Khe Kẹn - một trong những bản người Mông đặc biệt khó khăn của xã Cát Thịnh, cây măng rừng đã thực sự trở thành cây kinh tế mũi nhọn. Mùa măng cũng là mùa sung túc nhất trong năm đối với nhiều hộ gia đình. Ti vi, xe máy hay những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền cũng đều từ măng, từ quế, từ trồng rừng mà có.
Sau tết Nguyên đán là mùa thu hoạch các loại măng của những người dân sống gắn bó với rừng. Dân bản Khe Kẹn, Khe Căng, Làng Lao, Làng Ca, hay các thôn Đá Gân, Ba Chum, Đồng Hẻo... những ngày này hối hả, bận rộn với công việc thu hoạch, vận chuyển măng đi tiêu thụ. Măng càng đào càng mọc.
Đó là điều kỳ diệu của tự nhiên, cũng là kinh nghiệm để người dân tập trung khai thác hiệu quả sản phẩm thời kỳ chính vụ. Khe Kẹn có trên 70 hộ thì có tới 70 - 80% số hộ trong bản có thu nhập từ măng. Nghĩa là nhà nào cũng có đồi rừng trồng măng, nhà nhiều thu nhập cao, nhà diện tích ít thu nhập thấp hơn.
Theo người dân ở đây, nếu trước chỉ dựa vào nguồn khai thác măng rừng tự nhiên thì những năm gần đây, khi măng trở thành thứ rau đặc sản của rừng, mang lại giá trị kinh tế cao, người dân đã chủ động trồng vầu, trồng sặt để khai thác măng.
Hàng năm, mùa thu hoạch măng kéo dài chừng khoảng 3 đến 4 tháng, từ tháng Giêng cho đến hết tháng Tư âm lịch. Cây măng phát triển tự nhiên, không cần đầu tư chăm bón như các loại cây trồng khác nên chi phí chủ yếu là công phát dọn nương bãi. Hộ thu nhập khá nhất từ măng ở Khe Kẹn là gia đình anh Vừ Giống Củ.
Anh Củ cho biết: "Nhà có 3 mảnh nương trồng măng, rộng chừng gần 1 ha. Đất này trước đây trồng lúa nương, trồng sắn, ngô. Măng vầu, măng sặt mọc tự nhiên trước cũng không nhiều như giờ. Mình làm nương rồi trồng thêm vào. Khi măng lan ra phát triển thành bãi thì không trồng lúa, trồng sắn nữa mà để lấy măng. Măng cứ thế phát triển thôi, không phải chăm bón gì nữa. Hết mùa khai thác lại phát dọn nương bãi, đợi năm sau đến mùa thì thu hoạch”.
2 mùa măng gần đây, gia đình anh Củ thu gần 100 triệu đồng. Trong bản cũng có gần chục hộ có thu nhập cao từ trồng măng như gia đình anh. Anh Củ cho biết thêm: "Đầu vụ, măng chưa nhiều thì người nhà mình đi đào. Thời kỳ măng rộ, mình phải thuê thêm người. Công cán tính bằng sản phẩm, đào được nhiều, được ít đều chia đôi, người có rừng một nửa, người đi đào thuê một nửa. Giao thông ở bản Khe Kẹn đi lại tương đối thuận tiện nên xe ô tô của các thương lái mua buôn đến tận nhà. Măng đào về còn không có mà bán. Giá khá ổn định, như măng vầu ngọt bán tại chỗ là 12.000 đồng/kg; măng sặt khoảng 20.000 – 22.000 đồng/kg”.
Người dân ở đây cũng cho hay, dường như thời tiết năm nay lạnh ít, mưa ít nên măng cũng ít hơn. Như nhà Vừ Giống Củ, từ đầu vụ đến giờ anh mới thu được gần 30 triệu đồng; tầm này năm trước, số tiền bán măng đã ngót nghét 50 triệu đồng.
Anh Củ nhận định, nhiều khả năng số tiền thu về từ măng năm nay sẽ thấp hơn, tùy thuộc nhiều vào thời tiết, nhưng đây vẫn là nguồn thu nhập lớn trong năm của dân bản cũng như của nhà gia đình mình. Nhất là khi những cây kinh tế lâu năm như quế, bồ đề… chưa được khai thác thì măng vẫn là nguồn thu ổn định để lấy ngắn nuôi dài.
