Chiến lược phát triển giao thông ở Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ ba, 12/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ nay đến năm 2010, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) sẽ kiên cố hóa khoảng 30km đường đến trung tâm các xã; 100% các thôn bản có đường xe máy, mở mới đường Trạm Tấu – Bắc Yên; mở mới đường Bản Mù – Làng Nhì
Người Mông vùng cao tham gia kiên cố hóa mặt đường vào trung tâm xã. Ảnh Thanh Hương
|
Trạm Tấu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, nguồn nội lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội không đáng kể, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn thiếu và kém chất lượng, giao thông đi lại hết sức khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hiện nay, huyện Trạm Tấu có hệ thống đường bộ với tổng chiều dài gần 500km, trong đó quốc lộ, tỉnh lộ nối liền huyện Trạm Tấu với thị xã Nghĩa Lộ dài 32km đi qua xã Trạm Tấu và thị trấn Trạm Tấu. Đường huyện dài 71,93km đến trung tâm 12/12 xã thị trấn, chủ yếu là đường cấp hạng kỹ thuật thấp, kết cấu mặt đường bê tông + đá nhựa chỉ có 7,1km; cấp phối dài 22km còn lại chủ yếu là đường đất.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhiều tuyến đường, nhiều công trình mới được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đã đáp ứng một phần nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đi lại của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, do khả năng đầu tư còn hạn chế nên chưa kiên cố hóa được hết mặt đường, hệ thống công trình thoát nước còn thiếu, kèm theo địa hình phức tạp đã hạn chế việc khai thác hiệu quả của các tuyến đường.
Hệ thống đường này chủ yếu do nhân dân đi lại lâu ngày tạo thành đường mòn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 9 cầu treo, 17 cầu bê tông cốt thép, 3 cầu dầm thép chữ I, 20 ngầm tạm và 20 cầu gỗ do nhân dân các xã trong huyện tự làm.
Với điều kiện của một huyện vùng cao, Trạm Tấu đã huy động mọi lực lượng xã hội tham gia xây dựng công trình giao thông với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 5 năm (2001 – 2005) tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển giao thông miền núi huyện Trạm Tấu là 46 tỷ 203 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 7 tỷ 549 triệu đồng, còn lại 38 tỷ 654 triệu đồng do Nhà nước đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
Huyện đã hoàn thành mở mới 50,6km đường ô tô, nâng cấp đường bê tông, đường nhựa 4,5km, sửa chữa đường dân sinh 191km, xây dựng mới 4 cầu treo, 7 cầu bê tông cốt thép.
Tuy nhiên, do nguồn vốn duy tu bảo dưỡng còn hạn chế và chưa có đủ hệ thống thoát nước nên các công trình giao thông đã xuống cấp nhanh chóng, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Tính đến năm 2005, toàn huyện có đường ô tô đến trung tâm 12/12 xã, thị trấn nhưng chỉ có 4/12 xã, thị trấn đi lại được 4 mùa trong năm.
Trên cơ sở hệ thống giao thông hiện có, huyện Trạm Tấu sẽ từng bước kiên cố hóa hệ thống đường huyện, xã với hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, mở mới một số tuyến đường ô tô đến các cụm thôn bản đông dân cư, vùng có tiềm năng phát triển kinh tế trong giai đoạn 2006 – 2010 để làm cơ sở cho việc tiếp tục mở rộng và nâng cấp các tuyến đường đến thôn, bản và khép kín hệ thống giao thông từ năm 2010 đến năm 2020.
Hệ thống đường xã của huyện Trạm Tấu dài 192km nối từ trung tâm xã đến các thôn bản, trong đó đường cấp A, cấp B chỉ có 33km. Về kết cấu, 100% là đường đất, không có hệ thống thoát nước, chủ yếu đáp ứng cho phương tiện xe máy và đi ngựa. Đường liên thôn bản dài 234km, chiếm 50% tổng chiều dài đường của huyện Trạm Tấu và 100% là đường đất, mặt đường rộng 1 – 1,5m, nối liền các thôn bản với nhau và các khu vực sản xuất nông lâm nghiệp.
Năm 2007, huyện Trạm Tấu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 công trình giao thông, trong đó có 3 công trình cầu treo, tổng chiều dài là 120m, hoàn thành 5 công trình đường giao thông, tổng chiều dài khoảng 10km chủ yếu là đường đất. Hoàn thành và đưa vào sử dụng ngầm tràn xã Hát Lừu, chiều dài 43m và xây dựng hệ thống thoát nước đường đi xã Xà Hồ, chuyển sang năm 2008 thi công 5 công trình giao thông với tổng chiều dài gần 40km.
Từ nay đến năm 2010, huyện Trạm Tấu sẽ kiên cố hóa khoảng 30km đường đến trung tâm các xã; 100% các thôn bản có đường xe máy, mở mới đường Trạm Tấu - Bắc Yên; mở mới đường Bản Mù - Làng Nhì, cải tạo hành lang giao thông khu vực thị trấn Trạm Tấu mở các tuyến đường trung tâm cụm xã theo đường tiêu chuẩn cấp VI.
Đến năm 2020, sẽ nâng cấp đường Nghĩa Lộ - Trạm Tấu thành đường cấp V kiên cố hóa toàn bộ hệ thống đường huyện xã với hệ thống thoát nước hoàn chỉnh; kiên cố hóa 50% đường liên thôn bản với tiêu chuẩn đường cấp B miền núi.
Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Trạm Tấu sẽ huy động hết các nguồn lực trong xã hội; tăng thu ngân sách; tiết kiệm chi để đầu tư xây dựng giao thông; tổ chức quản lý và phân bổ các nguồn vốn đầu tư một cách hợp lý; ưu tiên các công trình trọng điểm, các công trình mang tính đột phá.
Hàng năm, huyện đầu tư một phần ngân sách cho việc duy tu bảo dưỡng hệ thống công trình giao thông; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền cấp cơ sở; huy động sức mạnh của toàn dân cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống giao thông miền núi.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái vừa tổ chức đánh giá hiệu quả Dự án “Phát triển tổng hợp cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số, cải thiện chất lượng cuộc sống hộ gia đình” (Dự án B- VNM-0611- 007) do Tổ chức Bánh mỳ thế giới tài trợ.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam vừa ký với Hãng Kỹ thuật điện quốc tế ABB (có trụ sở chính tại Thụy Sĩ) một hợp đồng trị giá 25 triệu USD ngay trong dịp Tết Mậu Tý.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trương trong năm 2008 sẽ chú trọng thu hút những dự án đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch và có lợi nhất cho việc phát triển kinh tế, không chỉ vì mục tiêu tăng lượng vốn cam kết như trước đây.
YBĐT - Từ phong trào làm đường giao thông nông thôn, miền núi mà mạch máu giao thông lan tỏa khắp các vùng quê Yên Bái. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã có đường đến trung tâm xã. Nhiều xã vùng cao như Tân Phượng, Phan Thanh (Lục Yên); Tà Xi Láng, Túc Đán (Trạm Tấu); Chế Tạo, Nậm Khắt (Mù Cang Chải) Nậm Mười (Văn Chấn); Nà Hẩu (Văn Yên), những con đường gần đã nối các bản làng xa. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của người Mông Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng (Văn Yên), Chế Tạo, Nậm Khắt (Mù Cang Chải), người Dao Đại Sơn... mừng đón những con đường mới như thế nào. Khát khao ngàn đời đã thành hiện thực. Đường về, đánh thức các vùng quê.