Chàng trai chí lớn, khởi nghiệp từ làng

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/1/2020 | 9:42:45 AM

YênBái - Những ngày cuối năm Kỷ Hợi tiết trời se lạnh, bên đường, hàng cây bàng đang thay “áo” mới, phố phường được trang hoàng lộng lẫy hơn. Cảm giác xuân đã đến thật gần. Trong niềm tin của năm mới 2020, chúng tôi cùng Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tiến Nguyễn Chùng Dương tới thăm trang trại tổng hợp của chàng trai luôn cháy bỏng khát vọng làm giàu Hà Đức Ngà ở thôn Hồng Tiến, xã Minh Tiến (Trấn Yên).

Mở rộng thêm trồng dâu nuôi tằm, tương lai Hà Đức Ngà trở thành hộ đạt sản lượng kén cao nhất huyện Trấn Yên.
Mở rộng thêm trồng dâu nuôi tằm, tương lai Hà Đức Ngà trở thành hộ đạt sản lượng kén cao nhất huyện Trấn Yên.

Từ trung tâm xã Minh Tiến vào đến trang trại tổng hợp của Hà Đức Ngà khoảng gần 2 km. Các tuyến đường trục thôn, đường vào khu dân cư, đường ra khu sản xuất đều đã được kiên cố hóa, đi lại thuận tiện. Anh Dương dựng chiếc xe máy bên bờ hồ Tự do, khoát một vòng tay giới thiệu: 

- Hồ Tự do - công trình thủy lợi Tân Phú này rộng trên 7 ha, Ngà vừa nhận thầu đầu năm 2019. Năm trước các anh lên Ngà chưa có ý tưởng này nhưng quanh hồ Ngà đã quy hoạch trang trại trồng các loại bưởi từ bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, bưởi đỏ rồi ổi, mít, táo và làm chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt, ngan Pháp...

- Vậy hồ này chắc Ngà còn nuôi cá chứ ạ? Tôi hỏi.

- Đúng rồi, cậu ấy đầu tư xuống giống cũng nhiều đấy. Vợ chồng nhà này làm giỏi giang, năng động lắm, chồng làm thôn đội trưởng, vợ thì làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Minh Tiến. Năm nay Ngà còn thuê gần 3 ha để trồng dâu nuôi tằm nữa. Anh em ta đi vào trong trang trại gặp ông chủ trẻ sẽ biết được nhiều thông tin hơn. Anh Dương vồn vã.



Nguồn thu từ chăn nuôi gia cầm của vợ chồng Hà Đức Ngà mỗi năm thu vài trăm triệu đồng. 

Quả thực, mới hơn một năm quay trở lại thăm trang của gia đình Ngà, mà đã thay đổi nhiều quá, trang trại rộng hơn 2 ha, Ngà bố trí chuồng trại chăn nuôi, nhà tằm rồi trồng cây, rất khoa học. Từ cổng vào khoảng 400 mét anh trồng chủ yếu là bưởi, ổi, táo và mít, rồi đến hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, ngan, phía sau là 2 nhà tằm giáp với đồi cây thoáng mát. Thấy tôi say sưa ngắm trang trại, Ngà lên tiếng:
 - Mời các anh vào nhà uống nước, một lúc nữa sương tan em đưa các anh đi tham quan trang trại, câu cá thư giãn, đến trưa anh em ta ngồi lai rai mừng hội ngộ.

- Mới hơn một năm không vào thăm trang trại của chú mà thay đổi nhanh quá, nghe Phó Chủ tịch Dương nói, năm nay chú còn thuê đất để trồng dâu và cả cái hồ này để thả cá nữa à? Tôi vào chuyện. 

Nhấp chén trà xanh nóng, nhìn xa xa về phía hồ Tự do, Ngà trầm tĩnh kể: "Nói về công việc của em và chuyện khởi nghiệp làm trang trại thì gian truân lắm anh ạ! Năm 2007, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản lý đất đai - Trường Cao đẳng Nông lâm Bắc Giang, em về xin làm hợp đồng tại Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trấn Yên được 3 năm nhưng không có biên chế để thi tuyển. Năm 2011, em quyết định thôi việc về quê xây dựng gia đình và chung vốn với anh họ mở xưởng gỗ bóc. 

Làm được khoảng một năm rưỡi thì em lại thấy tiếc cái bằng chuyên nghiệp của mình, em lại xin vào một trung tâm của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái để làm việc. Làm  việc tại trung tâm này từ cuối năm 2012 đến hết 2014 vẫn không có thi tuyển biên chế, làm hợp đồng lương thấp không đủ nuôi bản thân nói gì đến nuôi vợ con. Khi đó đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang thi công qua khu đồi của gia đình em, em quyết định thôi việc Nhà nước một lần nữa về quê thuê san, ủi mặt bằng để làm trang trại chăn nuôi...

- Nghỉ việc lần thứ hai về làm trang trại Ngà có được gia đình ủng hộ không?

