Những con đường "03" lên núi
- Cập nhật: Thứ tư, 8/6/2011 | 9:04:50 AM
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Yên Bái, diện mạo vùng cao Trạm Tấu có nhiều đổi thay rõ rệt. Song, đồng bào vùng cao ấn tượng nhất, bất ngờ và vui nhất lại là những con đường giao thông liên thôn bản.
Làm đường giao thông tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu
|
Người dân vùng cao Trạm Tấu gọi những con đường này bằng cái tên mộc mạc, thân thương và rất dễ nhớ "Đường 03" của tỉnh.
Những con đường "03"
Năm 2008, thực hiện Nghị quyết 03 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về “một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 – 2010”, Trạm Tấu được hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn với kinh phí hỗ trợ 30.000.000 đồng/km, áp dụng cho tất cả các xã, thị trấn. Sự hỗ trợ về kinh phí của tỉnh đã đáp ứng kịp thời sự mong mỏi của người dân Trạm Tấu bao đời nay.
Bắt đầu từ Bản Mù, xã đầu tiên của huyện với trên 90% dân số là đồng bào Mông, trong đó có thôn Giàng La Pán trên 95% là đồng bào công giáo. 7 tuyến đường được triển khai thi công, từ Khấu Ly đến Păng Dê, Mảnh Tàu đến Tàng Ghênh, Giàng La Pán, Tà Ghênh, Mù Nước đi Mù Cao… từ thôn xa bản gần, trong núi rừng trùng điệp tiếng cuốc, tiếng xẻng phá đá mở đường âm vang khắp núi.
Ông Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã Bản Mù còn nguyên cảm xúc những ngày mở đường: "Lúc có chính sách mở đường người dân phấn khởi lắm, họ hăng hái tham gia vì mở đường phục vụ cho chính cuộc sống của họ lại được Nhà nước hỗ trợ mức công cao. Vì vậy, các tuyến đường được mở tiến độ thi công nhanh và chất lượng đảm bảo yêu cầu, không có tuyến nào phải làm lại khi nghiệm thu".
Thi công đường Trạm Tấu - Bắc Yên Ảnh T.L
Sau Bản Mù là Làng Nhì, Pá Lau, Bản Công và Túc Đán. Anh Thào A Lử - thôn Giao Chu, xã Pá Lau tâm sự: "Mở đường cho mình lại được Nhà nước quan tâm cho tiền, nên ai cũng thích tham gia. Ngày ấy đi làm đường đông vui như đi bầu cử, chính chúng tôi cũng không ngờ được là sức mình lại mở được đường lên lưng núi cao, bây giờ xe máy cứ về đến tận cổng. Vui lắm!".
Bằng tinh thần phấn chấn ấy, kết thúc năm 2008 đã có 17 tuyến đường với tổng chiều dài 48,260 km tại 5 xã của Trạm Tấu được hoàn thành. Năm 2009, hoàn thành 62 tuyến đường tại 12 xã, thị trấn với tổng chiều dài 159,485km và năm 2010, hoàn thành 46 tuyến đường với tổng chiều dài 132,400 km. Vậy là giữa đại ngàn trùng điệp, từ đỉnh non cao đến nơi đồi thấp, nơi nào có đồng bào sống nơi ấy có đường xe máy vào bản, diện mạo nông thôn miền núi đổi thay rõ rệt.
Niềm vui từ những con đường
3 năm với 340km đường giao thông nông thôn được mở, những cái tên nghe vốn xa xôi như Giàng La Pán, Háng Chi Mua, Làng Mảnh, Sá Nhù, Háng Đề Tà, Chống Tàu nay đã gần lại. Không cần cuốc bộ vượt núi 3 - 4 giờ mà xe máy đã lên tận non cao.
Anh Trang A Chu - Trưởng thôn Mù Cao, xã Bản Mù chia sẻ: "Khi chưa có đường có tiền cũng phải đi bộ, bây giờ có đường rồi người dân ai cũng phấn đấu làm ăn tích cóp để mua xe máy, rồi khi được hỗ trợ gạo, phân bón, giống lúa, téc nước hay tấm lợp cũng không phải mất ngày, mất buổi đi gùi về mà có đường, có xe chỉ cần vài tiếng là đã về đến nơi”.
Ông Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết thêm: "Có đường, các công trình xây dựng trên địa bàn xã cũng gặp nhiều thuận lợi hơn, từ năm 2008 đến nay tất cả các thôn, bản có nhà lớp ghép, xây dựng 1 công trình kiên cố hóa trường lớp và 3 công trình thủy lợi được xây dựng, tạo điều kiện cho đồng bào xã giao lưu văn hóa và phát triển sản xuất. Đời sống của người dân đổi thay rõ rệt, số hộ có xe máy, và các phương tiện nghe nhìn tăng đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 giảm gần 7%".
Giao thông thuận tiện, kinh tế - văn hóa xã hội được phát triển, đặc biệt các công trình kiên cố hóa trường lớp học tại các thôn, bản được đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay toàn huyện đã có 381 phòng học, tăng 47 phòng học so với năm 2006, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 40,4%, tăng 5,3% so với năm 2006.
Hết năm 2010 có 10 xã thị trấn, 33/69 thôn bản có điện lưới quốc gia, đưa tỷ lệ hộ xem truyền hình lên 45%, tỷ lệ hộ nghe đài lên 80%, giúp người dân có điều kiện tiếp nhận giá trị văn hóa mới tiến bộ góp phần quan trọng vào công tác vận động nâng cao nhận thức của người dân.
Đường lên Xà Hồ (Trạm Tấu)
Đồng chí Trần Văn Long - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Trạm Tấu cho biết: “Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã thổi vào huyện Trạm Tấu một luồng sinh khí mới, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân vùng cao vươn lên khó khăn phát triển kinh tế, mà qua Nghị quyết này đã củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào đường lối đúng đắn của Đảng".
Ông Long cũng cho biết "Việc mở đường theo Nghị quyết 03 đã rút ngắn quãng đường giữa vùng cao với vùng thấp tạo điều kiện cho giao lưu thương mại phát triển mạnh mẽ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 34 tỷ đồng tăng 20 tỷ so với năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo từ 64,3% năm 2006 xuống còn 48,16% năm 2010 (theo tiêu chí cũ)”.
Dự án làm đường giao thông nông thôn đã kết thúc. Hôm nay trên vùng cao Trạm Tấu, những con đường của ý Đảng lòng dân đã vắt lên những đỉnh non xanh cao vời vợi như một dải lụa vĩnh hằng tượng trưng cho niềm tin của dân vào Đảng.
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT - việc đào tạo và tìm kiếm việc làm của hầu hết lao động nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Đại đa số là lao động ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn không có điều kiện để theo học chuyên nghiệp và các lớp đào tạo nghề ở các tỉnh, thành phố lớn.
YBĐT - Những cô cậu học trò sớm chấp nhận xa gia đình đi về trọ học ở thành phố cũng không ngoài mục đích được học tập tốt hơn. Nhưng nếu không tự giác học tập thì sự trọ học xa nhà ấy phỏng có ích gì?
YBĐT - Sau hơn 10 năm được nâng cấp từ thị xã lên thành phố, thành phố Yên Bái đang ngày càng thay da đổi thịt mang dáng dấp của một đô thị hiện đại nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên.
YBĐT - “Hũ gạo đoàn kết” ra đời làm nhân lên sự háo hức đến trường của mỗi cô cậu học trò. Với các em mỗi ngày tới trường là một ngày vui. Đó là niềm vui của những đứa trẻ còn phải chịu rất nhiều khó khăn, thiệt thòi so với các bạn ở miền xuôi.