Câu chuyện truyền cảm hứng để nhân lên những “bông hoa” điển hình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/8/2024 | 7:41:01 AM

YênBái - Câu chuyện về những người trẻ thành công với ước mơ, hoài bão của mình luôn là niềm cảm hứng mạnh mẽ cho những người trẻ khác, đặc biệt là những thanh niên dân tộc thiểu số - nơi mà khó khăn chồng chất khó khăn như sự nối tiếp, điệp trùng tới ngút ngàn của núi, của rừng già ở nơi họ sinh sống. Nhưng một khi họ vượt qua được khó khăn ấy, câu chuyện của họ sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực để cộng đồng học tập, noi theo.

Khang A Tủa đang tiếp tục thay đổi tư duy, cách làm, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Mông Mù Cang Chải với Dự án Ná nả: Mùa gì mua nấy.
Khang A Tủa đang tiếp tục thay đổi tư duy, cách làm, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Mông Mù Cang Chải với Dự án Ná nả: Mùa gì mua nấy.


Câu chuyện về những người trẻ thành công với ước mơ, hoài bão của mình luôn là niềm cảm hứng mạnh mẽ cho những người trẻ khác, đặc biệt là những thanh niên dân tộc thiểu số - nơi mà khó khăn chồng chất khó khăn như sự nối tiếp, điệp trùng tới ngút ngàn của núi, của rừng già ở nơi họ sinh sống. Thì bởi nghèo, cơ sở vật chất thiếu thốn, bởi tập quán, lối sống khép kín, bởi khoảng cách địa lý, khoảng cách vùng miền… nên chặng đường chạm tay đến ước mơ hay chinh phục thành công lại càng thêm xa hơn với họ. Nhưng một khi họ vượt qua được khó khăn ấy, câu chuyện của họ sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực để cộng đồng học tập, noi theo.

Câu chuyện của Khang A Tủa, 29 tuổi ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải là một trong số đó. Chàng trai với chỏm tóc đuôi ngựa buộc cao, luôn tự tin với bộ trang phục truyền thống của dân tộc đã dũng cảm đánh thức biết bao ước mơ con chữ và tri thức của người Mông. 

Từ một cậu bé 5 lần 7 lượt muốn bỏ học vì cái đói, cái nghèo, A Tủa khiến cả rẻo cao tự hào khi trở thành học sinh người Mông đầu tiên ở Mù Cang Chải đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội rồi lại trở thành chàng trai người Mông đầu tiên nhận học bổng toàn phần và được chọn là một trong 54 sinh viên "đồng kiến tạo” lên lịch sử và tương lai của Trường Đại học Fulbright Việt Nam. 

A Tủa còn có một ước mơ góp sức xây dựng cộng đồng mình, quê hương mình phát triển, vượt ra khỏi những khoảng cách và định kiến xã hội. Hơn ai hết, A Tủa hiểu rõ và có cái nhìn sâu sắc, thiết thực về dân tộc mình, về gia đình, giáo dục và tương lai, số phận của người Mông. 

Đây có lẽ là lý do các dự án A Tủa tham gia và sáng lập như: Vườn mơ - đưa những đứa trẻ Mông xuống phố; Hành động vì sự phát triển của người Mông - chống lại những định kiến và tìm cách bảo vệ văn hóa của người Mông; Ná nả - là nơi để những người phụ nữ Mông bán những sản phẩm mình làm ra… đều góp phần hướng tới một tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc mình. Với hành trình ấy, A Tủa đã lọt Top 5 Nhân vật Truyền cảm hứng trong đêm Gala WeChoice Awards 2019 và cho đến nay hành trình này vẫn đang được A Tủa viết tiếp. 

A Tủa bày tỏ: "Ở Fulbright đã cho em những kỹ năng, kiến thức để phục vụ, giúp đỡ cho chính cộng đồng mình. Hiện nay, em đang sử dụng những kiến thức ấy để hỗ trợ ngày càng nhiều hơn nữa cho người Mông có thêm sinh kế, thu nhập để có điều kiện chăm lo cho những đứa trẻ được học hành. Một ngày nào đó, em sẽ góp sức vào việc kiến tạo nên một chương trình học phù hợp hơn cho người Mông”. 

Hiện tại, A Tủa đã tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Nghiên cứu Việt Nam. Dự án Ná nả - Mùa gì mua nấy vẫn đang được A Tủa cùng Mùa Mua tiếp tục nỗ lực phát triển với hơn 20 hộ dân Mù Cang Chải tham gia. A Tủa cho hay: "Em hiểu rằng, để thay đổi cộng đồng mình, em phải thay đổi chính những người trong gia đình mình trước. Rồi những người đó sẽ tạo ra sự thay đổi cho người khác. Cứ thế sự thay đổi sẽ đến dần. Nay mai thôi, các bà mẹ người Mông cả đời không nói được một từ tiếng Kinh rồi sẽ học cách giao tiếp với người Kinh, kinh doanh và làm giàu như người Kinh…”. 

Đầu năm nay, A Tủa cũng đã xuất sắc vượt qua 200 ứng viên để trở thành đại biểu Việt Nam duy nhất tham dự Chương trình lãnh đạo trẻ cụm ASEAN tại Australia.

Câu chuyện của Sùng A Cải, 32 tuổi ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn với "Ước mơ một triệu cây xanh” thì lại truyền cảm hứng cho giới trẻ trong các hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường. Từ một ước mơ của cậu học sinh người Mông lúc 14 tuổi đã nhận ra sự quan trọng của rừng với thiên tai, môi trường và biến đổi khí hậu là cả một hành trình dài nỗ lực hiện thực hóa. 

A Cải chia sẻ: "Dự án "Ước mơ triệu cây xanh” chính thức được ra đời từ năm 2017 với mục đích là hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cây giống, kỹ thuật để vận động nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo mạch nước ngầm, bảo vệ đất và tạo sinh kế cho các hộ dân phát triển bền vững. Những ngày đầu, mình còn chẳng nhận được sự hưởng ứng, chấp nhận của người dân và gia đình. Mình phải thuyết phục mãi, bố mới chịu trồng cây trên phần đất của gia đình. Rồi bố mẹ thấy quyết tâm, ý nghĩa của việc làm này thì cũng dần chấp nhận và đồng hành cùng mình”. 

Tích cực tuyên truyền, chia sẻ ý tưởng, tìm kiếm người chung ý tưởng, đam mê trong giới trẻ, ước mơ triệu cây xanh của A Cải dần tìm thấy những tình nguyện viên, người đồng hành. Những chiến dịch A Cải tổ chức dần nhận được sự quan tâm của cộng đồng hỗ trợ cho kinh phí hoặc cây giống; thu hút rất nhiều tình nguyện viên đăng ký tham gia; được chính quyền địa phương, đoàn thanh niên xã quan tâm, tạo điều kiện; được các hộ gia đình, các bạn tình nguyện viên địa phương chăm sóc cây sau khi trồng. 

7 năm kể từ ngày bắt đầu, Dự án của A Cải đã nhân rộng tại nhiều tỉnh phía Bắc với trên 900.000 cây xanh các loại được bén rễ. Đến nay, những cây xanh ngày nào còn thấp bé đã phát triển cao lớn, biến những quả đồi trọc, cánh rừng thưa thớt thành một màu xanh ngát. Một số nơi trồng cây còn xuất hiện mạch nước ngầm trở lại và những đàn chim bắt đầu về rừng mới làm tổ. Nhiều hộ dân được A Cải hỗ trợ khi thực hiện dự án cũng bắt đầu có thu nhập từ việc thu hoạch gỗ và một số cây ngắn ngày dưới tán rừng. 


Trên 900.000 cây xanh các loại đã được trồng khắp các tỉnh miền Bắc từ dự án "Ước mơ triệu cây xanh” của Sùng A Cải. 

Cải bộc bạch: "Nhiều người bảo tôi, bản thân chưa có điều kiện kinh tế lại đi làm những việc chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân. Nhưng tôi cảm thấy mình hạnh phúc khi làm công việc đó và công việc đó tạo ra được động lực, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tham gia các hoạt động về môi trường; từ đó, mang lại giá trị cho cộng đồng”. 

Cùng với dự án Ước mơ triệu cây xanh, Sùng A Cải còn sáng lập và quản lý 3 dự án xã hội khác, tập trung hỗ trợ trẻ em vùng cao vươn lên trong học tập và cuộc sống. 

Cùng với câu chuyện lan tỏa giá trị sống, những câu chuyện về thành công trong hành trình khởi nghiệp cũng tạo nên cảm hứng, tinh thần lạc quan, sự đổi mới và khát khao thành công cho người khác. Đó là hành trình khởi nghiệp đầy vất vả khi tiên phong đi trước của cô gái Tày Hoàng Thị Xới ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên hay anh Giàng A Dê ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã thay đổi vùng đất hoang sơ trở nên xinh đẹp, tạo ra sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch. 
Họ đã không ngừng học hỏi, thích ứng và phát triển bản thân để đạt được ước mơ, hoài bão trong sự nghiệp của mình. Rồi sau khi thành công, họ lại chẳng "giấu nghề” mà sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ và kết nối để các thanh niên khác mạnh dạn bước cùng, tạo nên một diện mạo du lịch tỏa sáng cho Lâm Thượng, La Pán Tẩn trên bản đồ du lịch. 

Giàng A Dờ - một thành viên tổ đội xe ôm Hello Mù Cang Chải của Giàng A Dê khoe rằng: "Từ chỗ không có việc làm, giờ đây nhờ Giàng A Dê mà mình cùng nhiều thanh niên trong bản có thu nhập ổn định, được học tập, có thêm kiến thức và biết yêu quê hương, yêu bản sắc văn hoá đồng bào mình”. Còn có những câu chuyện về tấm gương bí thư chi bộ, trưởng thôn người dân tộc thiểu số đã phát huy nhưng thế mạnh tuổi trẻ của mình có những cách làm sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động để người dân noi theo; những tấm gương tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giáo dục, y tế, xây dựng cộng đồng dân cư hạnh phúc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Luôn lấy lời Bác dạy làm kim chỉ nam cho mọi hành động, chẳng ngại khó, ngại khổ, câu chuyện quyết tâm chinh phục ước mơ, thành công của họ mang những thông điệp giá trị về khát vọng, cống hiến đã lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ, tạo ra sự thay đổi cho thanh niên, cộng đồng. Từ đây, tiếp tục nhân lên hàng nghìn, hàng vạn điển hình tiên tiến, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ với thế hệ trẻ.

Hoài Anh

Tags Yên Bái dân tộc thiểu số thanh niên Khang A Tủa Sùng A Cải Giàng A Dê

Các tin khác
Chị Vũ Thị Giang hiến máu tại Ngày hội hiến máu tình nguyện trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động năm 2024.

Không chỉ gương mẫu, nhiệt tình với công việc, giỏi trong chuyên môn, nghiệp vụ, chị Vũ Thị Giang - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình Minh còn luôn hết lòng vì đoàn viên, người lao động (NLĐ), tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phong trào vì cộng đồng, nhất là phong trào hiến máu tình nguyện.

Chị Nguyễn Thị Vân ở thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn chăm sóc bò nái của gia đình.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, với sự chăm chỉ, lòng quyết tâm, người phụ nữ dân tộc Tày Nguyễn Thị Vân ở thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Mạnh (giữa) giới thiệu với lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình chiếc trống đại mới hoàn thành.

Xưa nay, nhiều người biết đến xã Đại Minh (Yên Bình, Yên Bái) bởi sản phẩm bưởi đặc sản tiến vua nức tiếng nhưng ít ai biết rằng nơi đây còn có một nghề cũng đã tồn tại từ rất lâu. Ấy là nghề làm trống, xuất phát từ người con của làng nghề trống Đọi Tam, Hà Nam.

Đoàn viên Lâm Văn Huỳnh (áo xanh, người cầm dúi) chia sẻ với các đoàn viên trong xã mô hình và kỹ thuật nuôi dúi.

Không chỉ là đoàn viên năng động, trách nhiệm, chàng thanh niên Lâm Văn Huỳnh, thôn Đoàn Kết, xã Ngòi A, huyện Văn Yên còn là tấm gương khởi nghiệp vươn lên từ khó khăn. Chàng trai "9X" đã tìm cho mình con đường để lập thân, lập nghiệp bằng mô hình chăn nuôi dúi, mở ra nhiều triển vọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục