẹ tới đón con chứa chan niềm vui và hy vọng…
Đồng cảm và chia sẻ
Đã hơn 6 tháng nay, cô Vỵ thêm bận rộn. Sáng thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư hàng tuần, lớp học đặc biệt của cô duy trì đều đặn. Lớp học đặc biệt của cô giáo nghỉ hưu với 8 học trò khuyết tật về trí tuệ, ngôn ngữ, vận động, bại liệt, đa khuyết tật… Đây là 8 em trong 17 em mà cô đã đến nhà động viên, hướng dẫn, hỗ trợ gia đình cách chăm sóc, dạy dỗ từ khi chính thức nghỉ hưu ngày 1/5/2020.
Hôm nay thứ Sáu, không có lịch dạy, cô đến thăm em Trịnh Ngọc Huy ở thôn Ngòi Chán. Huy 12 tuổi, em bị khuyết tật trí tuệ, ngôn ngữ và mắt. Mẹ em, chị Đàm Thị Mây cất tiếng thoảng nhẹ như dáng vẻ: "Con vào lớp 1 rồi lớp 2, lần nào cũng giống lần nào, đưa con đến trường nhưng vừa đạp xe về nhà thì cô giáo lại gọi điện báo cháu bỏ lớp, không học. Nhiều lần, quá nản, tôi đành để con ở nhà. Thơ thẩn, lầm lũi một góc, một mình, nhìn con sao xót xa…”.
Đi làm phổ cập lúc còn đang công tác, cô Vỵ biết hoàn cảnh nên thường tranh thủ ghé thăm Huy. Qua tiếp xúc, nhận thấy em có khả năng tiếp nhận kiến thức, cô vận động bố mẹ cho Huy đến lớp học của mình. "Hỏi con chuyện đi học, con gắt gỏng "Không đi. Không đi”.
Dỗ mãi, may thế nào con đồng ý. Rồi cũng không thể ngờ chỉ sau có 1 buổi đến lớp cô Vỵ thì cháu lại đòi đi học. Những ngày nghỉ ở nhà, con mong đến lớp lắm, hỏi mẹ suốt sao cứ mai, cứ mai mới đi học. Tan lớp về, khoe ríu lên cô Vỵ cho con học nọ học kia, vui chơi, múa hát, ăn bánh kẹo” - chị Mây âu yếm nhìn con kể tiếp. Mỗi buổi được đến lớp, tự vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, không chịu ăn sáng, Huy ra ngõ đứng chờ mẹ đèo đi học.
Con thay đổi từng ngày, biết đọc, biết viết, biết đỡ mẹ nhặt rau, quét nhà, quét sân, chị Mây mừng hơn ai hết: "Nếu không có cô Vỵ, không có lớp học này, con tôi chắc vẫn như xưa. Chúng tôi không biết nói sao để cảm ơn cô Vỵ đã quan tâm, dạy dỗ con tôi được như bây giờ!”.
Niềm vui của chị Mây cũng là niềm vui của cô Vỵ khi chứng kiến Huy tiến bộ từng ngày: "Cháu đã biết chào khi gặp tôi chứ không bỏ chạy lên gò đồi, không trốn gặp, không đuổi tôi "Cút đi, cút ra” như ngày đầu mới gặp.
Cũng khác xưa, cháu đã biết và bày tỏ tình cảm thân thiết với tôi”. Đơn giản thế, Huy và các bạn cùng lớp học không biết rằng, mỗi sự thay đổi dù nhỏ, rất nhỏ của mình đã tạo nên cảm hứng, động lực lớn, rất lớn cho bố mẹ, cho cô Vỵ.
Phải "chộp giật” cơ hội!
Lớp học của cô Vỵ đặc biệt bởi trẻ dù 9 tuổi hay 14 tuổi thì cũng vẫn thật non nớt. Buổi sáng đến lớp, thấy cô ra đón là các bạn gọi ầm lên, thích gọi thì gọi thôi, bạn gọi "Cô Vỵ ơi!”, bạn hét "Bà Vỵ ơi!”, bạn thầm thì "Cháu chào cô giáo ạ!”.
"Giọng bọn trẻ ngọng lắm là ngọng nhưng rất đáng yêu, hạnh phúc không nói thành lời, lòng mình tan chảy vì quá đỗi sung sướng!” - cô Vỵ cười rạng rỡ mà ngấn nước dâng khóe mi.
Vào lớp, ổn định chỗ ngồi, bắt đầu cô khen rằng các bạn ngoan quá, nào là các bạn đi học thật sớm, rồi là tối qua ở nhà có gì vui… thì tranh nhau kể, ngọng líu ngọng lô, có mình cô nghe hiểu được mà thôi. Rồi cô hỏi các bạn muốn học gì, học Toán hay học Tiếng Việt… Lớp học chẳng bao giờ có tiếng quát mắng, chỉ luôn là khen ngợi, động viên, hướng dẫn, khích lệ.
Kiến thức cô dạy trẻ trong sách giáo khoa lớp 1 chương trình cũ. Các bạn ngoài lúc học thì nhiều lúc thích ngủ cô để cho ngủ, ai thích chơi thì cô để cho chơi. "Giáo án nhiều buổi "cháy” nên tôi phải hết sức tranh thủ, phải chộp giật cơ hội để tận dụng thời gian khi trẻ tập trung, muốn học.
Thường trẻ thích gì thì tôi sẽ dạy nấy, không theo mô típ nào cả, nếu trẻ chán học sẽ chuyển sang hát, múa, vui chơi, tập thể dục, ăn bánh kẹo, uống sữa… Mỗi hoạt động đều có thể giúp trẻ có thêm nhận biết, hình thành thói quen và kỹ năng mới. Nghĩa là tùy trẻ, tùy cảm xúc của trẻ để dạy gì phù hợp, trẻ chán sẽ dừng lớp sớm, trẻ vui sẽ cố thêm chút” - cô Vỵ chia sẻ về việc lên lớp dạy học.