- Vâng, cũng may bố em là cán bộ ở địa phương nghỉ hưu cách đây hơn chục năm rồi, nhưng tư tưởng của ông rất đổi mới. Khi em đặt vấn đề với gia đình xin đất ra ở riêng làm trang trại, bố em cho 7.000 m vuông phía sau hồ Tự do này luôn. Cuối năm 2014, sau khi san gạt mặt bằng xong em thuê chở đất phù sa từ sông Hồng về trồng 100 cây bưởi Diễn, 200 cây bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi Phúc Trạch. Nuôi khoảng 1.000 con ngan, vịt/ lứa; 50 - 60 con lợn mỗi lứa, phương châm lấy ngắn nuôi dài các anh ạ. 

"Từ năm 2015 đến nay, làm được đồng nào em lại đầu tư mua đất và san gạt mặt bằng, cải tạo đất hết hơn 200 triệu đồng rồi, nếu tính cả đầu tư 2 nhà nuôi tằm năm nay nữa và thuê 3 ha đất soi bãi để trồng dâu thì hết trên 1 tỷ đồng vốn rồi, em phải vay ngân hàng trên 500 triệu đồng" - Ngà kể.

Rồi Ngà say sưa kể về mô hình trang trại hiện tại của mình, những dự định và nguồn thu thực tế đầy tự tin. "Hiện trang trại này em nuôi vịt, gà, ngan, cá và tằm. Năm nay, nhiều việc không nuôi được lợn anh ạ! Thời điểm 2 vụ nuôi tằm em phải thuê thêm 8 lao động, cộng với 2 lao động của gia đình mà việc vẫn không xuể. Năm nay, dự kiến thu ổi Đông Dư và bưởi được trên 30 triệu đồng; thu 3,3 tấn kén tằm được trên 330 triệu đồng, lãi được 2/3; cùng với 4.000 con vịt, nhưng rủi là thời điểm giữa năm giá thấp, thời tiết nóng vịt chết nhiều chỉ lãi được 60 triệu đồng; hiện em đang nuôi 600 con ngan Pháp, 8.000 con gà để bán trước và sau tết, dự kiến 3 tấn ngan lãi được 90 triệu đồng và 17,5 tấn gà, lãi được khoảng trên 400 triệu đồng... Trừ hết các khoản chi phí gia đình cũng thu nhập khoảng trên 700 triệu đồng”. 

Quả thật, đó là những con số, những lời giải thật đáng khâm phục ở chàng trai tuổi trẻ, chí lớn này. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chùng Dương cho biết: "Vợ chồng chú Ngà này chăm chỉ, chịu khó, chí thú làm ăn lắm, vừa công tác vừa làm trang trại rồi thuê cả hồ rộng 7 ha để nuôi vịt, ngan và thả cá. 

Thấy đất ruộng của bà con ở mấy thôn giáp sông Hồng bị ngập, năm 2008 chỗ thì để cỏ mọc, chỗ thì trồng rau màu chẳng mấy hiệu quả, Ngà thuê của bà con 3 ha hết trên 70 triệu đồng/ năm để cải tạo trồng dâu nuôi tằm. Khả năng năm 2020, khi lứa dâu trồng sau cho thu hoạch thì sản lượng kén nuôi của Ngà phải đạt từ 4,5 - 5 tấn/ năm, tương lai sẽ là hộ đạt sản lượng kén cao nhất huyện Trấn Yên đấy”. 

Chia tay với chàng trai giàu nghị lực, dám nghĩ, dám làm, làm đến đâu, chắc đến đó, tôi thầm chúc cho Ngà sẽ ngày càng thành công, khẳng định hướng đi đúng đắn và lan tỏa khát vọng làm giàu từ làng của mình.

Minh Hằng

Các tin khác
Chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.

Những ngày cuối năm, biển động, con tàu KN 491 oằn mình dưới những con sóng bạc đầu. Rời cảng được khoảng 2 giờ đồng hồ, hầu hết chúng tôi đều chóng mặt, ù tai bởi những con sóng "lừng" thúc mạnh vào thân tàu. Mệt, nhưng ai cũng háo hức sớm tới được Trường Sa.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Hà Bắc khi Người về thăm và chúc tết đồng bào và bộ đội - Tết Đinh Mùi, tháng 2/1967 (ảnh: Tư liệu).

Tết năm ấy, năm Nhâm Dần (tức là ngày 5 tháng 2 năm 1962) sau khi cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội đi thăm một số gia đình và vui tết với thiếu nhi tại Cung văn hóa gần hồ Hoàn Kiếm, Bác Hồ nói với đồng chí Chủ tịch UBND thành phố - bác sĩ Trần Duy Hưng để Bác tự đi thăm một số gia đình nữa.

Nông dân xã Khánh Hòa thu hoạch cam.

Trên triền đồi xanh ngát, những trái cam chín vàng như điểm tô hêm sắc màu cho mùa xuân nơi đất ngọc Lục Yên. Cam sành - loại cây trồng mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân huyện Lục Yên rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng “đất ngọc” đã mang đến những mùa quả ngọt cho mảnh đất này.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đón tiếp người dân đến khám bệnh.

Việc mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo mới, đào tạo lại, thực hiện dự án đào tạo cán bộ, luân chuyển cán bộ đã được ngành y tế Yên Bái căn cứ theo nhu cầu của các đơn vị cùng các dự án đào tạo, tham mưu và thực hiện chính sách thu hút bác sĩ và được sĩ đại hoc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục