Trấn Yên đa dạng hóa kênh thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/10/2023 | 7:35:35 AM

YênBái - Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. Để giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, ngoài việc đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, huyện Trấn Yên còn đa dạng hóa các kênh thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trấn Yên lắp đặt hệ thống loa thông minh tại các thôn bản vùng sâu vùng xa
Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trấn Yên lắp đặt hệ thống loa thông minh tại các thôn bản vùng sâu vùng xa

Là người uy tín trong đồng bào DTTS nên ông Đặng Hồng Quân - thôn Khe Đát, xã Tân Đồng được phát báo Nhân dân và báo Yên Bái. Mỗi khi được phát báo, ông thường dành thời gian phù hợp để đọc và lĩnh hội các thông tin kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thế giới, trong nước và trong tỉnh ở từng trang báo. 

Điều đặc biệt ở ông Quân đó là, những bài viết về mô hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội hay, phù hợp với địa phương, ông đều ghi chép lại tỷ mỉ để mỗi buổi họp thôn, họp xóm ông giới thiệu với bà con, nhất là các nội dung liên quan tới kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, trồng quế hữu cơ để bà con cùng áp dụng, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững. 

Ông Đặng Hồng Quân chia sẻ: "Tôi có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều thông tin qua các báo, đài hơn người dân. Vì vậy, tôi dành thời gian nghiên cứu, chắt lọc thông tin hay, phù hợp với địa phương để thử nghiệm tại gia đình và vận động bà con cùng thực hiện,  giúp bà con tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp với gia đình mình”.

Đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Trấn Yên đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo nuôi cá nước ngọt theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Chị Vũ Thị Thúy Mai ở thôn Lao Động cho biết: "Trước kia gia đình tôi có nuôi thủy sản, nhưng không có kỹ thuật nên cá, ốc nhồi thường bị bệnh chết, hoặc rất chậm lớn. Được tiếp cận thông tin qua lớp đào tạo này đã giúp tôi và các hộ khác trong xã có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình”. 

Với mong muốn người dân ở đâu, thông tin ở đó, đầu năm 2023 xã Quy Mông được đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh sử dụng công nghệ IP 4.0 để truyền và nhận thông tin qua mạng Internet nhờ sóng 3G, 4G. Đây là giải pháp chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực truyền thanh cơ sở, đặc biệt đối với các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. 

"Việc đầu tư truyền thanh thông minh sẽ giúp Quy Mông triển khai nhanh chóng các chủ chương, chính sách của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời là tiền đề quan trọng để Quy Mông giảm nghèo bền vững về thông tin cho nhân dân, nhất là đồng bào DTTS”, ông Phùng Tiến Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết. 

Để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông giảm nghèo về thông tin, trên cơ sở Kế hoạch của UBND huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Trấn Yên đã nâng cao chất lượng tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, của tỉnh và huyện trên hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, các trang Facebook. 

Trong đó, các tin bài thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, của huyện chiếm hơn 80% thời lượng phát sóng, có nhiều tin bài phản ánh cụ thể về chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, tuyên truyền các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước… 

Cùng với đó, các địa phương đã phát huy hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở thông qua việc xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với đặc điểm của địa phương mình; mở các lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị đầu bờ; tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo ở cơ sở giữa lãnh đạo các cơ quan chuyên môn với người dân... 

Ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trấn Yên cho biết: "Bên cạnh công tác truyền thông, từ việc duy trì tủ sách pháp luật, khoa học kỹ thuật, phát hành báo chí trong ngày đến tất cả các thôn, huyện Trấn Yên đã tranh thủ nguồn vốn của các dự án để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mạng Internet, điểm bưu điện văn hóa xã, hệ thống truyền thanh thông minh”. 

Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện có điểm bưu điện đạt chuẩn, có hệ thống truyền thanh, trong đó hệ thống truyền thanh thông minh đạt 62% số xã, 100% số thôn có cụm loa thông minh hoặc Fm; 100% thôn, bản có đường truyền Internet. 

Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục xây dựng, nâng cấp, củng cố và phát triển hệ thống thông tin, truyền thông ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội, đồng thời tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân về chính sách giảm nghèo, từ đó nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, thực hiện thành công mục tiêu giảm 0,7% hộ nghèo/năm, trọng tâm là giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS.

Hồng Duyên

Tags Trấn Yên giảm nghèo thông tin tập huấn đào tạo nghề

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Tính đến hết tháng 7/2023, giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 1.946,636 tỷ đồng, bằng 15,34% số vốn được phân bổ (1.524,449 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 28,23%; 422,187 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 6,53%). Hiện việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm…

Thu nhập từ nương khoai sọ giúp gia đình chị Thào Thị Vang, thôn Khấu Ly, xã Bản Mù ổn định kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở lồng ghép các chương trình dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu đã và đang vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, xã phấn đấu giúp 78 hộ thoát nghèo.

Thời gian qua, các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã rất tích cực trong việc triển khai, thực hiện Dự án 5.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ xem xét, giải quyết nhanh nhất các đề xuất, kiến nghị cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương trong triển khai Dự án 5 - Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Vùng trồng tre Bát Độ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đã trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Trấn Yên có nhiều khởi sắc nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc và các dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục