Về Nghĩa Lợi một ngày cuối tháng mười, vụ mùa thu hoạch xong, lác đác những thửa ruộng đã bừng lên xanh ngát màu của ngô, rau màu vụ đông. Nhìn đám thanh niên lúc nông nhàn kéo nhau vào thị xã kiếm việc công nhật, Chủ tịch UBND xã Lò Minh Tâm cho biết: Cả xã mình có 760 hộ dân với trên 3.500 khẩu sinh sống ở 10 bản (có 86% dân số là dân tộc Thái) nhưng chỉ có 121 ha ruộng hai vụ, bình quân mỗi khẩu chỉ còn 500m2 đất canh tác. Do còn tồn dư nhiều hủ tục lạc hậu vì đám ma, tổ chức cưới kéo dài nhiều ngày tốn nhiều rượu, trâu, lợn; phương thức sản xuất độc canh cây lúa, nhưng trâu vẫn buộc gầm sàn vừa mất vệ sinh vừa không có phân chuồng bón lúa.
Bên cạnh đó, do phụ nữ lấy chồng sớm (21 tuổi chưa có chồng coi là ế) dẫn đến đẻ sớm, đẻ dày và tách hộ khi chưa đủ điều kiện kinh tế cần thiết, nên tỷ lệ hộ nghèo tăng nhanh. Đồng bào nơi này thà chịu khổ chứ không chịu khó đã ăn sâu vào tiềm thức, nghĩa là chỉ lo đủ miếng ăn trong ngày là được, còn ngày mai ra sao không cần biết, cho dù có công việc làm thêm trong buổi thu nhập đủ sống, họ cũng chối từ.
Thực trạng này đã làm cho tỷ lệ hộ nghèo trong xã năm 2005 ở mức trên 88%, khiến Đoàn công tác Uỷ ban Dân tộc Quốc hội, khi giám sát, bàng hoàng bởi một nơi giữa thị xã đẹp như mơ, trung tâm kinh tế - xã hội của các huyện miền Tây lại có tỷ lệ hộ nghèo cao chót vót. Và rồi, 9/10 bản được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Nhưng do sơ suất của ngành chức năng, nhầm các bản thuộc xã Phúc Lợi của huyện Lục Yên với Nghĩa Lợi của Nghĩa Lộ, nên đến nay các chương trình đầu tư vẫn chưa vào được đến xã. Không thể trách quá khứ, bởi trước đây xã thuộc huyện Văn Chấn có đến 34 xã, thì sự đầu tư dàn trải là có thật, lại không thuộc xã vùng cao nên các chương trình, dự án hỗ trợ khó đến được nơi này.
Từ năm 2004 Nghĩa Lợi cùng hai xã khác nhập về thị xã, từ các nguồn lực phát triển của thị xã đã phần nào giúp xã có được diện mạo mới: trụ sở làm việc, trường học, hệ thống kênh mương thuỷ lợi được xây mới; hệ thống lưới điện quốc gia kéo về từng bản; chỉ số hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 10%. Nhưng cái lạc hậu vẫn hiển hiện dưới từng nếp nhà sàn Thái: trâu vẫn buộc gầm sàn, trên 260 hộ chưa dùng nước hợp vệ sinh, không có công trình vệ sinh, diễn ra phổ biến. Hệ quả là trên 80% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, các bệnh về mắt, đường tiêu hoá ở mức cao.
Đến Trạm Y tế xã, bắt gặp một cháu gái 14 tuổi đang điều trị do nôn ra giun và nghi giun chui ống mật, bác sỹ Hoàng Minh Khôi cho biết: Đây là hậu quả của việc sinh hoạt mất vệ sinh của bà con trong bản, khâu y tế dự phòng còn chưa đạt chuẩn; một số thanh niên đi làm ăn xa về mắc các bệnh xã hội đã lây nhiễm sang vợ con, hiện cả xã có 30 người có HIV (trong đó có 4 phụ nữ, một trẻ em) nếu quản lý và tư vấn không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Ngay Trạm Y tế xã đã xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị thiếu, không đáp ứng được việc khám, chữa bệnh từ cơ sở, cho dù trên đã tăng cường bác sỹ cho tuyến xã.
Sự học ở đây cũng đáng báo động, năm học này có 12 học sinh THCS bỏ học, cả xã không có một ai tốt nghiệp đại học.
Lý giải vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Siềng, Bí thư Đảng uỷ xã cho rằng: Vì xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên học sinh không có tiêu chuẩn vào các trường dân tộc nội trú để được cử tuyển vào đại học như các nơi khác! Phải chăng đây là sự nguỵ biện không muốn tiến bộ, bởi ngay như xã vùng cao Chế Tạo (Mù Cang Chải) học sinh đi bộ, trèo đèo lội suối trên bốn chục cây số, ở trọ, theo học nội trú THPT, đến nay cả xã có trên 20 người dân tộc Mông có trình độ đại học.
Còn ở Nghĩa Lợi, đến trường THPT chỉ cách 5 km, nhưng do thiếu ý chí của cả người học lẫn cha mẹ học sinh nên không có người vào các trường đại học, cho dù đội ngũ cán bộ xã có điều kiện kinh tế hơn cũng không động viên con em theo học là một việc đáng phải xem xét. Do vậy, đội ngũ cán bộ xã cũng chỉ trình độ trung cấp, các chức danh công chức xã theo qui định thì phải lấy người của địa phương khác. Trước tình trạng này, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Xuân Lộc trong lần công tác tại xã đã yêu cầu đến năm 2010 Nghĩa Lợi phải có con em vào đại học, kể cả tỉnh lo diện cử tuyển, nhằm tạo nguồn cán bộ dân tộc địa phương phục vụ lâu dài trong xã.
Để phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã đầu tư cả trăm triệu đồng thử nghiệm nhiều mô hình xoá đói giảm nghèo tại xã như: nuôi lợn sinh kế, trồng ớt xuất khẩu, trồng dưa bao tử, chăn nuôi bò bán công nghiệp, nuôi cá chép lai V1 xen lúa...nhưng do lâu năm chỉ dựa vào bao cấp và tập quán canh tác cũ nên đều thất bại, thậm chí có mô hình còn làm dân nghèo đi vì nợ lãi. Đáp ứng vốn ngân hàng cho sản xuất, hệ thống ngân hàng đã đưa gần 7,5 tỷ đồng đến cho vay theo hộ và nhóm hộ, bình quân mỗi hộ 10 triệu đồng, nhưng quẩn quanh vẫn chỉ là mua phân, giống, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất nông nghiệp là chính. Duy nhất cả xã có hộ ông Đinh Văn Chính, bản Phai Hạ bước đầu dám vay vốn đầu tư nuôi nhím, ba ba theo hướng sản xuất hàng hoá, còn lại các hộ khác vẫn “bắc nước chờ gạo người”, hy vọng xoá nghèo nơi này như còn xa vời.
Chị Hà Thị Vân, người thoát nghèo từ trồng ngô nếp cho thu nhập cao, là người đi đầu trong việc vận động trên 600 phụ nữ của xã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn 4,8 tỷ đồng cho biết: hủ tục lạc hậu là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, các đám cưới, đám ma kéo dài ngày cộng với nhiều hộ cầm tiền mà không biết cách chi tiêu khoa học, nên số hộ cận nghèo vẫn còn nhiều.
Nhằm thoát nghèo ở nơi đất chật người đông như Nghĩa Lợi, rất cần cụ thể hoá các mô hình có điều kiện phát triển kinh tế trước, từ đó nhân rộng điển hình theo cách “cầm tay chỉ việc” cho các hộ khác, tránh bệnh thành tích chạy theo số lượng; sớm chuyển đổi cách nghĩ, cách sinh hoạt theo đời sống mới để đẩy lùi hủ tục lạc hậu, đi đôi với xây dựng qui ước, hương ước trong nông thôn miền núi theo tiêu chuẩn xã văn hoá. Chỉ có vậy, đến năm 2010, thị xã Nghĩa Lộ mới đạt mục tiêu xây dựng thị xã văn hoá, đơn vị cấp huyện đầu tiên trong khu vực Tây Bắc đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành.
Thanh Sơn
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu