Người thương binh chăn nuôi giỏi

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cách đây vừa tròn 40 năm, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai 17 tuổi Trần Văn Như ở thôn Hán xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đóng quân tại nước bạn Lào rồi vào chiến trường miền Nam chiến đấu, năm 1975, ông Như trở về địa phương và xây dựng gia đình với bà Vũ Thị Xuyến là người cùng thôn. Sau đó, ông tiếp tục tái ngũ và đóng quân tại Bát Xát – Lào Cai, đến năm 1980 thì xuất ngũ.

Trong thời gian 12 năm tham gia quân ngũ, ông bị thương 4 lần, nặng nhất là lần bị bom vùi dưới hầm vào tháng 4 năm 1972. Do sức ép của quả bom nên cứ đêm đến đầu lại đau không ngủ được, ông thường xuyên phải dùng thuốc thần kinh và trợ sức. Với tình hình sức khỏe như vậy, lẽ ra ông Như phải được nghỉ ngơi dưỡng sức, song là trụ cột trong gia đình nuôi 5 người con ăn học cũng phải chi phí rất nhiều nên ông vẫn cố gắng phát triển kinh tế gia đình.

 

Với bản chất anh bộ đội cụ Hồ, ông Như đã động viên gia đình làm kinh tế theo hướng phát triển chăn nuôi tổng hợp. Ban đầu ông vay vốn ngân hàng xây dựng 30m2 chuồng trại và mua giống các loại con trâu, bò, lợn, vịt đẻ và dê về chăn nuôi. Sau vài năm, ông bán hết 7 con trâu, 6 con bò và đàn dê tập trung chăn nuôi lợn thịt và lợn nái. Đến nay, sau hơn 30 năm nuôi lợn nái và lợn thịt, bình quân một năm gia đình ông xuất chuồng từ 2 đến 3 lứa lợn thịt, tương đương với 4 đến 5 tấn lợn hơi. Lợn thịt nhà ông trung bình được 100kg trở lên mới xuất chuồng, năm 2007 cá biệt có 1 con nặng tới 206kg.

 

Trong tháng 6 năm 2008, gia đình ông xuất chuồng 18 con lợn thịt được gần 2 tấn, bán ra thị trường với giá 31 triệu đồng/tấn. Riêng lợn nái sinh sản là nuôi để bảo đảm gia đình không phải mua giống. Hiện trong chuồng nhà ông còn 9 con lợn, trọng lượng từ 1 tạ trở lên, trong đó có 5 con lợn thịt và 4 con lợn nái. Vừa qua, gia đình ông đã đầu tư 13 triệu đồng xây hầm biogas để vừa tiết kiệm chất đốt vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Nguồn thức ăn nuôi lợn chủ yếu là rau xanh, cám ngô, các phụ phẩm nông nghiệp khác. Dự định của gia đình ông Như trong thời gian tới là sẽ tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi lợn với quy mô lớn hơn và mong muốn được tham gia dự án xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng tập trung của huyện đang triển khai. Ông cho biết, nếu được vay vốn nhiều thì ông nuôi càng nhiều, có thể còn phát triển thêm nghề nuôi cá.

 

Kinh tế khá giả, con cái ông được học hành chu đáo và hiện nay đã có 4 người xây dựng gia đình, trong đó hai người con gái theo nghề giáo viên. Với ông Như thì lao động luôn là niềm vui, là điều kiện để cuộc sống no đủ và nâng cao sức khỏe. Ông còn có một niềm vui lớn hơn là con cái lớn lên ăn học trưởng thành, con cháu nội ngoại về chơi với vợ chồng ông vào mỗi dịp hè đều khoe với ông về thành tích chăm ngoan học giỏi.

 

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Như còn là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu trong các phong trào và hoạt động do Hội Cựu chiến binh phát động. Với hàng xóm ông luôn nhiệt tình giúp đỡ về kinh nghiệm sản xuất và được bà con làng bản kính phục. Thương binh Trần Văn Như thực sự là một tấm gương sáng về tinh thần lao động cần cù, năng động, vượt khó để nhiều người học tập.

 

Ngọc Lan

Các tin khác

YBĐT - Theo lời giới thiệu của Hội Người cao tuổi thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Vì Văn Luân (dân tộc Thái) ở thôn Đêu 3, xã Nghĩa An. Bước vào tuổi 62 nhưng ông Luân vẫn còn khoẻ khoắn thể hiện sức vóc của một lão nông tri điền.

Giám đốc Nguyễn Hồng Quang (thứ ba, phải sang) cùng anh em công nhân bên dây chuyền sản xuất gạch tuynel công suất 15 triệu viên/năm dự kiến hoàn thành vào quý II/2009.

YBĐT - Trên vùng đất lũ Cát Thịnh (Văn Chấn), mới đây mọc lên một toà nhà 5 tầng sang trọng, trị giá cả tỷ đồng. Mấy ông khách từ xa thường xuyên qua đây ngạc nhiên: Không biết ai ở vùng đất lũ khó khăn này lại có ngôi nhà to thế? Họ có biết đâu, chủ nhân của nó là ông Nguyễn Hồng Quang, một người chuyên nghề đốt gạch, chiều nào cũng đánh cờ tướng với mấy bác xe ôm...

YBĐT - Tôi tự thấy xấu hổ với bản thân mình khi gặp người thương binh nặng Lương Viết Huấn tại nhà riêng ở thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng (trước đây là Đông Lý), huyện Yên Bình (Yên Bái), bởi phải cuốc bộ qua một đoạn đá sỏi lẫn bùn đất của quốc lộ 70 và đường đất dốc lầy thụt từ đó ra sát mép hồ Thác Bà, nên có lúc đã nghĩ là gian khổ quá!

Ông Nguyễn Hữu Thà thăm ao của gia đình.

YBĐT - Ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái (Yên Bái) nhiều người biết đến ông Nguyễn Hữu Thà, thương binh 1/4, người luôn mẫu mực trong các phong trào hoạt động của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục