Thành công từ nghị lực và sự năng động
- Cập nhật: Thứ tư, 23/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái), nhiều người biết đến anh Lương Trường Tuyên, hội viên Hội Nông dân xã như một tấm gương sáng vượt khó làm giàu.
Sau khi bộ đội trở về, điều kiện kinh tế khó khăn, cái đói cái nghèo cứ bám theo gia đình anh trong nhiều năm. Là một người lính với ý chí và nghị lực quyết tâm, không cam chịu cảnh đói nghèo, nhận thấy khu đất mình ở thuận lợi về giao thông (gần đường bộ, đường thuỷ), là đất thịt có trộn lẫn phù sa lại ở xa cánh đồng, xa khu dân cư nên có thể sản xuất vật liệu xây dựng được lại qua tìm hiểu thị trường, anh nắm được nhu cầu về vật liệu xây dựng ngày càng tăng nên đã quyết định đầu tư vào sản xuất gạch. Ban đầu không có vốn, anh bàn với gia đình vay 2 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thuê mặt bằng, đắp lò.
Anh tâm sự: “Lúc mới bắt đầu làm gạch có nhiều khó khăn lắm! Đi bộ đội về có biết gì nhiều về làm kinh tế đâu, vốn gia đình chẳng có, chỉ sợ làm ăn thất bại thôi!”. Nhưng với bản lĩnh của người lính lại được gia đình ủng hộ, động viên, anh đã làm và làm hết mình. Chẳng bao lâu sau gạch của anh được đông đảo người dân tiếp nhận, bán rất chạy.
Thuận lợi về thời tiết, mỗi năm gia đình anh cho ra được từ 5 - 6 lò gạch, mỗi lò 4 vạn gạch. Gạch được tiêu thụ cho nhiều người dân trong và ngoài xã đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ gạch trên 30 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh còn mạnh dạn dồn điền đổi thửa, đầu tư mua lại đất trống đồi trọc tạo thành một khu khép kín, anh trồng 10ha rừng gồm keo, tre măng Bát Độ, cây sơn và đắp đập nuôi cá, nuôi 200 con gà đẻ trứng và ong lấy mật. Nhờ phát triển kinh tế đúng hướng, tổng cộng các khoản mỗi năm gia đình anh cũng thu về từ 60 - 70 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Thành cho biết: “ Đây là một mô hình kết hợp nhiều mặt, bao gồm kinh doanh vật liệu xây dựng và kết hợp với mô hình VACR, trong tương lai sẽ có nhiều triển vọng và mô hình này đang được tuyên truyền, phổ biến tới nhiều bà con trong địa bàn xã”. Khi được hỏi về dự định trong tương lai, anh Tuyên cho biết: “Trong tương lai, tôi muốn mở rộng diện tích sản xuất, quy mô nhà xưởng, học hỏi kinh nghiệm, tham quan mô hình sản xuất gạch không khói ít ô nhiễm môi trường để xây dựng lò liên hoàn; tích lũy vốn để mở thêm một bến cát sỏi trên địa bàn xã để cung cấp vật liệu cho bà con nhân dân trong vùng”.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tuyên còn là một hội viên Hội Nông dân tích cực, tham gia đầy đủ các phong trào đoàn thể, chấp hành tốt nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước, giúp đỡ các hội viên khác và bà con hàng xóm cùng phát triển kinh tế. Đồng thời, anh luôn biết quan tâm, động viên, khen thưởng khích lệ tới những nhân công tích cực, sáng tạo trong lao động.
Năng động và đầy ý chí nghị lực quyết tâm, anh Tuyên thật sự là tấm gương sáng trong công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của xã Việt Thành.
Phạm Toàn
Các tin khác
YBĐT - Năm 1979, anh Phạm Văn Bình rời quê huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cùng gia đình định cư tại thôn Tân Lập, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên (Yên Bái). Đến nay bước sang tuổi 57, anh đã có tài sản trị hàng trăm triệu đồng nhờ làm tốt mô hình trang trại VAC.
YBĐT - Anh Hoàng Ngọc Dương, dân tộc Tày, ở thôn Chùa, xã Chấn Thịnh huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một điển hình phát triển kinh tế hộ gia đình mỗi năm thu trên 100 triệu đồng.
YBĐT - 70 năm tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, vinh dự năm lần được gần Bác Hồ, cho đến bây giờ, ông Nguyễn Ngọc Hoan - Bí thư Chi bộ 11, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn không ngừng cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Ông là một điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của thị xã Nghĩa Lộ.
YBĐT - Là người nông dân quanh năm quen với cảnh một nắng hai sương cũng chỉ dám mong có đủ ăn, đủ mặc chứ ít ai dám nghĩ đến việc làm giàu. Đó là suy nghĩ của đa số những người nông dân một số xã ở Trấn Yên, bởi diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người còn thấp và đa phần là đất cằn cỗi, bạc màu. Vậy mà trái với những suy nghĩ ấy, nông dân Phí Đắc Hùng ở thôn Thịnh An, xã Quy Mông vẫn đang ngày ngày làm giàu cho bản thân và cho quê hương bằng sự thông minh, cần cù của mình.