Những bức tranh tô màu của các bạn nhỏ ở lớp học của cô Hoàng Thị Vỵ.
Cô cũng tìm cách ghép đôi để các bạn giúp nhau, hỗ trợ nhau trong mỗi buổi học vì có bạn nhận thức nhanh hơn. Vui hơn khi vào năm học mới 2023 - 2024, cô vận động hai gia đình cho em Lê Ngọc Mai 9 tuổi, Hoàng Bá Duy 7 tuổi đến trường học lớp 1.
Quyết tâm làm điều này, thật lòng cô Vỵ muốn để cho hai bạn có cơ hội hòa nhập, thử sức và được thử sức cùng các bạn bình thường đến lớp. Theo được bạn, được lớp thì vui, thì tốt, còn nếu không thì cô lại sẵn sàng đón các bạn trở lại lớp mình.
Giữa tháng Mười, lớp cô Vỵ đón thêm bạn Tráng Tùng Lâm ở thôn Đát Lụa. Nhà cách đây 7 km, em bị khuyết tật trí tuệ, tăng động, giảm chú ý. Nghe tin về lớp học, bà nội em đã điện thoại xin cô cho cháu theo cùng. Cô Vỵ đón trò mới là muốn dành tặng cơ hội cho Lâm, cho gia đình em với hy vọng, mong ước tốt đẹp.
Góp chút sức cho đời
Hoàn toàn miễn phí là lớp học của cô Vỵ. Học phí cô Vỵ nhận được chính là tình cảm, là yêu thương của bọn trẻ, của gia đình các em. Tất nhiên trong cuộc sống, có những việc phải cần thời gian để biết, để thấy, để hiểu có những tấm lòng, có những tình cảm thật sự vô tư, thật sự muốn chia sớt với khó khăn của người khác.
Kiên định con đường muốn đi, muốn làm, những điều cô Vỵ từng nghe khi thực hiện ý tưởng mở lớp học chưa bao giờ là bất cứ vật cản nào. Đâu đó có tấm chân tình rằng sao cô sướng thế mà không hưởng thụ khi sức khỏe của cô cũng vẫn luôn phải cố gắng giữ gìn. Đâu đó có chút nghi ngại, khó hiểu rằng sao tự dưng quàng lấy việc khó vào cái thân cho khổ đời…
Là cuộc đời, sung sướng hay khổ đau, hạnh phúc hay muộn phiền, có thể cũng do cách con người ta quyết định và lựa chọn.
Một lớp học chưa từng có ở Ngòi Khang này, mọi điều kiện về vật chất, về đồ dùng dạy học hoàn toàn đều do vợ chồng cô Vỵ thu xếp ổn thỏa, thì cứ là nói đến thời điểm này. Ngoài lịch dạy học 3 buổi mỗi tuần, ngoài thời gian đến nhà hỗ trợ những cháu không thể đến lớp cùng các bạn, việc chăm lo gần chục héc-ta rừng, chăn nuôi gà vịt, vườn cây ăn quả, 1 sào ao cá, ruộng cấy 5 sào đều có tay cô quán xuyến.
Chồng cô, ông Trần Xuân Trường là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Khang nên cũng không rảnh rang nhiều thời giờ. Có nhau trong buồn vui, chuyện gia đình, việc xã hội, ông Trường khẳng định một điều: "Chưa lo nổi kinh tế gia đình, khó mà có thể nghĩ gì hay làm được gì giúp bất kỳ ai. Thuận vợ thuận chồng, gánh vác, vun vén, phát triển kinh tế nên mới có điều kiện làm điều mình mong. Là đảng viên, là trách nhiệm, là tình cảm cũng chẳng thể rành rẽ nhưng chúng tôi muốn góp chút sức, làm vơi bớt khó khăn của các cháu nhỏ”.
Điều này thì người Ngòi Khang ai cũng tỏ, ông Trường luôn giúp vợ chuẩn bị những buổi đứng lớp, trông chừng bọn trẻ mỗi buổi tan học mà bố mẹ chưa kịp đón về, đưa vợ đến từng nhà thăm các cháu... Vợ chồng ông tích cực ủng hộ hàng chục triệu đồng xây dựng nông thôn mới. Ngòi Khang ngày càng phát triển mạnh mẽ, ông Trường vui mừng lắm! Có một điều ông còn vui hơn nhiều khi lớp học của vợ tổ chức dạy ở hội trường thôn thì tiền điện sáng, tiền nước… đều được tất cả người dân thôn Ngòi Khang nhất trí, đồng thuận ủng hộ miễn phí: "Tinh thần chia sẻ, đồng cảm, tương thân tương ái chính ở đó chứ có gì xa xôi đâu!”.
Cô Vỵ nhớ và kể từng chi tiết, chuyển biến về kỹ năng sống, giao tiếp của 13 trong số 17 cháu, có 4 cháu biết đọc và biết viết tương đối thành thạo, có 1 cháu đọc tốt và viết được bằng chân trái. Mong ước của cô giản dị như này: "Nếu sức khỏe cho phép cùng các yếu tố hội đủ, tôi sẽ mở rộng lớp học để có thể giúp nhiều cháu nữa”.
Lớp học của cô Vỵ như bình minh gọi ngày mới, mang yêu thương đến với các em nhỏ. Tình yêu ấy là gió mát ngày hè, là lửa ủ đêm đông, đong đầy hạnh phúc của ngôi nhà ấm áp và bình yên, của trái tim rung cảm nhịp đời.
Nguyễn Thơm