“Đứng” vững trên đôi tay

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/9/2010 | 9:37:02 AM

YBĐT - Tinh thần không chịu khuất phục đầu hàng trước số phận của người lính Cụ Hồ được chắp thêm đôi cánh của tình yêu thương. Tại nơi điều dưỡng, anh Hùng gặp nữ thương binh Đỗ Thị Nhâm. Hai con người không đầu hàng thương tật ấy tìm thấy ở nhau sự đồng điệu tâm hồn và nảy nở tình yêu thương.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ, động viên thương binh Nguyễn Trọng Hùng tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ, động viên thương binh Nguyễn Trọng Hùng tại Hà Nội.

Nói vậy quả đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với người thương binh hạng 1/4 Nguyễn Trọng Hùng. Đi qua chiến tranh, gửi lại đôi chân ở chiến trường, từ hai bàn tay trắng, nhưng bằng nghị lực, vượt lên thương tật, anh cùng vợ - chị Đỗ Thị Nhâm cũng là thương binh hạng 1/4 giờ đây đã có một gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả ở phố Yên Thắng, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.

Hình ảnh người thương binh đi bằng tay đã trở nên rất đỗi quen thuộc với những người dân sống quanh khu chợ Km6 - thành phố Yên Bái. Hôm nào cũng vậy, anh cùng vợ thức dậy từ sáng sớm, vội vàng vào trang trại chăm đàn lợn hơn năm chục con. Thay cho đôi chân, đôi tay anh thoăn thoắt vừa dùng để đi, vừa làm mọi công việc. Chị Nhâm cũng quần quật không ngơi tay. Khi đàn lợn bóng bẩy, no tròn, khi chuồng trại, vườn tược sạch sẽ, hai anh chị lại tất bật trở lại với cửa hàng ăn để chuẩn bị hàng bán vào buổi chiều tối. Anh bảo, trời thương, cho anh chị sức khoẻ, chứ không thì anh chị không thể trụ lại với cuộc mưu sinh hiện tại. Trời thương anh chị đến đâu thì bà con xóm phố không rõ, chỉ thấy anh chị cứ quần quật từ sáng đến tối, bền bỉ và kiên cường. “Thực ra, cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tự động viên nhau là mình phải cố gắng vượt qua thương tật. Thôi thì trong cái vất vả cũng có sự vinh quang” - anh Hùng bảo vậy.

Năm 1980, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Trọng Hùng rời quê hương Phú Thọ tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Chiến trường biên giới súng đạn không làm nản lòng người chiến sỹ, nhưng mìn nổ đã phạt đứt hai chân người lính mới 23 tuổi đời.

Cuối năm 1984, anh phải trở về tuyến sau với thương tật trên 93%. “Chiến trường, trận mạc thì phải chấp nhận thương tích, mất mát. Tôi khi ấy cũng chỉ xác định một thôi: nếu mình còn sống trở về, thì dù thế nào cũng phải làm cái gì đó có ích cho bản thân và cho gia đình”. Cái điều xác định ấy, nói ra thì đơn giản nhưng làm được, phải nghị lực và kiên cường lắm mới vượt qua được nỗi đau thể xác, xốc lại tinh thần, tiếp tục cuộc chiến đấu không súng đạn.

Tinh thần không chịu khuất phục đầu hàng trước số phận của người lính Cụ Hồ được chắp thêm đôi cánh của tình yêu thương. Tại nơi điều dưỡng, anh Hùng gặp nữ thương binh Đỗ Thị Nhâm. Hai con người không đầu hàng thương tật ấy tìm thấy ở nhau sự đồng điệu tâm hồn và nảy nở tình yêu thương. Một đám cưới đơn giản nhưng ấm cúng đã được tổ chức ngay tại trại thương binh. Đứa con đầu lòng cũng chào đời tại đây. Khi đó, ai cũng mừng cho anh chị nhưng cũng không khỏi lo lắng thay cho một gia đình sẽ phải đối mặt với bao nhọc nhằn của cuộc sống thường ngày đang đợi chờ phía trước.

 Cuộc sống quả thật không dễ dàng gì khi anh chị trở về xây dựng kinh tế gia đình trên quê ngoại. Những năm đất nước khó khăn, người lành lặn còn mệt nhoài bươn chải cho mối lo cơm áo, huống hồ là hai thương binh nặng. Anh chị xoay trần với việc mua và mổ gia súc để bán. Ngày đầu chưa quen, người mệt bã mà lờ lãi chẳng đáng là bao. Rồi hai người con nữa lần lượt chào đời, cuộc sống còn thêm khó. Anh làm bất cứ công việc gì có thể: hết mổ gia súc, lại làm quán bán giải khát, rồi bảo vệ trông coi chợ. Nhiều người khi đó nhìn cuộc sống của anh mà ái ngại. Nhưng anh đã chứng minh cho mọi người rằng anh chị không đầu hàng số phận. “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”- tâm niệm ấy giúp anh thêm quyết tâm vượt qua bao khó khăn của cuộc mưu sinh.

Sau bao vất vả, nhọc nhằn, giờ đây, hai vợ chồng anh đã xây dựng được căn nhà hai tầng khang trang ngay cổng chợ Km6- thành phố Yên Bái với một cửa hàng ăn đông khách. Anh chị cũng đã có trong tay một trang trại nuôi lợn và gia súc, gia cầm với quy mô hàng trăm triệu đồng. Bao nhiêu mồ hôi, công sức đã đổ vào trang trại này. Đã có lúc bị thiên tai, hoả hoạn khiến anh chị trắng tay. Nhiều người khác có thể đã buông xuôi, anh chị thì không, lại đôn đáo chạy khắp nơi huy động vốn, lại quần quật để gây dựng lại kinh tế gia đình.

Tất bật với cuộc sống là vậy nhưng anh Nguyễn Trọng Hùng vẫn dành thời gian tham gia tích cực trong Chi hội Cựu chiến binh phố Yên Thắng 1. Với vai trò Chi hội phó, anh đã cùng các anh em tham gia nhiệt tình trong các công tác của khu phố, góp phần vào sự phát triển của khu phố. Anh chị cũng là tấm gương sáng để không chỉ những cựu chiến binh trong Chi hội mà cả nhiều người dân trong khu phố cảm phục và học tập.

Huyền My

Các tin khác

YBĐT - Ông Thào Vảng Tủa – bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông là một trong những cá nhân điển hình đó, ông đã được nhiều người dân trong bản trong xã biết đến và từng bước học tập làm theo.

YBĐT - Đến tổ 36, phố Ninh Thắng, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái hỏi ông Nguyễn Danh Điểm ai cũng biết. Không chỉ là người hiền lành, sống hòa đồng với bà con lối xóm mà ông còn là tấm gương sáng trong việc vận động nhân dân thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

(Ảnh:  Đức Hồng)

YBĐT - Là một thầy thuốc nhiệt tình, năng động luôn tạo điều kiện trong khám chữa bệnh cho bà con không kể ngày nghỉ hay ngoài giờ làm việc, anh Mùa A Tráng thật xứng đáng với lòng tin yêu của bà con vùng cao Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu (Yên Bái).

YBĐT - Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy - học luôn là điều mà cô giáo Vũ Thị Thanh Xuân - giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn) tự đặt ra cho bản thân mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục