Đây là điểm mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ và cũng là tỉnh đầu tiên đưa chỉ tiêu này vào trong nghị quyết đại hội Đảng. Điều đó chứng tỏ, Yên Bái xác định xây dựng và nâng cao CSHP cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Hạnh phúc là gì?
Dùng Google để tìm câu trả lời cho câu hỏi "Hạnh phúc là gì” sẽ xuất hiện 86.300.000 kết quả trong vòng 0,52 giây. Theo một trong những định nghĩa Google tìm thấy được thì hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao. Ở loài người, nó mang nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.
Ở Việt Nam, cụm từ "Hạnh phúc” cũng được mọi người nhắc đến và sử dụng nhiều dù không phải ai cũng hiểu đúng bản chất của cụm từ này. Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ đọc trước đồng bào trong Quốc khánh 2/9/1945 có đoạn: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Quốc hiệu nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cũng có hai từ "Hạnh phúc” và Hạnh phúc luôn là điều đầu tiên và là cái đích đến cuối cùng để mọi người cùng hướng tới.
Trên thế giới, kể từ năm 2012, ngày 20/3 hàng năm đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc ấn định là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, với mục đích tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại. Đến nay, đã có hơn 193 quốc gia thành viên trên thế giới đã hưởng ứng và cam kết sẽ ủng hộ Ngày Quốc tế hạnh phúc bằng các nỗ lực như nâng cao chất lượng về kinh tế, cuộc sống, phát triển đất nước bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Cơ sở để xây dựng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu phấn đấu Chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020.
Tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025 về "Thực trạng và giải pháp nâng cao sự hài lòng và CSHP của người dân”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Minh Tuấn cho biết: CSHP là một cách đo lường giúp đánh giá khách quan mức độ hạnh phúc theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Theo đó, Yên Bái vận dụng các tiêu chí đánh giá hạnh phúc và cách tính CSHP của tổ chức NEF - tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, đó là CSHP của người dân được đánh giá trên 3 tiêu chí chính: Sự hài lòng về cuộc sống (sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất; về mối quan hệ với gia đình và xã hội; về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; sự hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền); đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh (ở 3 mức: 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi) và sự hài lòng về môi trường sống (sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh).
Để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu về CSHP của người dân tỉnh Yên Bái đến năm 2025, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiến hành cuộc điều tra xã hội học về CSHP của người dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả, tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 40,71%. Tiêu chí đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện tại: có 41,6% đánh giá tuổi thọ trung bình hiện tại của người dân Yên Bái là 70 tuổi (chiếm tỷ lệ cao nhất); tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 31,8%. Bằng công thức tính CSHP dựa trên 3 tiêu chí: (tỷ lệ hài lòng về cuộc sống X tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình): tỷ lệ hài lòng về môi trường sống. Theo công thức này, thì chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đang ở mức Khá hạnh phúc (53,3%).
Để việc đánh giá mức độ hạnh phúc được cụ thể và chuẩn xác hơn, tỉnh đã chia thành các mức độ hạnh phúc khác nhau như: Khá hạnh phúc gồm 2 mức: mức 1 (từ 50 - 60%); mức 2 (từ 61 - 70%). Hạnh phúc gồm 3 mức: mức 1 (từ 71 - 80%); mức 2 (từ 81 - 90%); mức 3 (từ 91 - 100%), còn dưới 50% xếp vào mức độ chưa hạnh phúc.
Như vậy, mức độ hạnh phúc của người dân Yên Bái hiện tại là Khá hạnh phúc (mức 1) và theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX, phấn đấu tăng CSHP lên 15%; như vậy, sẽ cập vào chỉ số Khá hạnh phúc (mức 2).
Các nhiệm kỳ sau sẽ phấn đấu lên các mức Hạnh phúc cao hơn. Điều này, được cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh đồng tình ủng hộ cao. Bà Hoàng Thị Huyền ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái khẳng định: "Chúng ta được sống trong hòa bình, có cơm ăn, áo mặc và bây giờ chúng ta đang hướng tới cuộc sống chất lượng hơn. Vì vậy, khi Đảng bộ tỉnh xây dựng CSHP vào nghị quyết tức là tỉnh đã quan tâm đến hạnh phúc của người dân, làm cho nhân dân thêm niềm tin vào chế độ, tin vào sự lãnh đạo của Đảng”.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Trao đổi về nội dung này, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: "Đây là một điểm mới và đặc sắc mà Yên Bái lựa chọn trong triết lý phát triển của nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo vì mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cuộc sống hạnh phúc của người dân. Một điều rất phấn khởi khi Yên Bái đưa chỉ tiêu nâng cao CSHP vào trong Nghị quyết Đại hội XIX được Trung ương đánh giá cao. Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và đến nay CSHP đã được đưa vào trong Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, đề cập đến mục tiêu là "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ: Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
"Mọi hành động, mọi chương trình, mục tiêu đều xuất phát từ nhu cầu của người dân, vì sự hài lòng, hạnh phúc của nhân dân. Đưa CSHP vào nghị quyết là cách tiếp cận mới của tỉnh Yên Bái. Đây là cách tiếp cận rất sáng tạo với mục tiêu đưa con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Nếu Yên Bái hoặc các tỉnh cứ rập khuôn theo Trung ương thì sẽ máy móc, giáo điều mà không tìm ra hướng đi riêng cho mình dễ dẫn đến thất bại. Mặt khác, theo đuổi các mục tiêu cao xa mà không tính đến đặc điểm của địa phương nhiều khi dễ dẫn tới viển vông và không thực tế trong khi nhu cầu về hạnh phúc của nhân dân địa phương lại rất đơn giản như là: sống an toàn trước thiên tai bão lũ, sống được nhờ rừng, ốm đau được chăm sóc”.
|
Mạnh Cường - Hà Tĩnh
Bài 2: Vì hạnh phúc của nhân dân