Hũ gạo yêu thương
- Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2011 | 2:25:09 PM
YBĐT - “Hũ gạo đoàn kết” ra đời làm nhân lên sự háo hức đến trường của mỗi cô cậu học trò. Với các em mỗi ngày tới trường là một ngày vui. Đó là niềm vui của những đứa trẻ còn phải chịu rất nhiều khó khăn, thiệt thòi so với các bạn ở miền xuôi.
Các em học sinh đang bỏ gạo vào hũ góp phần giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn được tới lớp.
|
Tình cờ gặp cô giáo Nguyễn Thị Hậu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Nghĩa Lộ ở Trường Tiểu học Bế Văn Đàn. Qua chị được biết, cùng với các phong trào “Nuôi lợn đất”, “Trồng rau”, “Thu gom giấy vụn”, “Kế hoạch nhỏ”, năm học 2009 – 2010, cuộc vận động “Hũ gạo đoàn kết” - một sáng kiến của Phòng GD-ĐT thị xã đã ra đời. Cũng từ đó “Hũ gạo đoàn kết” đã giúp nhiều học sinh nghèo không phải bỏ học vì đói, rét.
Ấm lòng trò nhỏ nghèo khó
Trên chiếc xe U - oát cũ kỹ, già nua của Phòng GD-ĐT thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi vượt gần chục cây số đường gập ghềnh đá với nhiều ổ trâu, ổ gà đến gia đình chị Đồng Thị Chiên ở bản Nậm Đông, xã Nghĩa An - một gia đình người Thái thuộc diện hộ nghèo. Biết nhà có khách, chị vội gác lại hết công việc. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, trống huếch, chị xúc động nhớ lại: “Gia đình tôi nghèo quá, quanh năm lao động vất vả trên mảnh ruộng mà cũng chẳng đủ ăn, đủ mặc.
Trong dịp gần nghỉ tết vừa rồi, thằng Minh hớt hơ hớt hải tay cầm chiếc túi chạy tận ruộng nơi tôi đang gieo mạ khoe được tặng quà, trong đó có quần áo, bánh kẹo và ba cân gạo. Tôi chỉ biết ôm con và khóc”. Từ đó, Minh cũng như nhiều em học sinh khác của Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, xã Nghĩa An đã không còn phải bỏ học vì đói, vì rét.
Hơn một năm nay, tinh thần nhường cơm sẻ áo đã lan tỏa tới tất cả hệ thống các trường phổ thông trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Điển hình nhất là ở Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, ở ngôi trường có hơn 95% học sinh dân tộc Thái, phần lớn các em gia cảnh khó khăn; tất cả các lớp học đều có “Hũ gạo đoàn kết”.
Nhờ những hũ gạo này, năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh bỏ học sau tết Nguyên đán chỉ còn 8 em, giảm một nửa so với những năm học trước.
Qua tìm hiểu được biết, tỷ lệ hộ nghèo ở thị xã Nghĩa Lộ chiếm hơn 16% dân số. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống rất thiếu thốn. Khó khăn là vậy nhưng từ khi cuộc vận động “Hũ gạo đoàn kết” được phát động, các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ, học sinh hưởng ứng cao.
Chị Lường Thị Máy - Trưởng Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn xúc động kể: “Hôm đó là buổi họp phụ huynh năm học 2009 - 2010, sau khi ý kiến phát động phong trào “Hũ gạo đoàn kết”. Lúc đầu, chúng tôi không hiểu rõ mục đích, nhiều phụ huynh hoài nghi, liệu có khả thi không? Mặt khác, gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo thì lấy đâu mà đóng góp. Nhưng khi được các thầy, cô giải thích chúng tôi hưởng ứng nhiệt tình”.
Còn em Hoàng Thu Hương, học sinh lớp 3A nhanh nhảu: “Lần nào nấu cơm, cháu bốc nắm gạo nhỏ cũng chẳng biết được bao nhiêu cho vào chiếc túi ni lon, rồi treo cạnh góc học tập, cuối tuần mang đến lớp, đổ vào hũ gạo của lớp mình. Cứ như thế, đến buổi sinh hoạt hàng tuần, chúng cháu lần lượt bỏ gạo vào hũ. Còn nhớ, năm học trước lớp cháu có hai bạn không đến lớp vì đói, năm nay không có bạn nào, chúng cháu vui lắm!”.
Các “Hũ gạo đoàn kết” ở Trường Tiểu học Bế Văn Đàn không theo một quy chuẩn nào cả về hình thức, kiểu dáng và chất liệu mà tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của từng lớp học, chúng có thể được làm bằng xô nhựa, bằng hũ sứ, bằng can nhựa cắt miệng… nhưng đều được trang trí thật đẹp, bên ngoài có dòng chữ “Hũ gạo đoàn kết”, đặt trang trọng tại góc lớp. Đó là những hũ gạo chứa đầy tình nhân ái yêu thương của tất cả mọi người dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đỗ Thị Thảo - Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi cho hay: “Khi Phòng GD-ĐT phát động cuộc vận động này, chúng tôi họp ban giám hiệu và cho triển khai ngay. Cứ sau một hoặc hai tháng, hũ gạo đầy, đối với các trường vùng sâu, vùng xa khó khăn, tập trung nhiều học sinh nghèo, thầy cô giáo chủ nhiệm mang bán gạo, số tiền thu được đưa vào quỹ lớp làm sinh nhật cho học sinh trong lớp theo từng tháng.
