Khát vọng Phan Thanh

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/6/2021 | 8:10:39 AM

YênBái - Đã có thời điểm, ngay cả những đứa trẻ đi hồ bắt cá cũng sợ hãi không dám ghé lên bờ vùng làng Ro, xã Phan Thanh. Nhưng bây giờ, Phan Thanh rất khác so với những gì tôi đã từng được nghe...

Bè cá lồng của anh Hoàng Văn Gia ở xã Phan Thanh.
Bè cá lồng của anh Hoàng Văn Gia ở xã Phan Thanh.

Đến bây giờ, nhắc đến Phố Giàng, Phố Hốc ở xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, có lẽ còn rất ít người biết hoặc nhớ đến, mặc dù nơi đây đã từng là trung tâm kinh tế của huyện Lục Yên những năm 1960, nhưng năm tháng qua đi, cùng với sự phát triển của đất nước, Phan Thanh bỗng chốc trở thành ốc đảo.

Có thời điểm, ngay cả những đứa trẻ đi hồ bắt cá cũng sợ hãi không dám ghé lên bờ vùng làng Ro, xã Phan Thanh. Dân đi rồi lại về và giờ đây khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc Nùng ở Phan Thanh mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Điểm nhấn Làng Ro

Trước đây, nếu nói Phan Thanh là ốc đảo thì làng Ro là đảo chìm trong ốc đảo hoang vu ấy với 3 mặt giáp hồ, mặt còn lại có đường mà như không, vì quá khó đi. Đó là trước đây thôi, còn bây giờ đường đi tuy chưa dễ dàng gì, nhưng xe ô tô đã vào đến tận thôn rồi. 

Thời điểm những năm 1990, nghe đến làng Ro ai cũng sợ, chẳng ai dám đến, bởi cả làng mắc một chứng bệnh quái ác mà người xưa thường gọi bệnh hủi (nay là bệnh phong). Vì vậy, làng Ro gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. 

Đến năm 1997, bệnh phong ở làng Ro được xóa sạch, nhưng đến nhiều năm sau nó vẫn trở thành ám ảnh với người dân địa phương nên chẳng ai dám đến, dám ở. 

Chúng tôi gặp ông Nông Đồng Độ ở nơi tận cùng của làng Ro trong ngôi nhà sàn sát mép nước hồ Thác Bà. Ông Độ là người Nùng, trước đây, ông phải bỏ làng đi bởi vì ông không hiểu sao bỗng dưng làng ông lại có nhiều người mắc phong đến ở. Ông Độ cho biết: "Năm 1996, nghe nói bệnh phong ở làng đã bị xóa sạch, tôi mới dám về lại”. 

Thôn Ro bây giờ có 64 hộ, 300 nhân khẩu 100% là người Nùng và hầu hết là hộ nghèo sống bằng nghề cá. Dù bị cô lập, nhưng bù lại, thiên nhiên ưu đãi cho làng Ro, cho người Phan Thanh nguồn tài nguyên vô giá, đó là cá hồ. Dù nước hồ Thác Bà có lên xuống thất thường thế nào thì cá hồ ở đây chẳng bao giờ cạn; ngày qua ngày, năm này qua năm khác, người dân ở đây chỉ sống bằng nghề cá. 

Chúng tôi gặp anh Lục Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã, anh cũng vừa đi hồ đêm hôm trước được gần 20 kg cá. Anh Hiền cho biết: "Trước đây, người dân chỉ đánh bắt cá làm thực phẩm hàng ngày, còn bây giờ, cá đánh được đem bán và ngày chăm chỉ cũng có đôi ba trăm nghìn”. 

Không chỉ có đánh bắt, người dân thôn Ro còn bắt đầu nuôi cá lồng. Ở thôn đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Phan Thanh chuyên nuôi cá lồng thương phẩm. Thành viên của HTX hầu hết là thanh niên thế hệ 8x, 9x. 

Anh Hoàng Văn Gia, sinh năm 1987, Giám đốc HTX lấy thuyền "cao tốc” chở chúng tôi ra thăm bè cá và anh cũng tranh thủ đi lấy tạ cá tép dầu về cho cá ăn. Đây là công việc đầu tiên trong ngày của anh Gia. Toàn bộ 10 lồng cá của anh đều được nuôi tự nhiên, thức ăn là cá tép dầu và đủ các loại cá tép nhỏ mà tôi không biết hết, được đánh bắt ngay trên hồ. 

Hoàng Văn Gia cho biết: "Cá nuôi tự nhiên tuy chậm nhưng đầu tư thức ăn ít hơn, cá ngon, lúc gọi bán người ta đến tận bè để cân”. 

Cạnh bè của anh Gia là một bè 12 lồng của một thành viên khác trong HTX, đó là anh Nông Văn Băng, sinh năm 1990 nhưng anh Băng lại là thanh niên năng động nhất trong HTX với tài sản là 12 lồng cá năm 2020 cho thu về gần 300 triệu đồng. 

Sống ở sông nước từ bé, 10 tuổi Băng đã đi hồ bắt cá nên tập tính thói quen của cá anh hiểu rất rõ. Nhẹ nhàng kéo từng tấm lưới trong lồng để xem cá, Băng bảo: "Nếu kéo nhanh quá cá sẽ bị hoảng nhảy hết xuống hồ, vì cá nuôi tự nhiên nên khỏe lắm, có thể nhảy cao hàng mét”. 

Cá nuôi tự nhiên khỏe, chất thịt chắc thơm, ngon và Băng cho biết, nếu đường sá thuận lợi, giá cá nuôi tự nhiên sẽ rất cao, loại 10 cân có thể bán được 180.000 đồng - 200.000 đồng, loại 3 - 4 cân chỉ trên 1 trăm nghìn đồng. 

Hiện tại, Băng phải chấp nhận bán rẻ hơn thị trường 3 - 4 giá. Loại cá mà HTX Thủy sản Phan Thanh đang nuôi là cá trắm đen và cá chim trắng và đây là 2 loại cá có nhiều trong môi trường tự nhiên của hồ Thác Bà; trong đó, loại cá trắm đen cỡ 40 kg trở lên, thỉnh thoảng vẫn có người bắt được. 

Hiện tại, HTX Thủy sản Phan Thanh có 7 thành viên, 32 lồng cá và hàng năm, mỗi lồng cho thu lãi trên 25 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã - Lục Văn Hiền cho biết thêm: "Xã Phan Thanh có 603 hộ dân thì có trên 150 hộ sống bằng nghề cá và mùa nông nhàn là người dân thường đi hồ đánh cá. Song, khó nhất ở đây không phải là khâu tiêu thụ vì có bao nhiêu thương lái mua hết, nhưng giá lại rẻ do giao thông khó khăn”. 

Giao thông từ trước đến nay luôn là khát vọng cháy bỏng của người dân xã Phan Thanh. Bởi vậy, nếu có một tuyến đường qua đây, chắc chắn nhiều tiềm năng của xã Phan Thanh sẽ được khai thác triệt để. 



Cá tép dầu ở hồ Thác Bà rất nhiều và là nguồn thức ăn chính để nuôi cá lồng. 
  
Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên, có địa hình chủ yếu là đồi núi cao, bị chia cắt mạnh bởi sông Chảy, ngách hồ Thác Bà và khe suối. 

Tuy nhiên, địa hình trung tâm của xã Phan Thanh lại tương đối bằng phẳng, địa bàn xã được bao quanh bởi các dãy núi cao xung quanh và các con suối nhỏ phân cắt địa bàn xã, nó tạo cho Phan Thanh nhiều điểm sinh thái vô cùng lý tưởng như: thác suối Xiểng; hang Cám ở thôn Ro; rừng nguyên sinh sát ven hồ Thác Bà... 

Hiện nay, loại hình du lịch cộng đồng đang phát triển rất mạnh cùng với việc tỉnh quan tâm thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm trên địa bàn huyện Lục Yên đã tạo ra cơ hội cho xã Phan Thanh phát triển du lịch theo định hướng các sản phẩm mang thương hiệu du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. 

Sự tiếp giáp với khu du lịch hồ Thác Bà là một lợi thế rất lớn, trong tình hình đó, hội tụ đầy đủ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn để bổ sung, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch huyện Lục Yên cũng là địa điểm kết nối tour từ trung tâm huyện Lục Yên đi xã Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh - hồ Thác Bà và ngược lại. 

Đồng thời, đây cũng là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng gắn với các địa danh văn hóa; có một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người đồng bào các dân tộc thiểu số nên là điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng đồng, tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa và tập quán sản xuất của người dân tộc bản địa như: làng nghề đan rọ tôm; lễ hội bánh chưng xanh tổ chức hàng năm; lễ cấp sắc của dân tộc Dao và các lễ hội khác của dân tộc Nùng. 

Phó Chủ tịch UBND xã Lục Văn Hiền nhiều lần nhắc đến hang Cám nằm trên một đảo nhỏ cách đất liền chỉ vài trăm mét. Anh nhất quyết mời bằng được chúng tôi ra đảo để khám phá hang Cám. Anh bảo nóng thế này vào Hang Cám sẽ như đến một thế giới khác. 

Quả thực, hang Cám có sự hấp dẫn riêng. Nó khiến cho cô bạn đồng nghiệp của tôi vào rồi không muốn ra. Hang Cám nằm cách mép hồ 50 m nơi lưng chừng núi. Lên đến cửa hang, hơi lạnh tỏa ra làm con người ta thấy thật sảng khoái giữa thiên nhiên. Hang khá rộng, có một dòng suối nhỏ chảy giữa và chẳng bao giờ cạn. Hai bên là dải cát nhỏ mịn có thể ngồi được 30 - 40 người. 

Dưới lòng suối có lớp sỏi nhỏ mịn lóng lánh nhiều mầu và mỗi khi mặt trời lên chiếu xuống, dòng suối như được lát pha lê. Anh Hiền sinh ra, lớn lên ở Phan Thanh, nhưng anh được đi đây đi đó khá nhiều và anh thấy ở quê mình có quá nhiều điểm có thể trở thành những khu du lịch sinh thái lý tưởng, nếu được khai thác tốt sẽ không chỉ làm giàu cho người dân mà còn có thể giúp Phan Thanh trở thành viên ngọc sáng, trên đất ngọc Lục Yên.

Phan Thanh rất khác so với những gì tôi đã từng được nghe. Người dân cần cù và đặc biệt là lòng hiếu khách. Sức mạnh từ nội nực của Phan Thanh luôn có và đang được thể hiện qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như tuyến đường 11 km vào xã, đã được nhân dân tự nguyện góp tiền, công sức làm đường điện thắp sáng. 

Phan Thanh sẽ vươn lên mạnh mẽ cùng khát vọng nội lực và quyết tâm của đồng bào Nùng nơi đây nếu có được một tuyến đường ven hồ chạy qua địa bàn xã, nối ốc đảo Phan Thanh với các xã ven quốc lộ 70 và trung tâm huyện lỵ tươi đẹp của vùng đất ngọc Lục Yên. 

Anh Dũng

Tags Phan Thanh Lục Yên làm giàu làng Ro Thác Bà Tân Lĩnh Tân Lập

Các tin khác
Nông dân xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế.

Với những nỗ lực chung, đến nay, Yên Bái có 10 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đạt chuẩn nông thôn mới. Công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại những vùng này còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nghề trồng quế mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Văn Yên.

Hết năm 2020, với 10 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong số 12 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Văn Yên là địa phương có tỷ lệ này cao. Bởi vậy, việc phấn đấu trở thành huyện NTM trong giai đoạn 2021 - 2025 bằng nỗ lực và quyết tâm vượt khó được Văn Yên xác định ngay từ đầu giai đoạn, từ cấp huyện tới xã.

Nhà ở của đồng bào dân tộc người Mông thôn Khe Ron, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã khang trang, sạch đẹp.

Bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Trấn Yên (Yên Bái) gặp khá nhiều khó khăn khi còn tới 6 xã và 46 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Người dân bản Lụ 1 tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Hôm nay, dọc con đường bê tông uốn lượn theo thửa ruộng, triền đồi về tới bản Lụ, bản Hán, bản Muông... của xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, bên cạnh những căn nhà sàn truyền thống, xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà to đẹp, khang trang với mẫu mã không khác gì phố thị miền xuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục