Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/6/2016 | 9:34:08 AM
YBĐT - Ở Yên Bái, đến thời điểm này, chưa xảy ra vụ TNGT đường thủy nào nghiêm trọng, nhưng nguy cơ mất ATGT đường thủy đang hiện hữu.
Tình hình vi phạm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa trong cả nước gần đây khá phức tạp. Tháng 3, xảy ra 2 vụ phương tiện thủy nội địa đâm va vào công trình cầu đường bộ, đường sắt vượt sông gây thiệt hại lớn về kinh tế, ngưng trệ giao thông đường thủy cũng như tuyến đường sắt quốc gia.
Ngày 3/6, vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy ở An Giang khiến hai người tử vong. Ngày 4/6, TNGT đường thủy nghiêm trọng trên sông Hàn (Đà Nẵng) làm chết 3 người và nhiều người bị thương.
Ở Yên Bái, đến thời điểm này, chưa xảy ra vụ TNGT đường thủy nào nghiêm trọng, nhưng nguy cơ mất ATGT đường thủy đang hiện hữu. Yên Bái có hệ thống đường sông gần 200 km và hồ Thác Bà rộng gần 20.000 ha. Toàn tỉnh hiện có trên 750 tàu, thuyền, xà lan được đăng ký, đăng kiểm với 2 bến cảng hàng hóa, hành khách; 28 bến hàng hoá...
Vì vậy, bảo đảm ATGT đường thủy luôn là yêu cầu, nhiệm vụ rất cấp thiết. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước” từ rất sớm.
Tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa; tổ chức thanh tra liên ngành trước mùa mưa bão hàng năm đối với các đối tượng tham gia giao thông đường thủy trên địa bàn, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định... Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình ATGT đường thủy được đảm bảo, TNGT đường thủy không xảy ra.
Chưa phải là điểm “nóng” về mất ATGT đường thủy, nhưng Yên Bái cũng có những tồn tại, hạn chế chung trong đảm bảo ATGT đường thủy: một số chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa tại một số cơ sở còn chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên…
Điều đó, đòi hỏi lực lượng chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn người điều khiển phương tiện thực hiện các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy, trong đó có an toàn đò ngang và duy trì hiệu quả của các tổ tự quản trên các tuyến sông, hồ, nhất là trong mùa mưa bão.
Trạm quản lý đường sông, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các bến đò ngang thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường thủy nội địa; trang bị đủ áo phao, không chở quá số người qui định.
Đồng thời, xử lý nghiêm các phương tiện không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm theo quy định, thiếu phao cứu sinh; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, sử dụng rượu, bia và các chất gây nghiện khác khi điều khiển phương tiện, để tình trạng hành khách không sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh lên phương tiện...
Các lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông cũng cần tăng cường kiểm tra, phối hợp với các đơn vị quản lý bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống phao tiêu, biển báo, cột hiệu, các bến tàu thủy, bến đò trên sông, hồ...
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các chủ phương tiện và mỗi người dân khi tham gia giao thông đường thủy cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn an toàn cho mình và mọi người để những vụ tai nạn đau lòng, đáng tiếc không xảy ra.
Minh Huyền
Các tin khác
YBĐT - Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có 900 nghìn trẻ em tử vong do tai nạn thương tích (TNTT), tương đương với gần 2.500 trẻ tử vong mỗi ngày. Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2014, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị TNTT các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng...
YBĐT - Tuy chỉ mới bắt đầu vào mùa mưa lũ, song trong vòng một tuần, giông lốc và mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đã gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản và hoa màu của nhân dân.
YBĐT - Mùa mưa bão năm 2016 đã bắt đầu và được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan. Tuy mới chớm vào mùa mưa bão, nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa đá, lốc tố làm thiệt hại lớn tới sản xuất nông nghiệp và nhà cửa của người dân các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Mù Cang Chải...
YBĐT - Khẩu hiệu "Hãy là người tiêu dùng thông thái" cho thấy những khó khăn trong công tác quản lý, còn người tiêu dùng hàng ngày vẫn gắng phải lựa chọn bằng cảm quan để mua cho mình những mớ rau, cân thịt, con cá mà họ chưa dám chắc là sạch, an toàn... Để người tiêu dùng được thường xuyên sử dụng rau, thịt an toàn vẫn đang là bài toán khó.