Đối với những trường đóng trên địa bàn trung tâm thị xã, có điều kiện hơn, số gạo đó được thu gom lại làm quà tặng nhằm động viên các em học sinh khó khăn ở nơi vùng sâu, vùng xa mỗi dịp lễ, tết”.
Tết Tân Mão vừa qua, tiết trời giá lạnh buốt thấu xương nhưng không vì thế mà làm cho không khí đón tết cổ truyền của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi đây tẻ lạnh bởi nó đã được sưởi ấm bằng những tấm lòng nhân ái của chính các bạn học sinh, các thầy, cô cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục trên địa bàn thị xã. Gần 30 triệu đồng, gần hai nghìn gói bánh kẹo, hơn 500 kg gạo từ “Hũ gạo đoàn kết” và nhiều quần, áo, giày dép, mũ… được trao cho 787 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và 38 thầy, cô giáo đang công tác tại điểm trường ở vùng sâu, vùng xa đón tết.
Mỗi ngày đến trường một ngày vui
Điểm trường Nậm Đông, nơi khó khăn cả về vật chất đều đội ngũ giáo viên, đặc biệt, hầu hết học sinh ở đây đều thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng không vì thế mà các em học sinh phải nghỉ học. Ở đây luôn có những thầy, cô giáo hết lòng yêu thương, coi chúng như những đứa con của mình. Những người thầy nơi đây dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống vẫn dốc lòng bám trường, bám lớp cùng học sinh xây dựng lớp học, tiết học thân thiện.
“Hũ gạo đoàn kết” ra đời làm nhân lên sự háo hức đến trường của mỗi cô cậu học trò. Với các em mỗi ngày tới trường là một ngày vui. Đó là niềm vui của những đứa trẻ còn phải chịu rất nhiều khó khăn, thiệt thòi so với các bạn ở miền xuôi.
Cô giáo Đỗ Thị Hải, Chủ nhiệm lớp 1C, điểm trường Nậm Đông, cho biết: “Nhiều em học sinh nhà ở rất xa điểm trường, đường đi lại rất khó khăn. Thương học sinh, chúng tôi coi các em như con của mình, đến từng gia đình đón các em tới trường. Không vì thành tích, mà mong muốn duy nhất của chúng tôi là các em được học hành đến nơi đến chốn.
Qua cuộc vận động, số tiền bán gạo, ngoài việc mua kẹo bánh tổ chức sinh nhật cho các em, chúng tôi còn mua những món quà nhỏ khi thì cái bút, cục tẩy, lúc quyển vở cho học sinh. Tuy món quà trị giá nhỏ nhưng là sự động viên vô cùng to lớn với các em. Vì vậy, tỷ lệ chuyên cần ở điểm trường Nậm Đông khá cao, đạt 98,6%, tăng 3,6% so với năm học trước”.
Bà Đinh Thị Vân không ngớt bày tỏ sự cảm kích: “Vợ chồng tôi nuôi cháu ngoại (Hoàng Thị Chuyển, học sinh lớp 1B) từ hồi nó hai tuổi. Bố mẹ nó đi làm ăn tận Hà Tĩnh. Đến tuổi đi học, cô giáo Hải tới tận nhà động viên gia đình cho Chuyển đi học. Lúc đầu, chúng tôi còn ngần ngừ, đói thì không học được cái chữ. Có lần đi học về, con bé mang về gói quà đẹp lắm. Tôi hỏi, nó bảo đó là quà sinh nhật cô giáo tặng cháu. Tôi chẳng hiểu sinh nhật là cái gì, nó giải thích một hồi, tôi với ông nhà mới nghe ra. Đi ngủ nó cũng giữ bên người”.
Ngoài thực hiện và làm tốt cuộc vận động này, các thầy, cô ở đây tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần ở lại cắt tóc, phát dầu gội đầu… cho học sinh.
Rời Nậm Đông khi cơn mưa rừng chưa ngớt, trong tôi trào dâng niềm cảm xúc bởi câu chuyện về những “Hũ gạo đoàn kết”. Những hũ gạo yêu thương được đong đầy bằng lòng nhân ái, sưởi ấm cho các cô cậu trò nhỏ nghèo khó được tới trường, được hưởng những gì mà các em đáng được hưởng.
Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - “Việc sản xuất, kinh doanh chè vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá, mất mùa được giá” mạnh ai nấy làm, làm không bài bản, không quy hoạch. Nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân, bởi cả hai đều không tìm ra được tiếng nói chung”.
YBĐT - Từ những tháng cuối năm 2010, nhiều mặt hàng thuốc tân dược đã rục rịch tăng giá, đặc biệt là trong quý I/2011, nhiều loại đã tăng giá từ 20 - 40%.
YBĐT - Mỗi khi nhắc tới cuộc khởi nghĩa Yên Bái hôm nay, người ta chỉ biết tới khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học, nơi thực dân Pháp hành hình ông và các chí sĩ yêu nước.
YBĐT - Rời Bản Lềnh trong buổi chiều thanh bình, đi giữa những đồi chè, rừng keo... trong lòng chúng tôi trào dâng cảm xúc vui mừng bởi Bản Lềnh hôm nay đã khoác một chiếc áo mới - một cuộc sống no đủ đang đến với người dân nơi đây.