Từ nhiệm vụ chuyên môn quân sự đến những buổi sinh hoạt hội phụ nữ, từ những sáng kiến kỹ thuật cấp Quân khu đến mô hình tiết kiệm nuôi ước mơ đến trường cho trẻ em nghèo, chị đã và đang viết nên một câu chuyện sống động về người phụ nữ quân đội thời kỳ mới: trí tuệ, bản lĩnh và đầy nhân ái.
"Làm sao để trọn vẹn cả đôi đường?” - đó là câu hỏi mà chị Hạnh thường tự vấn. Bởi lẽ, cùng lúc chị đảm đương nhiều vai: là một quân nhân chuyên ngành thông tin - khoa học quân sự vốn đòi hỏi sự chính xác, kỷ luật; là người mẹ, người vợ trong một gia đình mà chồng công tác cùng ngành cách xa nhà hơn trăm cây số, con gái lớn đang là sinh viên Học viện Ngoại giao, con gái nhỏ là học sinh chuyên ngữ. Để làm tròn vai, chị chọn học theo Bác: sống khoa học, trách nhiệm, tiết kiệm thời gian và giữ gìn sự nhân hậu trong mọi mối quan hệ.
"Muốn học Bác, hãy học từ việc nhỏ!” - chị tâm niệm vậy và bắt đầu từ chính phong trào thi đua lao động sáng tạo, một thế mạnh của đơn vị chị. Trong vai trò phụ trách công tác khoa học quân sự, chị tham mưu tổ chức thành công các hội thi kỹ thuật, chọn lựa hàng trăm sáng kiến có giá trị thực tiễn cao.
Những con số biết nói: 298 sáng kiến, 6 giải B, 11 giải C cấp Quân khu, cùng hàng loạt giải thưởng cấp tỉnh không chỉ phản ánh trí tuệ mà còn là kết quả của một phương pháp làm việc tỉ mỉ, đầy tâm huyết. Không chỉ "giỏi việc nước”, chị Hạnh còn là tấm gương của người phụ nữ "đảm việc nhà”.
Với chị, giữ lửa cho gia đình cũng chính là giữ nền nếp, gìn đạo lý. Hai người con gái chăm ngoan, học giỏi là kết quả của một sự giáo dục nghiêm khắc, nhưng đầy tình yêu thương.
Từ năm 2016 đến nay, chị là người xây dựng mô hình "Thu gom rác thải tái chế” trong đơn vị, vận động đồng đội cùng thực hiện để tiết kiệm gây quỹ giúp học sinh nghèo. Hơn 15 triệu đồng tiết kiệm được không phải con số lớn nhưng hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc - học theo Bác không ở đâu xa mà từ cách giữ gìn môi trường, san sẻ khó khăn với đồng đội, với xã hội.
Hơn 10 năm học và làm theo Bác, chị Hạnh tích lũy không ít phần thưởng: Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2022, giải Nhì Hội thi kể chuyện về Bác Hồ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch UBND tỉnh, Chính ủy Quân khu 2… Nhưng với chị, danh hiệu lớn nhất là niềm tin của đồng đội, là nụ cười của các em nhỏ được giúp đỡ, là ánh mắt hãnh diện của chồng và các con khi nhắc đến mẹ.
Chị không nói nhiều về thành tích, càng không tô vẽ những gì mình đã làm, với chị sự cống hiến là điều hiển nhiên: "Những gì tôi làm được vẫn còn khiêm tốn, nhưng tôi tin đó là nền tảng để mình tiếp tục học tập, phấn đấu, hoàn thiện nhân cách người phụ nữ Quân đội trong thời kỳ mới” - Thiếu tá Đoàn Thị Hạnh chia sẻ.
Có lẽ, hình ảnh đẹp nhất về chị là khi người phụ nữ mang quân hàm thiếu tá ấy lặng lẽ ngồi giữa hội trường, chăm chú lắng nghe từng ý kiến, từng mô hình sáng kiến của đồng đội, để rồi lại lặng lẽ ghi chép, tiếp tục cho một cuộc "hành quân trí tuệ” khác. Không cần ánh đèn sân khấu, không cần lời tung hô, người phụ nữ ấy vẫn tỏa sáng bằng đức khiêm nhường, sự tận tâm và lòng yêu nước.
Trong hàng ngũ phụ nữ quân đội, có những gương mặt rạng ngời giữa thao trường, có những dấu chân bền bỉ nơi biên cương, còn Thiếu tá Đoàn Thị Hạnh âm thầm ở hậu phương, lặng lẽ góp sức bằng những việc làm ý nghĩa.
Anh Dũng
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu