Chúng tôi đến huyện Lục Yên và được ông Mai Ngọc Đông-Trưởng phòng LĐTB-XH huyện cho biết, có những xã như: Minh Xuân gần một nghìn người đang lao động ở các khu công nghiệp trong nước; xã Mường Lai cũng có khoảng trên năm trăm người và các xã có vài chục hoặc một hai trăm người đi cũng khá phổ biến. Hầu hết người đi lao động ở tỉnh ngoài đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Nguồn lao động nông thôn đổ dồn về các khu công nghiệp, trước hết là do nhu cầu về lao động ở đây đang rất cần, nhưng mục đích của người lao động đi đến khu vực này thì khá đa dạng. Có những người muốn đi để thoát ly khỏi lao động nông nghiệp; có người muốn đi tìm việc làm để giải quyết những khó khăn trước mắt về kinh tế; có người thì muốn đi cho biết đó biết đây và nếu không tìm được việc làm, mang lại thu nhập như mong muốn thì họ lại trở về quê...
Tuy nhiên, điều đáng mừng là vấn đề tìm việc khá thuận lợi. Việc đầu tư tài chính để tìm được việc làm không có gì tốn kém như đầu tư cho lao động xuất khẩu. Nhiều người được ký hợp đồng lao động dài hạn, được đóng bảo hiểm theo quy định và có điều kiện định cư lâu dài. Hầu hết lao động trong khu công nghiệp đều có tiền gửi về cho gia đình và người ta đưa ra một phép tính đối với xã Minh Xuân, nếu chỉ cần mỗi người gửi về khoảng 5 triệu đồng thì tổng số tiền thu hút về đã được vài tỷ/một năm.
Mặc dù vậy, việc lao động vùng nông thôn bị hút về các khu công nghiệp cũng đang làm nảy sinh những vấn đề khá phức tạp. Qua trao đổi với ông Mai Ngọc Đông đã cho thấy ý kiến của ông khá trùng hợp với ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên.
Trước hết, chúng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn; xây dựng các mô hình kinh tế nông lâm ngư nghiệp; thực hiện chiến lược công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, nhưng lực lượng lao động trẻ khoẻ, có kiến thức và năng lực đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đang thoát ly dần.
Nếu tình trạng thanh niên thoát ly tăng dần thì chắc chắn những mục tiêu trên về phát triển kinh tế nông thôn sẽ gặp không ít khó khăn. Nguồn tiền của người đi lao động gửi về cho thân nhân quả là rất đáng mừng, nhưng rất nhiều gia đình lại không có khả năng sử dụng đồng vốn để phát triển kinh tế.
Thực tế có những trường hợp thân nhân của họ chi tiêu nguồn tiền gửi rất lãng phí, hoặc chỉ đầu tư vào mua phương tiện nghe nhìn và đi lại. Trong khi đó, nếu người đi lao động trong khu công nghiệp không xác định gắn bó lâu dài và một vài năm sau lại về quê thì họ rất dễ gặp nguy cơ khó thoát được nghèo đói.
Vấn đề tìm kiếm việc làm bằng lao động phổ thông khá dễ dàng ở các khu công nghiệp cũng đã phần nào nảy sinh tư tưởng không chịu vươn lên học tập ở một bộ phận giới trẻ ở nông thôn. Bởi vì, họ cho rằng tìm kiếm một cơ hội thoát ly nông nghiệp bằng con đường học tập là một vấn đề luôn vượt quá khả năng của họ và họ sẽ bằng lòng với việc lao động chân tay trong môi trường công nghiệp.
Một vài đồng chí lãnh đạo ở cơ sở cũng bộc bạch rằng, việc thanh niên nông thôn đang thoát ly nông nghiệp nhiều như vậy, đã và đang tạo nên khó khăn cho chiến lược tạo nguồn cán bộ ở cơ sở. Có những người dân ở một số địa phương phàn nàn rằng, việc địa phương mình tự đặt ra việc thu một khoản lệ phí "đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở" với mức một vài trăm ngàn đồng/người đi lao động khiến cho họ gặp khó khăn trước khi đi. Khoản lệ phí này được sử dụng như thế nào thì nhân dân cũng không thể biết được...
Những vấn đề nảy sinh nêu trên đang là một thực tế đáng lo ngại ở cơ sở. Vì vậy, các cấp, ngành cần có sự tập trung nghiên cứu để điều chỉnh về chiến lược lao động trong tương lai nhằm tạo ra sự cân đối và phát triển hài hoà giữa kinh tế công nghiệp và nông nghiệp.
Hữu Hà