Ở Làng Ca, bản người Mông khó khăn nhất của xã, gần chục năm trở lại đây, người dân đã chú trọng đầu tư cho trồng rừng, chọn quế và các giống măng bản địa làm cây mũi nhọn phát triển kinh tế hộ. Với gần 1.000 ha rừng trồng, rừng phòng hộ khoanh nuôi bảo vệ, Làng Ca cũng có măng vầu ngọt, măng sặt và còn có thêm loại măng sặt dê, được coi là thứ măng đặc sản vì có hương vị rất đặc biệt, lại bán được với giá cao hơn hẳn 2 loại măng thông thường. Bao đời đã quen với việc canh tác tự nhiên và sống dựa vào rừng, thu hái phụ phẩm tự nhiên từ rừng nên người Mông Làng Ca cũng như nhiều thôn, bản ở Cát Thịnh chẳng mấy hộ nghĩ tới việc trồng măng để bán.
Bí thư Chi bộ Sùng A Măng đã làm việc đó và anh là người tiên phong mở hướng phát triển kinh tế hộ từ trồng măng để bà con học tập, làm theo. Mỗi vụ măng, gia đình Bí thư Chi bộ Sùng A Măng thu tới gần 50 triệu đồng.
Một điểm thu mua măng tại xã Cát Thịnh.
Anh Măng cho rằng, trước mắt thì măng đang là cây kinh tế hiệu quả ở Làng Ca, lâu dài là quế, chè, các loại cây lấy gỗ. Lợi ích nhìn thấy là rất rõ, bởi đây là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, phủ xanh đất, chống xói mòn, bảo vệ được rừng và nguồn sinh thủy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Giờ thì nhà nào ở Làng Ca cũng trồng măng ở đồi vườn quanh nhà, lấy trồng rừng, bảo vệ rừng làm nguồn thu lợi chính.
Cũng theo Bí thư Măng chia sẻ: "Vì chưa có đường ô tô đến bản nên chi phí vận chuyển tiêu thụ các loại nông sản, sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi của người dân Làng Ca cao hơn nhiều so với các thôn, bản khác trong xã. Phương châm của Làng Ca là phát triển kinh tế rừng bền vững. Cùng với trồng quế, trồng rừng bằng các loại cây lấy gỗ thì kiên trì vận động nhân dân phát triển kinh tế từ cây măng bằng việc lấy ngắn nuôi dài gắn với trông coi, bảo vệ tốt rừng tự nhiên phòng hộ, rừng tự nhiên sản xuất. Tương lai, nếu đường giao thông được đầu tư thuận lợi thì chắc chắn kinh tế Làng Ca sẽ phát triển khá, mà thế mạnh chính là trồng rừng và chăn nuôi”.
Mùa thu hoạch măng ở Cát Thịnh, cả xã có tới 4 điểm thu mua măng đặt tại các thôn: Ngã Ba, Ba Khe, Văn Hưng và Đồng Hẻo. Ông Sa Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Diện tích rừng trồng măng đang cho khai thác của toàn xã có khoảng trên dưới 50 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn như Khe Kẹn, Làng Ca, Làng Lao, Đồng Hẻo, Khe Căng, Đá Gân, Ba Chum... Sản lượng khai thác rộ thời điểm chính vụ đạt khoảng 10 tấn măng tươi/ngày. Đầu ra thuận lợi vì thương lái đến tận các thôn, bản thu mua theo giá thị trường.
Từ thế mạnh là rừng với gần 13.000 ha rừng trồng và rừng tự nhiên phòng hộ, để kinh tế rừng phát triển bền vững, nhất là đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn về giao thông đi lại thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có lợi thế về đất rừng như Khe Kẹn, Làng Ca, Làng Lao… xã chủ trương khuyến khích, vận động nhân dân trồng thay thế quế, gỗ rừng trồng bằng các loại măng đặc sản ở những địa hình phù hợp, gắn với đó trông coi, quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên phòng hộ.
Mùa măng ở Cát Thịnh đang vào thời kỳ thu hoạch rộ. Vẫn biết sản lượng nhiều, ít còn phụ thuộc bởi thiên nhiên, thế nhưng, việc đưa cây măng rừng trở thành cây xóa nghèo theo phương châm lấy ngắn nuôi dài ở những thôn, bản đặc biệt khó khăn đã mở ra hướng phát triển kinh tế phù hợp, mang lại nguồn thu nhập ổn định, tạo sinh kế đưa kinh tế rừng ở Cát Thịnh phát triển bền vững.
Đó vừa là định hướng đúng vừa là sự linh hoạt trong phát triển kinh tế của địa phương, khi mà người nông dân, nhất là đồng bào vùng cao, trình độ sản xuất thấp đang từng bước thích ứng với nền sản xuất hàng hóa, hướng tới việc làm ra những sản phẩm mà thị trường cần.
Minh Thúy