Bởi không cam chịu đói nghèo
"4.500 m2 ruộng, 7 nhân khẩu trông vào, lại chưa biết áp dụng khoa học kĩ thuật, năng suất lúa thấp. Mọi chi tiêu trang trải của gia đình thực sự khó khăn khi chỉ trông vào hạt thóc". Ông Lường Văn Lếch - người bản Vệ, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ nhớ lại chuyện kinh tế gia đình vài năm trước, cũng là động lực thúc đẩy cho một cách làm nông nghiệp hiệu quả của người nông dân dân tộc Thái.
Bắt nhịp với thâm canh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2005, 2006, trên 4.500 m2 ruộng , ông để lại 3.300 m2 tiếp tục cấy lúa, với việc đưa giống mới và áp dụng kỹ thuật chăm bón, kết hợp thả cá xen lúa, cho thu hoạch khoảng 15 triệu đồng/năm. Đồng thời, ông chuyển 600m2 sang trồng rau màu gối vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2007, ông tiếp tục chuyển 1200 m2 sang trồng rau màu, hoa quả. Với diện tích chuyển đổi này, ông đã trồng 600 m2 cà chua sớm, cho thu hoạch 3 tấn bán giá đầu vụ khá cao nên thu tới 15 triệu đồng; 600 m2 còn lại trồng cà chua chính vụ cũng cho thu hơn 7 triệu đồng. Sau vụ cà chua, ông lại cùng gia đình chuyển 600 m2 sang trồng dưa chuột thu 3 tấn quả được 6 triệu đồng. Sau vụ dưa chuột, ông Lếch đưa tiếp dưa hấu vào trồng và đã cho thu hoạch cả chục triệu đồng. Từ mảnh đất độc canh cây lúa, người nông dân dân tộc Thái 66 tuổi này đã chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hoá cây trồng với 3 vụ rau, màu/năm mang hiệu quả kinh tế cao, xứng đáng là mô hình để bà con nông dân làm theo.
Vì tiếc đất hoang
Ở cái tuổi 62 với suất lương hưu cựu chiến binh, ông Nguyễn Hữu Lưu ở tổ 19 phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) hoàn toàn có thể cùng vợ sống nhàn nhã, an hưởng cuộc sống tuổi già khi con cái đều đã phương trưởng thành đạt. Nhưng không để đôi bàn tay được rảnh rang, vợ chồng ông vẫn tiếp tục gắn bó với rừng với cây.
Vào thời điểm những năm 1990 khi Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng cho nhân dân tham gia quản lý bảo vệ, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hàng ngày, đi lấy củi trên đồi Pú Trạng, ông Lưu xót xa nhìn đồi núi trọc trống trơ; ông bàn với vợ: "Mình còn sức khoẻ nên nhận ít đất rừng để trồng cây". Thuận vợ thuận chồng, 11,6 ha đất trống, đồi trọc được vợ chồng ông nhận về. Có đất, ông Lưu dành thời gian đi học hỏi kỹ thuật trồng rừng, bắt đầu từ việc ươm cây tại nhiều cơ sở.
Với kiến thức này, hai vợ chồng đã tự đi mua các giống cây nhãn, bồ đề, bạch đàn về ươm trồng. Cách làm này đã giúp cho gia đình ông giảm chi phí ban đầu, bởi vậy mà với 5 triệu đồng ít ỏi vay được từ vốn xoá đói giảm nghèo mà ông đã đủ thuê cả lao động cùng hai vợ chồng phát dọn đồi hoang trồng rừng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hai năm đầu khi cây chưa khép tán, ông trồng xen cây sắn, mỗi năm thu hoạch trên 3 tấn. Đến năm 1995, sau khi thu hoạch sắn, ông bắt đầu chặt tỉa bồ đề, bạch đàn bán và thu được 15 triệu. Đây cũng là cách trồng rừng hiệu quả trên đồi núi trọc mà ông đã làm. Đến năm 2006, 2007, đất rừng đã cho ông thu hoạch 20 đến 25 triệu đồng/năm.
Năm 2006, gia đình ông tiếp tục đăng ký trồng theo dự án, mỗi héc ta thuê khoảng 150 công vừa phát dọn, cuốc hố trồng và làm cỏ… Chẳng bao lâu, 11 ha đồi Pú Trạng trống trơ năm nào, nay trên tầng cao là 2.300 cây keo mướt xanh, 7.000 cây bạch đàn xuôi lưng chừng đồi thấp, dưới cùng phủ bởi mầu xanh của 5.000 cây bồ đề, quế. Bên mảnh đất thổ cư của gia đình ông cũng vẫn một màu xanh ấy của hàng trăm cây vải, cây nhãn. Mùa đơm bông, mùi hương hoa nhãn thơm nồng mời gọi tiếng vo ve, xè xè của hàng mấy chục đàn ong đi lấy mật dưới vườn vải, vườn nhãn. Những cây nhãn cây vải cũng đã quen thuộc với đàn ong mật suốt 15 năm nay, cho gia đình thu trên 130 kg mật mỗi năm. Hết bận rộn với công việc nuôi ong lại quay ra chăm sóc rừng trồng, nhưng vợ chồng ông Lưu lại bảo: "Cứ luôn chân luôn tay thế này mới hạnh phúc".
Còn sức còn làm
Khi khối óc còn tính toán được, đôi bàn tay còn làm lụng, tội gì ngồi đấy nhìn ngày dài buồn chán. Bởi vậy mà nhiều người cao tuổi khác ở thị xã Nghĩa Lộ đang tích cực tham gia lao động phát triển kinh tế. Điển hình như: vợ chồng Bà Trần Thị Vinh đã 65 tuổi ở tổ 7 phường Pú Trạng vẫn xây dựng chuồng trại chăn nuôi, xuất chuồng 4 tấn lợn và hàng tấn gia cầm mỗi năm. Rồi cụ ông Hoàng Văn Quay ở bản Đêu 3, xã Nghĩa An, đã 73 tuổi vẫn vận động và chỉ đạo con cháu nhận trồng chăm sóc hơn 10 ha thông, 3 ha bồ đề, 2 ha keo và 800 cây quế... Còn rất nhiều tấm gương người cao tuổi ở Nghĩa Lộ tham gia làm kinh tế không thể kể hết được.
Theo ông Lương Văn Đức, Trưởng Ban đại diện người cao tuổi thị xã Nghĩa Lộ thì: "Hiện toàn thị xã có trên 1.120 người cao tuổi trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Trong đó có 6 trang trại, 1 doanh nghiệp do người cao tuổi làm chủ, gần 60 ha rừng trồng do gia đình người cao tuổi trồng và chăm sóc…Phải thừa nhận nhiều mô hình kinh tế do người cao tuổi và gia đình tổ chức làm ăn có hiệu quả cao, từng bước làm thay đổi cuộc sống gia đình, từ chỗ thoát nghèo cho đến vươn lên làm giàu chính đáng".
Như 18 chữ vàng Bác Hồ đề tặng người cao tuổi: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bằng hành động, bằng việc làm thiết thực phát triển kinh tế gia đình và xây dựng quê hương, những bậc ông bà ấy là tấm gương sáng để con cháu trông vào. Thế mới thấu, cái vị gừng già mới thực nồng cay!
Thu Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu