Đến bằng tấm lòng

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - “Là một giáo viên hay một phụ trách Đội, tôi luôn đặt ra cho mình một mục tiêu phấn đấu: sống và làm việc như thế nào để được phụ huynh tin yêu, gửi gắm con em của họ cho mình dạy dỗ; cấp trên giao nhiệm vụ không phải băn khoăn suy nghĩ và làm sao để bạn bè đồng nghiệp yêu quí”.

Cô giáo Chu Thùy Liên (thứ hai từ trái sang) đang giới thiệu về phong trào vở sạch chữ đẹp của trường.
Cô giáo Chu Thùy Liên (thứ hai từ trái sang) đang giới thiệu về phong trào vở sạch chữ đẹp của trường.

Đó là những gì cô giáo Chu Thị Thuý Liên (Khu B, trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ) gửi gắm trong bài phát biểu tại Đại hội công nhân viên chức năm học 2006-2007 của Phòng Giáo dục thị xã Nghĩa Lộ.

Bước vào nghề sư phạm với vai trò của một tổng phụ trách Đội rồi gắn bó với công tác này suốt mười năm liên tiếp, chừng ấy năm làm Tổng phụ trách, cũng là chừng ấy năm chị thành công trong công việc, vinh dự được nhận Huy chương Tổng phụ trách Đội giỏi toàn quốc năm 2000; Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ của Trung ương Đoàn năm 2005; bằng khen Tổng phụ trách Đội giỏi của Trung Ương Đoàn năm 2006…

 

Chuyển sang vị trí trực tiếp giảng dạy của cô không đơn giản là muốn thử sức mình mà còn là hành động của một người “không chọn việc nhẹ nhàng”. Năm học 2006-2007, hiểu được sự băn khoăn của Ban giám hiệu trong việc lựa chọn giáo viên vào khu lẻ, thay thế cho đồng nghiệp đã nhiều năm giảng dạy ở khu này, cô giáo Liên đã tình nguyện xung phong đứng lớp ở khu B. Đồng thời cũng là việc muốn giúp học sinh khu lẻ được tham gia các hoạt động Đội như ở khu A.

 

Với suy nghĩ, nghề “trồng người” thì phải hiểu được con người mình sẽ “trồng” như thế nào và phải chăm sóc ra sao, ngày nhận lớp cũng là ngày cô giáo Liên bắt đầu đến từng gia đình để biết được điều kiện, hoàn cảnh và đường đi học của các em. Sự tận tình này khiến cô Liên biết được rằng nhiều học sinh nhà ở giáp xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn) đi học phải qua suối, 30 em ở lớp 2 và 3 nhà ở bản Lọng lại phải đi trái đường rất vất vả. Vì vậy, chuyện nhiều em sau khi về nhà vào buổi trưa, buổi chiều đến lớp muộn hoặc không đến lớp nữa đã ít nhiều xảy ra. Rồi ở khu lẻ này hầu hết là con em dân tộc thiểu số với phần đa là người Thái nên chuyện vận động học sinh đến lớp bấy lâu vẫn là điều khó khăn.

 

Làm thế nào để tất cả các em đến với trường với lớp, đến rồi lại muốn ở lại với thầy cô, bạn bè? Ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô đã cùng với đồng nghiệp vận động phụ huynh thực hiện chế độ cho các em ăn nghỉ tại trường buổi trưa để vừa đảm bảo sức khoẻ cho các em, vừa đảm bảo được tỉ lệ chuyên cần và giáo viên có điều kiện kèm cặp thêm cho các em. Thế là, 45 học sinh - bằng nửa số học sinh của khu B, bắt đầu những ngày gói gém khẩu phần ăn trưa cùng cặp sách mỗi ngày đến lớp.

 

Thương lắm lũ trẻ với những suất cơm đến trưa đã nguội mà lại chỉ có vài hạt lạc, măng ớt hay muối trắng. Vậy là, nồi cơm điện, ấm điện “tư gia” của cô Liên được chính tay cô trưng dụng, mua thêm mớ rau xanh cho bữa trưa của lũ học trò thêm hơi nóng. Dẫu rằng, nồi cơm điện không phải là để nấu cơm mà là nấu một nồi canh đặc, ấm điện không phải chỉ để đun nước uống mà là để pha thêm nước vào nồi canh. Duy nhất cô giáo Liên ở lại cùng ăn trưa với học trò. Những ngày đầu, nhiều học sinh chưa quen, có em không ở lại trường, có em ăn cơm xong lại trốn về nhà, chiều không đến lớp nữa.

Rồi nhiều gia đình nuông chiều con, mưa một chút cũng cho con nghỉ học, có nhà lại không quan tâm đến chuyện học hành của con em, không muốn cho con đi học…Cô giáo Liên lại lặn lội đến từng gia đình phân tích, động viên. Không ít lần, cô còn phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ nơi gia đình học sinh sinh sống vừa nhắc nhở, vừa động viên, thậm chí giở cả luật đọc cho phụ huynh, phân tích cụ thể để họ nhận thức được và cho con em đi học.

 

Những ngày đầu năm học, chuyện ngủ nghỉ của lũ trò cũng đơn giản. Nhưng rồi cô Liên không khỏi lo khi mùa đông đến. May sao, chính những lời phát biểu tâm huyết đã được chứng minh bằng việc làm của cô về "kỉ cương, tình thương, trách nhiệm" trong Hội nghị Công nhân viên chức đã làm xúc động nhiều người. Sau hội nghị, cô giáo Liên mừng vui nhận về cho học sinh 10 cái đệm, 8 cái chăn và 45 cái gối cùng 10 cái chiếu. Phụ huynh và học sinh khu B trường Nguyễn Bá Ngọc chưa thể quên được ngày 22/12 năm trước. Một hoạt động ngoại khóa của học sinh toàn trường đã diễn ra sôi nổi với các hoạt động: trưng bày kết quả học tập, đồng diễn thể dục thể thao, thi hát múa, các trò chơi, làm báo tường…Chủ trì ngày hôm đó không ai khác là cô giáo Liên. Những tấm giấy mời được cô Liên cẩn thận viết tay gửi đến từng phụ huynh học sinh để cùng tham dự buổi sinh hoạt ngoại khoá này. Tận mắt chứng kiến kết quả học tập của con em mình, trực tiếp thấy con em tham gia hoạt động của trường, của lớp, rồi tham quan chỗ ăn nghỉ của các em, không phụ huynh nào lại tỏ ra quá thờ ơ với chuyện học tập, ăn nghỉ của con em ở trường và hiểu được tấm lòng của cô giáo. Vậy là, ngày hôm sau, người góp công, người góp vật liệu, họ cùng nhau đóng được 5 dát giường cho con em mình. Buổi ngoại khoá với mong muốn huy động sức đóng góp của phụ huynh mang thêm hơi ấm cho lũ học trò của cô Liên đã thành hiện thực. Cô Liên tâm sự “Với học trò, mình phải đến với các em bằng tấm chân tình và lòng tâm huyết”.                                

 

Nhật Hạnh

Các tin khác
Niềm vui của người dân khi nước sạch về bản. (Ảnh: Thanh Tân)

YBĐT - Đến Bản Hán, xã Phúc Sơn (Văn Chấn) hỏi đến anh Hoàng Văn Luyến "nước sạch" thì từ em nhỏ cũng có thể dẫn khách đến tận nhà. Dân bản quý anh vì anh đã mang về cho họ điều mà họ khao khát từ lâu.

YBĐT - Đó là bí quyết nhân giống cây đỗ quyên, một kết quả khá bất ngờ, nhiều người đang tìm cách, anh đã nghiên cứu thành công. Chuyện là, cây đỗ quyên có hoa đẹp và ra hoa vào dịp tết âm lịch, nên nhiều người yêu thích tìm mua. Cây đỗ quyên giống chỉ có thể tìm kiếm ở trên núi cao, nên hiếm, mà đào mãi rồi sẽ hết giống. Giá mỗi chậu hoa đỗ quyên vào dịp tết có giá 300 nghìn đồng, mà không có để bán.

YBĐT - Tỉnh Yên Bái đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nhân đầu tư phát triển trên địa bàn. Trong rất nhiều doanh nghiệp đến đầu tư vào Yên Bái thời gian qua có một doanh nhân nữ đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực kinh Doanh sách, thiết bị trường học. Đó là bà Phạm Thị Minh Thành - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Sách tự chọn văn phòng phẩm Minh Thành - Km 9, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

YBĐT - Anh là Nguyễn Thế Tài, giáo dân ở thôn Hán Đà 2, xã Hán Đà huyện Yên Bình là Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh, kế toán Hội khuyến học thôn. Gương mẫu làm kinh tế giỏi, vận động bà con giáo dân chấp hành tốt nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật; anh vinh dự được lựa chọn đi dự "Hội nghị biểu dương gia đình văn hoá xuất sắc tỉnh Yên Bái năm 2007".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục