Một chính sách nhân văn đã mang đến hạnh phúc cho không chỉ 45 thầy cô mà lan tỏa, trở thành động lực cho những giáo viên đang công tác tại vùng cao tiếp tục cống hiến.
Cô giáo Hồ Thị Minh Thoa - giáo viên Trường Mầm non Xéo Dì Hồ, huyện Mù Cang Chải chính thức nhận quyết định chuyển công tác về Trường Mầm non Hồng Ca, huyện Trấn Yên. Hơn 13 năm công tác tại huyện Mù Cang Chải, cô đã được về gần với gia đình.
Cô Thoa chia sẻ: "Cứ ngỡ như một giấc mơ vậy… Ngày nào cũng được nhìn thấy con, con quấn quýt bên mình mà hạnh phúc không tả xiết. Trước, cứ chiều thứ 6 về, ở trọn vẹn với con ngày thứ 7, đến Chủ nhật là lại lên trường. Nhiều lần đi trong lúc con vẫn đang ốm sốt mà lòng thắt lại, nước mắt cứ chảy”.
Năm 2007, khi 22 tuổi, Thoa mang bầu nhiệt huyết đem cái chữ tới những em nhỏ nơi vùng cao khó khăn nhất của tỉnh, còn người bạn trai nhận công tác ở một trường học tận tỉnh Lai Châu. Cứ thế, hai người con của Trấn Yên động viên nhau hăng say cống hiến, cùng vun đắp tình yêu đôi lứa. Khi sinh con đầu lòng cũng là lúc khó khăn nhiều hơn gấp bội.
Cô nghẹn ngào: "Con nhỏ, tôi lại chưa biết đi xe máy, đường khó đi, tôi cõng con đi bộ 8 cây số từ bản ra trung tâm xã họp rồi lại quay về. Lúc đó, tôi đã nghĩ chắc mình bỏ nghề… Nhưng về đến lớp, thấy bọn trẻ ở bản còn đáng thương hơn cả con mình, tôi lại có động lực tiếp tục cố gắng để các em được học tập cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Ôm chặt đứa con nhỏ vào lòng, cô nói: "Rất bất ngờ khi nhà trường thông tin về chủ trương của tỉnh và cũng không nghĩ mình sẽ được chuyển ngay đợt này! Hôm nhà trường báo về tỉnh nhận quyết định, mình vui lắm! Mình đã được về với các con!”.
Bà Hà Thị Song - mẹ chồng cô đã 80 tuổi, dù sức khỏe yếu nhưng mấy năm nay vẫn cố gắng chăm sóc hai cháu cho các con yên tâm công tác. Được tin con dâu sẽ về công tác gần nhà, bà mừng lắm: "Cảm ơn các cấp đã quan tâm cho con dâu tôi về công tác gần nhà! Bố bọn trẻ vẫn ở xa nhưng mẹ bọn trẻ được về gần là tốt lắm rồi!”.
Cô giáo Hồ Thị Minh Thoa đồng hành cùng trẻ vùng cao khi còn dạy học ở Trường Mầm non Xéo Dì Hồ, huyện Mù Cang Chải.
Ngày 16/4/2021, UBND tỉnh có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc rà soát giáo viên có nguyện vọng chuyển về công tác tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ngày 25/5/2021, Thường trực Tỉnh ủy có kết luận, đồng ý chủ trương về việc điều động, tiếp nhận 45 giáo viên đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn hiện đang công tác tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được chuyển công tác về thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các huyện vùng thấp. Ngày 25/6/2021, 45 thầy cô giáo đã chính thức nhận quyết định. |
Trong 45 thầy cô được chuyển công tác theo nguyện vọng lần này, rất nhiều người đã cống hiến hơn 20 năm cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh và chính họ đã viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Cô Hoàng Thị Tùng Bách - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Túc Đán sinh ra và lớn lên tại thành phố Yên Bái, năm 2000, cô tình nguyện lên Trạm Tấu giảng dạy tại Xà Hồ, rồi Túc Đán, cô Bách chia sẻ: "Thời gian đầu cũng nản lắm, nhưng chứng kiến những em nhỏ người Mông chân trần giữa mùa đông giá rét, ngồi trong lớp học vẫn còn phải cõng em cho bố mẹ đi nương, tấm áo chưa lành, những ánh mắt của các em đã cho tôi thêm quyết tâm ở lại”.
Thời gian khó khăn nhất của cô là khi mới chuyển về Túc Đán, lúc con gái mới được 4 tuổi, chồng bị ung thư phổi, vừa chăm chồng, chăm con, lại dạy ở điểm lẻ phải đi bộ 3 - 4 giờ đồng hồ mới tới nơi. Cô bùi ngùi: "Rồi chồng tôi mất, hai mẹ con thuê nhà ở thị xã Nghĩa Lộ, ngày con đi học, mẹ lên Trạm Tấu dạy học, những hôm nào trực bán trú thì gửi con ở nhà người quen. Đã có lúc, mình quên hẳn ý nghĩ về gần với bố mẹ. Khi tỉnh có chủ trương và mình được chuyển vùng theo nguyện vọng, mẹ mình đã khóc vì hạnh phúc: con gái sau hơn 20 năm đã được về công tác gần nhà”.
Năm học tới, cô sẽ công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. Nhiệt huyết 20 năm công tác tại vùng cao, cô sẽ mang tới ngôi trường mới. Dù vẫn biết sau đợt này, nhiều địa phương sẽ vơi hụt nguồn giáo viên có trình độ, kinh nghiệm nhưng các địa phương đều đồng tình ủng hộ.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Đây là một quyết định nhân văn sâu sắc, không riêng các thầy cô mà chúng tôi cũng rất xúc động, vui mừng! Huyện Mù Cang Chải có 80/111 cán bộ quản lý, 355/639 giáo viên là người nơi khác đến công tác. Có những thầy cô lên đây công tác rồi "an cư lạc nghiệp”, cống hiến tuổi thanh xuân đến khi nghỉ hưu mới về quê… Sự tận tâm cống hiến và sự hy sinh của các thế hệ giáo viên đã góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục Mù Cang Chải. Thay mặt lãnh đạo và nhân dân trong huyện, tôi xin trân trọng cảm ơn những đóng góp của các thầy, các cô!”.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: "Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và các thế hệ học sinh miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn khắc ghi công lao và chia sẻ cùng các thầy, cô giáo đã vượt qua muôn vàn khó khăn để bền bỉ gieo chữ cho học sinh vùng cao. Với tâm huyết cháy bỏng, tình yêu nghề, tấm lòng yêu thương học trò, các thầy, cô giáo đã nêu gương sáng về đạo đức, truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học sinh”. |
Đây là lần đầu tiên tỉnh Yên Bái giải quyết nguyện vọng của các giáo viên với số lượng khá lớn cùng một thời điểm, trong điều kiện biên chế ngành giáo dục và đào tạo còn nhiều khó khăn. Việc điều động, tiếp nhận giữa các đơn vị được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn đồng thời đảm bảo ổn định biên chế, chất lượng, đội ngũ giữa các trường.
Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chia sẻ: "Đây là chính sách ưu việt, tạo cơ hội, động lực cho các thầy cô tiếp tục cống hiến, gắn bó với vùng cao. Tỉnh Yên Bái có gần 6.000 cán bộ, quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng cao, miền núi, chiếm 45,7% giáo viên toàn ngành. Đa số các thầy cô gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên, rất nhiều người đã tình nguyện cống hiến và dành trọn thanh xuân với giáo dục vùng cao”.
"Hạnh phúc” là từ miêu tả chính xác nhất cảm xúc của 45 thầy, cô giáo vừa được chuyển công tác theo nguyện vọng. Sẽ có những gia đình được sum vầy, bố mẹ được gần con, vợ chồng được gần nhau hơn… Các thầy cô sẽ có nhiều thời gian chăm sóc con, chăm lo cho gia đình mình hơn… Nhiều lắm những niềm vui, hạnh phúc mà chính sách này đã dành cho các thầy cô như một lời tri ân vì những cống hiến của họ cho sự nghiệp giáo dục vùng cao!
Thanh Ba
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu