Lão nông có bốn con đại học

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/11/2010 | 2:31:31 PM

YBĐT - Để có tiền cho cả 4 người con theo học đại học, không chỉ cật lực lao động mà vợ chồng ông đã phải chắt bóp, tằn tiện từng đồng. Gia đình ông đã trở thành ngọn đuốc sáng về sự học nơi miền quê nghèo khó. Ông là Hoàng Trọng Anh - Bí thư Chi bộ thôn Làng Trạng, xã Minh Tiến (Lục Yên).

Cổ tích Làng Trạng

Đến Làng Trạng hỏi về lão nông với 4 người con theo đại học ai cũng khen ngợi: “Ở cái đất này chỉ có mình ông ấy là nuôi được cả 4 con đại học thôi, mà con cái nhà ông học giỏi và ngoan lắm”. Theo những lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông vào buổi sáng, từ ngoài cổng đã nghe thấy tiếng cốc cốc đều đều, ông đang băm rau cho lợn, còn vợ ông đang miệt mài đun nồi cám. Đám khói từ bếp củi thi thoảng lại cuộn lên làm mắt hai vợ chồng ông ậng nước, nhưng những đôi mắt ấy vẫn sáng lên niềm tự hào và hi vọng. Đàn lợn hơn chục con thi nhau eng éc đòi ăn. Quá bận rộn nên việc chuyện trò giữa chúng tôi và vợ chồng ông phải diễn ra ngay bên bếp lửa.

Làng Trạng là một thôn khó khăn, cái đói, cái nghèo là câu chuyện thường nhật ở nơi này. Đường giao thông vẫn chỉ là đường đất, chuyện lũ trẻ con đang độ tuổi đến trường nghỉ học theo cha mẹ lên nương rẫy nhiều vô kể. Sự học ở nơi này như ngọn đèn dầu trước gió. Nhưng vượt lên trên tất cả, đôi vợ chồng già ấy đã làm thay đổi hoàn toàn. Ông vốn là một người rất đam mê con chữ, nhưng lại sinh ra trong một gia đình quá nghèo khó và đông anh em, nên con đường đến trường của ông đành dang dở. Để lo cái ăn cho gia đình, để thêm người đỡ việc ông đã phải lập gia đình sớm. Cuộc sống nghèo đói, cơ cực đã phần nào làm ông già đi, nhưng khát vọng về con chữ thì không thể nào cạn vơi. Điều đó thể hiện rõ trong cách ông dạy dỗ và quan tâm con cái.

Nhìn về phía xa xa, ông nói: “Đời tôi đã khổ rồi, tôi cũng thích được đi học lắm. Chỉ có đi học mới hết khổ. Vì vậy dù có đói khổ đến mấy tôi cũng phải cho các con đi học, học đến khi nào hết cái chữ mới thôi”. Ở cái buổi đói nghèo loạn lạc, ông cũng như bao gia đình khác sòn sòn 4 người con. Thời đó để đến trường lũ trẻ con phải len lủi núi rừng, vì vậy trẻ con trong làng học được vài ba bữa là bỏ ngay. Nhưng 4 người con của ông thì vẫn đến lớp thường xuyên, ông không cho chúng nghỉ học. Đói quá thì ông luộc sắn bỏ vào túi để các con mang theo đến lớp ăn khi đói. Mưa thì ông lại cõng đứa nhỏ, tay dắt đứa lớn, đưa chúng vào tận chỗ ngồi mới yên tâm trở về. Rồi ông lại quần quật ruộng nương, rỗi việc nhà ông lại lên rừng hái măng, hái chít kiếm tiền mua sách vở cho các con.

Thương cha mẹ cực nhọc nên các con ông cũng rất chăm chỉ tới lớp học hành, năm nào cũng vậy cứ đến dịp tổng kết là gia đình ông lại được mang về cả 4 tấm giấy khen. “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Thế rồi lần lượt các con của ông là Hoàng Minh Chuẩn học Cao đẳng Sư phạm Yên Bái đã tốt nghiệp ra trường và đang công tác tại Trường THCS xã Minh Tiến; Hoàng Trung Úy và Hoàng Thị Sen đang cùng học năm thứ 2 Trường Đại học Y Thái Nguyên. Người con út Hoàng Tuấn Vũ vừa đỗ và đang theo học tại Học viện An ninh. Những thành tích ấy đã và đang làm cho xóm núi nghèo khó này rộn vang những lời ca tụng, chúc mừng. Cha con ông đã cùng nhau viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Bạc đầu vì con

Miếng ăn của cả gia đình ông trông cả vào ba sào ruộng vụ được vụ không. Năm được mùa thì có cái ăn, năm mất mùa vợ chồng ông phải chạy ăn từng bữa. Một đứa đi học đã khó, nay cả 4 người con cùng dắt tay nhau và Đại học. Những thăm tháng qua, để hàng tháng có tiền gửi cho các con ăn học mái đầu vợ chồng ông đã điểm sương. Cứ tháng nào cũng vậy vợ chồng ông phải gửi ít nhất cho các con 4 triệu đồng, tính ra mất cả tấn thóc, mà trong khi đó mấy sào ruộng nhà ông làm cả năm cũng chỉ được tấn thóc. Vậy là công làm ruộng cả năm vèo đi trong một tháng.

Làm ruộng không đủ, vợ chồng ông lao vào mọi việc, làm thuê, làm mướn, tăng cường chăn nuôi lợn, gà. Ông kể nhiều khi để tiết kiệm tiền cho con, vợ chồng ông không dám mua mỡ để ăn hoặc chỉ dám mua cá nhỏ, xào quả trứng cũng phải cho muối thật mặn, tiết kiệm từng hạt muối, hạt mì. Từng ấy năm nuôi các con ăn học, vợ chồng ông không dám mua một tấm áo mới, bộ quần áo nào cũng đã sờn vai sứt chỉ, vá chằng vá đụp nên mỗi lần đi ăn cỗ vợ chồng ông thường chọn đi vào buổi đêm hay ngồi lui xuống phía dưới. Ông không còn nhớ nổi đã bao đêm vợ chồng ông thức trắng vì lo đến khoản tiền sáng mai gửi cho các con. Người làng không còn lạ gì cái cảnh vợ chồng ông tất tả cầm đuốc đi theo đêm, chạy khắp xóm vay mượn từng đồng. Khi nhắc đến khoản nợ ông vội quay mặt đi giấu sự lo lắng.

Ông tâm sự: “ Vợ chồng tôi nay cũng đã 50 tuổi rồi, sức khỏe ngày một già yếu. Cả nợ ngân hàng lẫn vay lãi ngoài để cho các con ăn học nay đã gần trăm triệu. Không biết vợ chồng tôi còn khỏe được bao ngày, chúng nó còn theo học lâu lắm. Càng ngày chi phí càng lớn chúng tôi không biết phải làm sao để lo cho chúng theo học đến nơi đến chốn nữa…”. Nợ nần cứ chồng chất, nhẩm tính đến khi các con ông học xong đại học số nợ sẽ lên đến hàng trăm triệu đồng. Thương mẹ cha lam lũ, nên đi học các con ông chi tiêu rất tiết kiệm và học hành chăm ngoan. “Hồi còn đi học hễ cứ rảnh là mình lại đi làm thêm. Tiền cha mẹ gửi cho mình, mình chỉ lo cho việc học chứ không dám mua sắm thứ gì. Giờ đi làm rồi mà mình vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện yêu, mình còn phải giúp cha mẹ trả nợ và lo cho các em", anh cả Hoàng Minh Chuẩn tâm sự.

Căn nhà trống rỗng không một vật dụng gì đáng giá “Nhưng dù có khó khăn đến mấy, dù phải nhịn ăn, vợ chồng tôi cũng quyết tâm để chúng theo học đến cùng” ông Hoàng Trọng Anh tâm sự.

Triệu Huấn

Các tin khác

YBĐT - Sinh năm 1977 nhưng nhiều năm liền cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Hội đồng giáo dục huyện tặng Giải thưởng "Viên phấn vàng ", đặc biệt năm 2010 cô đã đạt giải nhất giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Toán. Đó là những thành tích đáng nể của cô giáo trẻ Nguyễn Hoàng Liên, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Văn Yên.

Ông Dụng (người đứng ngoài cùng bên trái) trong buổi quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ miền trung tại chợ đồng Tâm.

YBĐT - Không chỉ vận động ủng hộ những vùng bị thiên tai, bão lũ mà ông xác định, hoạt động nhân đạo phải chính từ nơi sinh sống.

Chị Lả chăm sóc đàn lợn thịt.

YBĐT - Chị Lò Thị Lả sinh ra và lớn lên ở thôn Lừu 2 xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) trong một gia đình đông anh em, bố mẹ làm nghề nông. Được chứng kiến những khó khăn, vất vả của cha mẹ, chị tự nhủ phải cố gắng trong học tập, lao động để cuộc sống sau này đỡ khổ.

YBĐT - Nghề sản xuất gạch thủ công trong nhiều năm qua đã góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn tại xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái). Tạo nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân, trong đó phải kể tới hộ gia đình anh Lại Xuân Nghiêm, một trong những hộ làm gạch thủ công lâu năm phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục