Ông “lợn rừng”

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2007 | 12:00:00 AM

Gần 11 năm trước (năm 1996), Thạc sĩ Trần Văn Do cùng các đồng sự của mình đã âm thầm xây dựng kế hoạch đưa giống lợn miền núi Quảng Trị “hạ sơn”.

Các cộng sự của Th.s Do đang thay phiên chăm sóc đàn “lợn rừng” trong vườn Trường Trung học Nông nghiệp - PTNT tỉnh Quảng Trị.
Các cộng sự của Th.s Do đang thay phiên chăm sóc đàn “lợn rừng” trong vườn Trường Trung học Nông nghiệp - PTNT tỉnh Quảng Trị.

Trải qua nhiều thất bại, đến nay đàn lợn của Th.s Do đã lên đến 70 con. Không dừng ở việc nhân giống đàn lợn, ông cùng các đồng sự tiếp tục xây dựng quy trình chăn nuôi lợn miền núi thành đề tài khoa học.

Ông đặt tên cho giống lợn này là lợn Vân Pa… chất lượng thịt được sánh ngang với thịt lợn rừng.

Ra vườn gặp “lợn rừng”

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng được Th.s Trần Văn Do tiếp chuyện sau chuyến ông lên huyện Hướng Hoá, Đakrông tìm hiểu thêm về đặc tính của giống lợn Vân Pa mà ông tâm huyết theo đuổi hơn 11 năm nay.

Ông dẫn tôi ra khu vườn thực nghiệm trồng xoài, mãng cầu… nằm sát giảng đường trường Trung học Nông nghiệp - PTNT tỉnh Quảng Trị, cầm thanh gỗ đập đập vào hàng rào nơi thường ngày vẫn đổ thức ăn cho đàn lợn.

Ngay lập tức, hàng chục chú lợn đen mốc, đen sọc dưa, thân dài ngoằng ngoẵng, mõm nhọn, bụng thóp lại, chân săn chắc như vận động viên chạy Marathon lao nhao túa ra từ góc vườn, nhanh nhẹn, hớn hở hếch mõm chờ được cho ăn.

Th.s Do giới thiệu với tôi đầy vẻ hãnh diện: “Giống Vân Pa của chúng tôi đấy! Giống lợn này không khác mấy với giống lợn rừng. Nhiều vị sành ăn đến mấy khi thưởng thức món thịt lợn Vân Pa vẫn không tài nào phân biệt nổi với thịt lợn rừng”.

Quay trở lại căn phòng làm việc, ông hào hứng kể về “duyên nợ” của ông với giống lợn Vân Pa mà ông yêu quý. Năm 1996, trong một chuyến lang thang lên các bản làng ở hai huyện miền núi Hướng Hoá, Đakrông để tìm kiếm, khảo sát nguồn gen của các loại vật nuôi.

Đến bản nào, ông cũng thấy đàn lợn có một đặc điểm khá lạ so với giống lợn nuôi thường thấy đó là con nào con nấy đều có lông da đen bạc, thỉnh thoảng có màu phớt vàng hung, lưng thẳng, thân hình gọn, đầu và cổ to, mõm nhọn, tai nhỏ, hình dáng giống con chuột, cứ quanh quẩn dưới sàn nhà dũi đất tìm các loại củ, côn trùng ăn…

Ông hỏi mấy người dân trong bản là giống lợn gì nhưng tất cả đều trả lời ông bằng cái lắc đầu. Gặng hỏi mãi, họ mới cho ông biết rằng họ vẫn thường nuôi giống lợn đó chứ không biết giống lợn gì.

Ông được biết giống lợn này không có gì lạ mà chỉ khác lạ ở cách thức chăn nuôi của bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô đó là cách nuôi...thả rong. Cứ lợn mẹ thả rong khi sinh ra đàn con lại tiếp tục rong ruổi theo mẹ.

Chúng tự tìm lấy thức ăn, nước uống, chỗ nằm. Rồi chúng lớn lên, rồi sinh con đẻ cái...Sự thích ứng với điều kiện thiên nhiên bản địa đã làm nên sự khác biệt so với các giống lợn khác du nhập vào địa phương.

Hơi đá núi, không khí loãng không làm cho lợn bị ngợp, rét hay nguồn  nước bẩn và thức ăn tự nhiên không làm cho lợn bị ốm. Địa hình đồi dốc cộng với lối kiếm ăn bản năng khiến cho đàn lợn phải vận động nhiều, lượng mỡ tích lũy dưới da hầu như không có.

Lợn chịu sự đào thải khắc nghiệt của tự nhiên (không được chăm sóc, nuôi dưỡng) nên con nào tồn tại, phát triển được đều chắc nịch, khỏe khoắn. Chất lượng thịt sánh ngang với lợn Sóc (Tây Nguyên), lợn Mường Khương (Lào Cai), lợn Mẹo (của người Mông), lợn Bản (Lạng Sơn)...

Đây cũng là nguồn thịt sạch, không có dư lượng thuốc tăng trọng trong thịt như một số giống lợn khác. Giá cả theo đó cũng cao hơn gấp nhiều lần so với thịt cùng loại nuôi công nghiệp.

Ông ngược lên các bản người Vân Kiều, Pa Cô để mua giống lợn đó về nuôi thử nghiệm, áp dụng cách thức nuôi giống cách nuôi của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô cứ thả rong mặc chúng tự đi kiếm ăn chỉ cho ăn thêm một lượng rất ít thức ăn tinh bột, chất xơ…

Cũng từ khi có đàn lợn, ông suốt ngày ở ngoài vườn trường để chăm chú quan sát, ghi chép tỉ mỉ cách thức kiếm ăn, đi lại của đàn lợn. Công sức của ông đã được đền đáp, giống lợn Vân Pa được giới khoa học chuyên ngành công nhận.

Trong At lát các giống vật nuôi ở Việt Nam do Viện Chăn nuôi và Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ NN-PTNT ấn hành năm 2005 đã trang trọng giới thiệu:

“Giống lợn Vân Pa hay có tên gọi khác là lợn Mini. Có nguồn gốc từ vật nuôi của người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, tỉnh Quảng Trị. Phân bổ chủ yếu ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).

Hình thái có sắc lông da đen bạc, thỉnh thoảng có màu phớt vàng hung, lưng thẳng. Thân hình gọn. Đầu và cổ to. Mõm nhọn, tai nhỏ. Thịt ngon, ít mỡ. Khối lượng lợn sơ sinh: 250-300 gam/con. Trưởng thành: 35-40 kg/con.

Năng suất, sản phẩm: Bắt đầu phối giống lúc 7-8 tháng tuổi. Một năm đẻ bình quân 1,5 lứa. Mỗi lứa đẻ khoảng 8 con” và công nhận giống lợn Vân Pa là giống lợn đặc trưng của tỉnh Quảng Trị và là một trong những giống lợn quý của Quốc gia cần được bảo tồn, nhân rộng."

Thương hiệu cho giống lợn Vân Pa

Khi tôi hỏi ông có ý định xây dựng thương hiệu cho giống lợn Vân Pa, Th.s Do tự hào khoe:

Hiện tại, có nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn “đặc sản” ở các thành phố, chuyên cung cấp cho các nhà hàng lớn đã gọi điện thoại liên hệ đề nghị liên doanh, hợp tác, cung cấp thịt, con giống cho họ nhưng ông chưa đồng ý.

Mục đích mà ông và các cộng sự ấp ủ là bảo tồn nguồn gen quý đồng thời với việc nhân rộng tổng đàn, chuyển giao lại con giống cùng cách thức chăn nuôi cho đồng bào dân  tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền núi Quảng Trị.

Còn các chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn Quảng Trị, nếu hội đủ các điều kiện để tạo dựng thương hiệu, tìm được đầu ra ổn định cho giống lợn Vân Pa, sẽ được ông ưu tiên để chuyển giao nguồn giống, kỹ thuật chăn nuôi.

Khi giống lợn Vân Pa thành thương hiệu sẽ là loại vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền tây Quảng Trị.

Tất cả là mơ ước, động lực cháy bỏng đã thôi thúc Th.s Do cùng đồng sự của ông dồn hết tâm sức ngày đêm vào đàn “lợn rừng” mà ông đang nuôi ở vườn trường như cách ông ví von về đàn lợn của mình.

(Theo TPO)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục