Đền bù, GPMB đường Km 5 - Yên Bình: Tiền đã trao nhưng “cháo” chưa múc !
- Cập nhật: Thứ hai, 16/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng vốn đã hết sức phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án, tổ chức thi công, gây tốn kém công sức, tiền bạc và biết bao vấn đề xã hội khác. Công trình đường Km 5 đi Yên Bình là một thí dụ điển hình. Suốt từ năm 2005, dự án được khởi động nhưng đến hôm nay (ngày 16/7/2007) công trình vẫn không thể khởi công bởi rất nhiều lý do, trong đó có việc người dân nhận tiền đền bù rồi nhưng không chịu di dời để bàn giao mặt bằng. Đúng là tiền đã trao nhưng “cháo” chưa “múc” - một diễn biến mới trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng mà tổ dân phố 36, phường Đồng Tâm (TP Yên Bái) là một ví dụ.
Nhà của 13 hộ dân chây ỳ ở tổ 36 phường Đồng Tâm.
|
Tổ dân phố 36 phường Đồng Tâm có 23 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng công trình đường Km 5 đi Yên Bình, đoạn Km 0 - Km 1 + 300. Là đầu tuyến đường mới nên mọi công việc đều được triển khai sớm và tương đối cẩn thận theo đúng quy trình và chính sách hiện hành như: thông báo, kiểm kê, tuyên truyền vận động, áp giá đền bù... Tất nhiên, ngay từ khi triển khai, Ban quản lý dự án và Hội đồng giải phóng mặt bằng đã không nhận được sự đồng tình của phần lớn các hộ dân trong tổ. Hàng chục tờ đơn được viết ra rất công phu, cái của tập thể, cái của cá nhân... nhưng dù của ai viết, dài hay ngắn cũng chỉ với một số nội dung là: giá đất, giá đền bù vật kiến trúc quá thấp đề nghị được nâng lên, đề nghị được tăng thêm phần hỗ trợ tiền thuê nhà vì hỗ trợ tiền thuê nhà 6 tháng là …quá ngắn! Mọi chính sách được đề ra đều đã qua nghiên cứu kỹ lưỡng, quá trình thực hiện là rõ ràng, không thể thay đổi và không có chính sách riêng áp dụng cụ thể cho một trường hợp nào. Chính vì thế quá trình thực hiện cũng có thể người này được lợi một ít, người kia chịu thiệt một ít, đó cũng là điều dễ hiểu. Chẳng hạn, một thửa đất 4 mét mặt đường có chiều sâu 13 mét có giá trên thị trường gần tương đương với thửa đất liền kề cũng có bề rộng 4 mét nhưng chiều sâu là 20 mét nhưng tiền đền bù hai thửa đất nay lại chênh nhau rất xa. Mọi lá đơn đều chung một mục đích là tăng số tiền đền bù.
Trước tình hình này, thành phố Yên Bái và Ban quản lý dự án đã tổ chức gặp gỡ tập thể và đến từng hộ dân để hướng dẫn, giải thích cho mọi người hiểu cùng hợp tác vì mục tiêu chung. Biết không thể đòi hỏi được thêm, các hộ dân đã chấp nhận tiền đền bù. Trong biên bản trả tiền đều ghi rõ: hộ gia đình không còn thắc mắc gì, chấp hành việc di dời bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định và sau đó Ban quản lý dự án đã gửi thông báo thời hạn cuối cùng phải di dời...Nhưng mọi cam kết chỉ là cam kết, quá trình thực hiện lại rất khác. Sau nhiều ngày kể từ ngày lĩnh hàng trăm triệu đồng, có hộ cả tỷ đồng nhưng các gia đình trong tổng số 16 hộ ngay đối diện với UBND phường Đồng Tâm vẫn đàng hoàng ở trong ngôi nhà mà mình đã được trả tiền, tuyệt nhiên không thấy có chuyện di dời.
Tiền đền bù đã nhận đủ nhưng các hộ vẫn sống và kinh doanh buôn bán chưa chịu di dời.
Trong vai một người khách qua đường chúng tôi trò chuyện với một số người dân ở tổ 36 (khu vực giải tỏa), mỗi người có một cách nói khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là không đi! Ông T nói: “Vị trí đắc địa thế này, nhà đàng hoàng thế này đi cũng phí!”; ông Đ nói: “Nhà tôi kinh doanh ở đây đã lâu, khách đang đông, tiền nhận rồi nhưng cứ phải cố kinh doanh, khi nào chính thức thi công thì tôi chuyển!”. Một cán bộ của Ban quản lý dự án cho biết: có người tuổi đã cao, lại là cán bộ có trách nhiệm hẳn hoi, đã không đi còn có những lời nói rất thô tục và thách thức chính quyền “tiền tao lấy rồi đấy, gửi tiết kiệm mỗi tháng lãi vài triệu rồi đấy, nhưng tao không đi!”. Biết chúng tôi đi tìm hiểu để viết phóng sự này một người đàn ông sống trong khu giải tỏa (yêu cầu không nêu tên) nói: “Người ta nói đảng viên đi trước, làng nước theo sau, khu này nhiều người là đảng viên, là cán bộ các ngành, có người còn giữ cả chức vụ chủ chốt cơ quan pháp luật… họ còn chưa chuyển nữa là! Bao giờ các ông ấy chuyển thì chúng tôi chuyển!”. Như vậy, một nguyên nhân khiến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm là sự không gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật của một số cán bộ, đảng viên.
Hẳn bạn đọc sẽ rất bất ngờ khi biết rằng trong số 16 hộ chây ỳ ở tổ 36 phường Đồng Tâm có khá nhiều người là cán bộ, đảng viên, có cả những người làm công tác về đất đai, luật pháp, thậm chí có người còn giữ cương vị lãnh đạo. Không biết bản kiểm điểm công tác, kiểm điểm đảng viên họ viết và trình bày trước cơ quan, trước chi bộ thế nào? Hay vẫn đọc to: “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật Nhà nước, gương mẫu thực hiện các quy định ở nơi cư trú...!”. Được biết, tỉnh đã lấy danh sách số cán bộ, đảng viên chây ỳ này để làm công văn yêu cầu cơ quan chủ quản có biện pháp giáo dục, thuyết phục. Đúng là cực chẳng đã!
Theo thông tin mà chúng tôi có được, ngày 22/6/2007, UBND thành phố Yên Bái đã có Công văn số 260/CV-UBND thông báo đến tất cả các hộ dân đã nhận tiền đền bù rồi mà không chấp hành việc di dời trước ngày 15/5/2007 theo quy định. Hạn cuối cùng, trước ngày 5/7/2007, các hộ này phải di dời, nếu không chấp hành UBND phường lập biên bản vi phạm hành chính theo Điều 16 và Điều 19 Nghị định 182/2004/NĐ-CP. Công văn 260 của UBND thành phố do đích danh Chủ tịch Hà Đức Hoan ký đã được gửi đi, theo đúng quy định không quá 30 ngày kể từ ngày phải bàn giao đất nếu người dân không chấp hành thì ra quyết định cưỡng chế. Công luận rất mong muốn UBND thành phố Yên Bái xử lý một cách cương quyết hơn, không thể gia hạn đi, gia hạn lại mãi và phải xử lý nghiêm những người chống lại chính quyền để giữ nghiêm luật pháp!
Nhóm phóng viên Kinh tế
Các tin khác
YBĐT - Thị trường chè vàng những tháng đầu năm biến động, giá chè nguyên liệu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp chè ở Yên Bái phải đóng cửa. Nhưng sau "cơn lốc" chè vàng, Công ty cổ phần chè Liên Sơn ở thị trấn nông trường Liên Sơn (Văn Chấn) vẫn trụ vững phát triển, trở thành hiện tượng trong giới sản xuất, kinh doanh chè ở Yên Bái.
Gần 11 năm trước (năm 1996), Thạc sĩ Trần Văn Do cùng các đồng sự của mình đã âm thầm xây dựng kế hoạch đưa giống lợn miền núi Quảng Trị “hạ sơn”.
YBĐT - Bởi câu Bất đáo Trường Thành phi hảo hán mà tôi bước dài những bước chân háo hức qua ải Nam Quan, rồi ngự trên chiếc xe du lịch bọ ngựa- chiếc xe khách nghều ngào có hai chiếc gương vươn ra phía trước thật giống hai cái râu con bọ ngựa- vượt qua dòng sông Ung trong xanh uốn lượn trong thành phố Nam Ninh xinh đẹp, đi mãi vào Thẩm Quyến, Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh của đất nước Trung Hoa rộng lớn.
YBĐT - Gọn gàng với túi đồ nghề, chúng tôi theo đoàn công tác của Tỉnh uỷ Yên Bái do Bí thư Tỉnh uỷ Phùng Quốc Hiển dẫn đầu lên xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Gần 10 giờ trưa, giữa đất trời mùa hè mà mây mù vẫn còn giăng kín trên những mỏm núi đá, những ngôi nhà của đồng bào Mông và trên cả con đường gỗ ghề quanh co, cứ mờ mờ ảo ảo khiến cho ai cũng ngỡ như đang lên trời.